![]() |
Toàn bộ khuôn viên nguyên gốc của di tích lịch sử Khu giao tế Quảng Bình đã bị san ủi - Ảnh: Lam Giang |
Khu giao tế Quảng Bình được xây dựng năm 1954. Đây là nơi diễn ra các hoạt động quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, nơi đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia trong và ngoài nước, các đoàn khách quốc tế trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước như Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Thái Lan, Lào...
Trong đó còn một căn phòng nghỉ ngơi của Chủ tịch Fidel Castro (Cuba) vào năm 1973, khi ông vào thăm quân và dân Quảng Bình, Quảng Trị; đón tiếp Quốc trưởng Norodom Sihanouk (Campuchia), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp George Marchais... Đây cũng là nơi chuẩn bị cho sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã nhận trình quốc thư đầu tiên của một số nước...
“Hiện đại gấp trăm lần”
Ông Nguyễn Thanh Đàm, 86 tuổi, nguyên chủ nhiệm Khu giao tế Quảng Bình, cho biết với những cuộc đón khách và hoạt động quan trọng như vậy nên khu giao tế này mới trở thành một di tích lịch sử vào loại quý hiếm để được công nhận là di tích lịch sử quốc gia (4-12-1998). Nhưng hiện tại toàn bộ diện tích khuôn viên nguyên gốc khu di tích này đã bị san ủi thành một mặt bằng mới tinh để làm mới lại toàn bộ khuôn viên theo phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Bình, với tổng mức đầu tư là 2,04 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lợi, chủ tịch Hội Di sản văn hóa Quảng Bình: “Cách đây khoảng một năm tôi đã nghe nói về chuyện sẽ tôn tạo di tích này cho khỏi hoang phế. Nhưng để khỏi hoang phế di tích thì phải dọn dẹp cho sạch, chứ ai lại đi làm mới cảnh quan như hiện nay. Cá nhân tôi không đồng tình với cách làm như thế. Làm xong các hạng mục đường dạo, bồn hoa, bó vỉa thì di tích lịch sử này hóa ra là... một khu công viên à. Chẳng lẽ di tích lịch sử là khu giao tế mà chỉ vào để xem năm căn nhà trơ trọi?”. |
“Theo như cách làm trên thì khi công trình được hoàn thành, khu di tích lịch sử này sẽ chỉ còn lại mấy ngôi nhà cấp bốn là nguyên gốc. Và nó sẽ nằm chơ vơ giữa một khung cảnh đầy bêtông và gạch lát màu mè, trông hiện đại gấp trăm lần so với những gì tôi đã chứng kiến và sống với di tích từ ngày xưa”- ông Đàm không khỏi thất vọng cho biết.
Ông Đàm còn “phát hiện” thêm: “Trước đây trong khu giao tế không có sân bóng chuyền nào, vì chúng tôi lo đón và phục vụ khách chu đáo, lấy thời gian đâu mà chơi bóng chuyền. Khách thì toàn nguyên thủ quốc gia, cán bộ cấp cao và người nước ngoài cả, ai có thời gian mà chơi?”.
“Không còn là khu giao tế Quảng Bình”
Ông Đàm khẳng định: “Không còn là di tích Khu giao tế Quảng Bình nữa, khi từng con đường, vườn hoa, gốc cây nguyên gốc và khung cảnh trước đây đã bị phá hoặc chuyển dời vị trí. Nên nhớ là những cây xanh chúng tôi trồng ngày xưa đã được tính toán vị trí, có thế mới che chở và bảo vệ được khách trước sự nhòm ngó của máy bay địch”.
Ông Đàm cũng cho biết trong dịp kỷ niệm 12 năm Khu giao tế Quảng Bình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, ông còn đề nghị với các cấp, cơ quan liên quan cho trồng lại một số cây dừa để tượng trưng cho vườn dừa do học sinh Lào trồng lưu niệm trước đây.
Cắm biển nơi quả bom nặng gần 7,5 tấn do máy bay Mỹ ném xuống đã rơi vào giữa sân khu giao tế nhưng không nổ, làm lại một số hầm chữ A tránh bom, hào giao thông cho khách đến hầm... Như thế hậu thế sẽ biết được di tích này trước đây có diện mạo ra sao, tồn tại trong chiến tranh ác liệt như thế nào.
Nhiều người dân xung quanh di tích Khu giao tế Quảng Bình cho biết rất xót xa khi thấy người ta đưa máy vô san ủi trong di tích, vì sau này lớp trẻ có muốn thấy khu di tích lịch sử này vốn có hình hài ra sao nữa cũng không thể được.
Những thay đổi này, theo bà Trần Thị Lý, giám đốc Ban quản lý di tích Quảng Bình, vì trước đó khuôn viên di tích bị cây cối mọc tràn đầy, gần như hoang phế. Mục tiêu làm mới lại khuôn viên là nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của một di tích từng là nơi đón tiếp khách quốc tế, nguyên thủ quốc gia trong chiến tranh ác liệt..., để di tích này trở thành nơi cho mọi người tham quan, qua đó hiểu hơn về lịch sử của nước ta nói chung và Quảng Bình nói riêng trong chiến tranh chống Mỹ.
Bà Lý cũng cho biết hiện còn năm căn nhà khách trong khu di tích là nguyên gốc lịch sử, trong tổng thể khuôn viên gồm cây xanh, sân vườn... cũng còn lại từ ngày trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận