25/04/2013 08:35 GMT+7

Biển Đông: lợi ích chung của ASEAN

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 đã khai mạc ngày 24-4 ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei với chủ đề “Người dân của chúng ta, tương lai của chúng ta”, nhấn mạnh đến hợp tác phát triển trong các lĩnh vực an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội.

pAfacSs4.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono - Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, chiều 24-4 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Bandar Seri Begawan tham dự hội nghị. Tối 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah.

An ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông

Trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò và vị thế của Indonesia với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, nỗ lực của Indonesia trong việc thúc đẩy ra Tuyên bố sáu điểm về vấn đề biển Đông; mong muốn Indonesia tiếp tục phát huy vai trò, cùng với Việt Nam và các nước ASEAN khác hỗ trợ chủ tịch ASEAN thúc đẩy các mục tiêu của hiệp hội, trong đó có xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về những diễn biến trên biển Đông và khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông là mối quan tâm và là lợi ích chung của ASEAN và các nước liên quan. Do đó, ASEAN cần phát huy đoàn kết và tiếng nói chung của mình vì các mục tiêu này, đề cao các nguyên tắc cơ bản đã được nhất trí, đặc biệt là việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982; kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố sáu nguyên tắc của ASEAN, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), cam kết của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc nêu tại Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).

Tổng thống Yudhoyono bày tỏ coi trọng và đánh giá cao những đóng góp tích cực và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong việc củng cố đoàn kết, xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Trọng tâm hội nhập kinh tế

Một trong những vấn đề trọng tâm trong hội nghị cấp cao ASEAN lần này là thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu hơn trong khối và các nước khác trong khu vực. Theo AFP, các lãnh đạo sẽ thông báo về việc bắt đầu đàm phán với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand vào tháng tới để đi đến một hiệp định tự do thương mại lớn. Hiệp định này, còn được gọi là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhắm tới việc kết nối tất cả các thỏa thuận tự do thương mại của ASEAN với từng đối tác thương mại. ASEAN kỳ vọng RCEP sẽ được ký kết vào năm 2015, cùng thời điểm thị trường chung 600 triệu dân cho 10 nước ASEAN hình thành theo dự định. Thương mại của khu vực này trong năm 2011 tăng 16,8%, đạt mức 2.400 tỉ USD, bao gồm cả 598 tỉ USD thương mại nội khối.

Kyodo cũng trích bản dự thảo tuyên bố nhấn mạnh “cần nâng cao tính cạnh tranh của ASEAN bằng cách tạo điều kiện tốt hơn cho thương mại và đầu tư, làm đòn bẩy cho các nỗ lực đang diễn ra để thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đưa ASEAN lên một vị thế mang tính chiến lược hơn”.

“Khả năng đạt được các mục tiêu của chúng ta sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng đến ASEAN sau năm 2015” - trang tin của ASEAN dẫn lời Tổng thư ký Lê Lương Minh nhấn mạnh.

Trung Quốc “gặm nhấm” biển Đông bằng tàu tuần tra và du lịch

Trong bài phân tích về tình hình biển Đông được đăng trên tạp chí Yale Global của Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa ĐH Yale (Mỹ), học giả Marvin Ott thuộc Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson và ĐH Johns Hopkins nhận định Trung Quốc đang triển khai một hệ thống vũ khí hiệu quả hơn cả tàu chiến và tàu sân bay để chiếm đoạt biển Đông. Đó là tàu tuần tra bán quân sự.

“Các nước Đông Nam Á không đủ năng lực hải quân hay tuần duyên để đương đầu với tàu tuần tra Trung Quốc trên biển Đông. Nói trắng ra là các cơ quan hàng hải Trung Quốc có thể đàn áp các nước Đông Nam Á” - học giả Ott đánh giá.

Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) ước tính số chuyến tuần tra của cảnh sát biển Trung Quốc tại biển Đông đã tăng 300% kể từ năm 2008.

Tạp chí The Diplomat cũng dẫn lời sĩ quan hải quân Mỹ James Fanell thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thẳng thừng khẳng định: “Tàu hải giám Trung Quốc chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là quấy rối tàu bè của các nước láng giềng để buộc chính phủ các nước này phải thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh”. Fanell cho rằng Trung Quốc đang bắt nạt các nước láng giềng và đã trở thành một mối đe dọa nguy hiểm trên biển Đông. Theo Fanell, tàu tuần tra Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế không chỉ của các nước Đông Nam Á mà của cả hai láng giềng hùng mạnh là Nhật và Hàn Quốc. Ông mô tả cơ quan hải giám Trung Quốc là “tổ chức quấy rối chủ quyền biển thường trực”. Phía hải quân Mỹ cho biết các tàu tuần tra Trung Quốc không có vũ khí nhưng có vòi rồng cực mạnh, các móc lớn, thiết bị cắt lưới... Và cảnh sát Trung Quốc được trang bị súng đạn.

Chưa hết, hồi đầu tháng này Trung Quốc tiếp tục tung ra loại “vũ khí” mới để chiếm đoạt biển Đông. Đó là tàu du lịch dân sự, hoạt động tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” (quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam). Không quốc gia Đông Nam Á nào dám bắn vào tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ nước mình khi nó chở “khách du lịch dân sự”.

Thế nhưng, theo Marvin Ott, việc Trung Quốc “gặm nhấm” biển Đông bằng cách này có thể là một sai lầm chiến lược.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên