04/11/2016 13:59 GMT+7

Biên cương trên cánh đồng nhà

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Xế chiều. Lão nông Hai Bé (88 tuổi, ấp Vĩnh Hòa) đạp xe lọc cọc trên con đường ven kinh thủy lợi dẫn ra biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ông Hai Bé chuyện trò cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng Việt Nam đi tuần tra bên cột mốc 285, biên giới Việt Nam - Campuchia - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Ông Hai Bé chuyện trò cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng Việt Nam đi tuần tra bên cột mốc 285, biên giới Việt Nam - Campuchia - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Đời ông nội tui, ba tui rồi tới tui vẫn ở đây. Nhiều phen giặc giã, dân ở đây phải tản cư đi nơi khác, đến khi yên ổn cũng về đây. Ruộng vườn, đất cát nằm ở đây bao đời rồi. Sống đâu quen đó thôi

Ông Đặng Văn Bé

Hình ảnh quen thuộc ông đạp xe mỗi chiều đã quen trong mắt người dân vùng biên giới xã Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) giáp với xã Tà Ô (H.Kri Vong, tỉnh Tà Keo, Campuchia).

Với ông Hai Bé, biên giới là bờ ruộng, láng giềng là mối thâm giao từ nhiều đời ở bên kia nước bạn, tối lửa tắt đèn có nhau... Nông dân khai cơ lập nghiệp trên dải đất biên giới Tây Nam bao đời nay vẫn giữ gìn bờ cõi quê hương trên những cánh đồng nhà.

Biên giới chân tình

Thường thì ông Hai Bé đi coi ngó mùa màng, con nước. Khi thì ông chỉ dẫn những nông dân từ Campuchia đạp xe sang xin cỏ nuôi bò, chỉ cho cánh đồng cỏ xanh, bày cho mẹo giữ vụ mùa tránh dịch rầy nâu... hay đơn giản hỏi thăm những người quen bên kia biên giới. Ông nói tiếng Campuchia thành thạo. Không chỉ chòm xóm ở bên đây biên giới, mà cả những nông dân cặp bên kia nước bạn từ nhiều năm vẫn hay chia sẻ với ông để cùng thoát qua những vụ mùa thắt ngặt.

Ông hóm hỉnh: “Tui mới ở đây có hơn... tám chục năm hà. Đời ông nội tui, ba tui rồi tới tui vẫn ở đây. Nhiều phen giặc giã, dân ở đây phải tản cư đi nơi khác, đến khi yên ổn cũng về đây. Ruộng vườn, đất cát nằm ở đây bao đời rồi. Sống đâu quen đó”.

Ông Hai Bé kể ngày trước khi đường biên giới chưa được nhà nước hai bên chính thức phân định, cắm mốc như ngày nay thì nhiều người dân hai bên vẫn coi đường biên là bờ ruộng của nhà mình. “Nhà tui có ba chục công ruộng giáp đất ông Lên phía bên Campuchia. Trước giờ làm ruộng gần nhau nên qua lại thân thiết. Giờ biên giới được phân định. Ruộng ai nấy làm, xưa giờ không thay đổi” - ông nói.

Ông Bé kể ngày trước lúc chợ búa không có nhiều như bây giờ, người Campuchia cặp biên giới vẫn hay sang đi chợ ở Việt Nam. Cặp kinh Vĩnh Tế trước có chợ Đình, người Campuchia hay mang gà, vịt sang bán rồi mua muối, bột ngọt, dầu lửa... về xài. Xôm tụ nhất là những mùa hạn, người dân bên đây tát đìa bắt cá đều gọi người Campuchia sang bắt cùng. Người Việt Nam bắt cá lớn bán, làm khô, người Campuchia bắt cá nhỏ về làm mắm bò hóc.

Thời đó, người Việt Nam và Campuchia cũng thường họp chợ chung. Người Việt Nam hay mang cá sang Gò Me trên đất Campuchia bán và mua về heo, bò. “Có đám tiệc cũng mời qua lại. Năm nào cúng đình Vĩnh Gia mình cũng mời bạn bè bên kia qua chơi. Người dân hai bên coi nhau như chòm xóm láng giềng, ít khi phân biệt nước này nước nọ” - ông Hai Bé kể. Ông nói nhiều thế hệ người dân trong xóm ông đều có những người bạn ở phum, sróc bên Campuchia.

Mấy năm những cánh đồng cặp biên giới trên đất bạn Campuchia bị sâu bệnh phá hoại, họ sang bên này nhờ chia lại thuốc trừ sâu, nhiều nông dân Việt Nam đã cho không, lại còn bày cách dùng. Không những thế, một con kinh thủy lợi dẫn nước từ kinh Vĩnh Tế mở ra đường biên giới phía đất bạn đã được xẻ từ nhiều năm trước. Nước từ kinh Vĩnh Tế chảy đến tận phum, sróc ở bên kia biên giới. Từ nguồn nước này, nhiều cánh đồng cặp biên giới của nông dân Campuchia đã trồng được hai vụ lúa.

Giữ gìn cột mốc thiêng liêng

Ông Bé ở đây lâu, lại có uy tín nên được người dân cả hai bên tin tưởng, trọng vọng. Ông Pon, chủ tịch xã Tà Ô, còn sang nhận ông Hai Bé làm anh nuôi. “Tui đi lên trển (sang Campuchia) lần nào ông Pon cũng rủ ghé nhà. Dân trên trển mất trâu, mất bò cũng chạy xuống đây nhờ tìm giúp. Có mấy vụ ăn trộm bắt trâu bò của dân Campuchia rồi sang bên đây biên giới bán. Dân mình bắt được đem trả lại cho bạn. Từ lâu đời tới giờ, dân hai bên sống tình nghĩa lắm” - ông Bé nói.

Người dân ở ấp Vĩnh Hòa cho biết gần đây có một vài người theo đảng đối lập ở Campuchia xuất hiện ở những phum, sróc biên giới nói xấu người Việt Nam. Mấy lần sang Campuchia chơi, ông Hai Bé đã gặp họ.

Đó là những người đáng tuổi con, tuổi cháu ông nên ông chân tình: “Bây thấy dân hai bên biên giới hồi đó giờ có vui vẻ không? Bây muốn quậy thì được gì tốt hơn hay sao? Nhà cửa của người Việt Nam quân Khmer Đỏ tràn sang đốt phá, người Việt Nam đâu có giận. Giờ bây quậy là quậy cái gì?”.

Rồi ông tỉ tê, nói trong số những người anh em Campuchia ở đây có không ít người từng bị Khmer Đỏ đốt nhà, người thân bị sát hại, kể cả chính gia đình người thân của những anh em đối lập. Họ rất đăm chiêu suy nghĩ... “Gặp mấy ông bạn đời ở bển tui đều nói cho họ nghe. Để không có mặt tui, có ai đến phá hoại thì bạn tui cũng có lý lẽ để nói với họ” - ông Hai Bé nói.

Thượng tá Vũ Tiến Trinh, đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Gia, cho biết trên địa bàn xã Vĩnh Gia có 7,8km đường biên giới Việt Nam giáp Campuchia. Đoạn biên giới này Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành việc phân giới, cắm 5 cột mốc (từ cột mốc số 282 đến 286). Việc còn lại là giữ gìn đường biên, cột mốc cũng như giữ vững mối giao hảo giữa chính quyền, quân đội và người dân hai nước để bình yên xây dựng cuộc sống.

Thượng tá Trinh nhận định tình hữu nghị bắt nguồn bằng thâm giao của người dân hai nước đã góp phần giữ vững bình yên cho biên giới. Mà ở đó ông Hai Bé cùng nhiều người dân ở hai bên biên giới đang ra sức gìn giữ và chăm sóc là minh chứng.

Ở vùng biên giới bình yên bao đời không hề có biên giới trong lòng người dân hai nước.

Hết giặc lại về, ruộng ai nấy giữ

Ông Hai Bé nói nhiều thế hệ gia đình ông đã khai phá vùng đất cặp biên giới và sống hữu hảo với láng giềng nước bạn - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Ông Hai Bé nói nhiều thế hệ gia đình ông đã khai phá vùng đất cặp biên giới và sống hữu hảo với láng giềng nước bạn - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Cuộc sống yên bình ở những xóm làng biên giới bị phủ màu đen dưới thời Khmer Đỏ. Ông Hai Bé bùi ngùi, có mấy năm ông bỗng... mất hết người quen ở bên kia. Khmer Đỏ bắt dân vùng biên giới nhốt về thành thị, đem dân thành thị đày ra biên giới. Cuộc sống xáo trộn. Năm 1979, giặc Pol Pot tràn sang. Chúng tàn sát những người dân vô tội, tàn phá xóm làng. Nhà cửa bị đốt, cây cối bị chặt phá... Làng quê tang tóc. Chạy giặc. Cả vùng biên không bóng người.

Năm 1980, khi quân Pol Pot bị đánh đuổi ra khỏi vùng biên giới Vĩnh Gia, gia đình ông Hai Bé là những người đầu tiên trở về xây dựng lại xóm làng. Biên cương không còn bóng giặc, nhưng những người dân trở lại phải đối diện với những chết chóc bom mìn và bẫy chông do quân Khmer Đỏ để lại.

Dọc hai bờ sông Vĩnh Tế, đi đến đâu cũng gặp phải mìn. Trên các con đường dẫn vào xóm mìn dày đặc. “Chúng ác đến mức cây cối chúng chỉ đốn hạ nửa cây rồi rải mìn dưới gốc. Người dân không biết, về mót cây cất nhà thì bị đạp phải mìn. Chỉ mấy ngày thôi, xóm tôi có đến hai mươi chín người chết vì mìn do chúng cài lại. Hai mươi chín mạng người trong một xóm nhỏ, đau quá! Nhưng quê hương mình ở đây, có chết cũng phải về đây sinh sống” - ông Bé bồi hồi.

Hết giặc giã, người dân hai bên biên giới trở về xóm làng, cày lại mảnh ruộng, gieo lại vụ mùa. “Khi xâm lược vùng biên giới, quân Pol Pot phá hết bờ ruộng với ý định chiếm đất lâu dài. Nên khi về lại, mình phải đắp lại bờ bao để có nước trồng lúa. Lúc đó chúng tôi đều mời chính quyền bạn đến làm chứng. Dân hai bên phân định đất ruộng để làm cũng rất hữu hảo. Không cần chính quyền nhắc nhở, hai bên chẳng ai lấn đất của ai” - ông cười hiền lành.

Tổ tự quản đường biên

Có 70 hộ dân có đất canh tác dọc đoạn biên giới này. Các hộ dân này là thành viên trong “tổ tự quản đường biên cột mốc”. Tổ gồm những người có uy tín, có ý thức giữ gìn và bảo vệ đường biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như giữ tình cảm láng giềng tốt đẹp với nước bạn.

Tình hình ở bên đây biên giới Việt Nam thì ổn định. Tuy nhiên ở phía bên kia biên giới, không ít lần đảng đối lập Campuchia tung ra những tin thất thiệt nhằm phá hoại tình hữu nghị với Việt Nam. Những người chống phá này phao tin đồn “cột mốc 285 Việt Nam lấn sang đất Campuchia” và tuyên truyền vu khống.

Cuối năm 2014, lãnh đạo một đảng không thuộc đảng cầm quyền ở Campuchia dẫn trên 200 người đến chùa Tà Ô (xã Tà Ô), lấy cớ đi chùa và tìm cách tiếp cận cột mốc 285 để ghi hình phục vụ tuyên truyền. Tuy nhiên, hành động của nhóm người này đã không nhận được sự ủng hộ của người dân vùng biên giới Campuchia.

Biên phòng An Giang đã phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia cùng chính quyền bạn kịp thời ngăn chặn, không để những kẻ chống phá thực hiện được âm mưu.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên