Một bà mẹ dặn dò con mình trước khi lên đường tham gia học kỳ quân đội tại lễ xuất quân Học kỳ quân đội “Chúng con đã trưởng thành” sáng 18-6 - Ảnh: Quang Định |
Vô tình họ đã biến con mình thành những “búp bê” bằng pha lê, nhìn ngắm thì đẹp lung linh nhưng lại rất mong manh dễ vỡ.
Nhiều cô cậu học giỏi, ngoan ngoãn, còn về cuộc sống hay sinh hoạt đời thường thì vẫn mãi là một đứa trẻ.
Việc “chăm chút từng ly sữa, miếng ăn, cầm dù che nắng cho con...” nếu chỉ diễn ra trong kỳ thi quan trọng thì được, còn cứ “bao cấp” cho đến khi con tốt nghiệp đại học thì không nên chút nào.
Năm ngoái, phòng trọ nhà tôi đón hai tân sinh viên nữ vào ở. Thời gian đầu, tôi không hề thấy các cháu nấu ăn, quần áo cứ vài ngày lại mang ra tiệm giặt ủi. Tôi cứ nghĩ do bận học nên không có thời gian, một phần là gia đình chắc có điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, không lâu sau tôi biết rõ hoàn cảnh từng cháu, nhà chẳng khá giả gì, cha mẹ phải làm lụng vất vả mới có tiền gửi vào. Chuyện học hành dù bận rộn nhưng cũng không đến nỗi thiếu thời gian. Nguyên nhân là cả hai cô nàng chưa hề biết nấu ăn, giặt giũ, sợ các phòng “hàng xóm” chê cười nên không dám nói ra.
Thế mới có chuyện “nước chảy ngược”, con gái tôi dù sống ở thành phố nhưng do được huấn luyện từ nhỏ nên khá thành thạo việc bếp núc. Cháu đã xung phong đảm nhận giúp hai bạn này nấu ăn, giặt quần áo. Sau kỳ “luyện thi cấp tốc” do con tôi “đứng lớp”, đến hết học kỳ một hai bạn này về quê nghỉ tết tự tin khoe với gia đình là đã biết nấu nướng.
Tập cho con biết tự lập không có nghĩa là để mặc con muốn làm gì thì làm, cha mẹ phải làm tốt sứ mệnh người thầy của con ở ngoài đời. Cần trang bị cho con “hành lý” để bước ra đường, nhưng không nhất thiết luôn kè kè bên con. Tạo cơ hội cho con cái tự hít thở, tự biết tránh “chướng ngại vật”, chủ động giao tiếp với mọi người hơn là theo con như hình với bóng.
18 tuổi chả lẽ chỉ biết im và... khóc?
Đầu tiên là câu chuyện của những thí sinh chỉ biết im lặng, khóc mà không biết đứng lên đòi quyền lợi khi giám thị ký sai. Mãi khi câu chuyện đến tai phụ huynh thì mới có hai người phản ảnh lên báo chí.
Vậy 18 năm qua họ đã được trang bị những gì? Để rồi những nam thanh nữ tú này chọn thái độ im lặng trong ấm ức, khóc và chỉ biết kể cho cha mẹ nghe, rồi chờ quyết định của người lớn trong may rủi.
Quả thật, có nhiều bạn trẻ được lo lắng kỹ quá, bao năm ăn học được bao cấp từ đầu chí cuối nên dễ có tâm lý ỷ lại “sẽ có người lo”. Có những người 18 tuổi mà mặc nhiên gây ra sai phạm nhưng ra sức chối bỏ, không chịu trách nhiệm.
Đâu rồi những nam thanh nữ tú 18 tuổi mặt mũi sáng ngời, sẵn sàng chịu trách nhiệm về mình khi làm sai? Chỉ sợ rằng có một lớp người nhìn ngoài thì đẹp nhưng “sức đề kháng” lại rất yếu.
Cha mẹ nâng như nâng trứng, mất ăn mất ngủ, vật vã giữa nắng trưa, đợi con ba giờ không dám mua ly nước mía, rồi vừa mừng vừa lo khi thấy con bước ra khỏi phòng thi, hồi hộp, ân cần hỏi “con có làm được bài không?”, để nhận lại câu quát của đứa con mà nuốt cục tủi thân vào lòng. Tôi thấy mình nghẹn lại, thấy cả nỗi buồn tủi của người mẹ kia trong câu nói.
Tôi bỏ công việc đưa con đi thi vì hai chữ “nghi ngại”
Tôi là người đã bỏ nhiều công việc quan trọng của riêng mình để đưa con đi thi, đã chờ con thi xong mới về, dù điểm thi cách nhà chỉ 2km.
Tôi biết rằng tuổi 18 là tuổi đã lớn. Trong thơ ca, tuổi 18 là tuổi đẹp nhất, tuổi lớn vượt mọi khuôn khổ cũ: Tuổi mười tám áo chưa sờn đã chật/ Bàn chân đi xê xích cả chân trời/ Kỳ diệu quá khi ta mười tám tuổi/ Mái nhà tranh nay bỗng thấp đi nhiều/ Sân trước nhà bé lại biết bao nhiêu/ Kỳ diệu quá khi ta mười tám tuổi...
Và anh Lý Tự Trọng, chưa đến tuổi thành niên đã biết nhận thức chân lý lớn của thời đại, khi mà nó chưa thật sự sáng tỏ: "Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác".
Thế hệ chúng tôi, 18 tuổi đã xung phong ra trận, đi một bước là vào ngay vòng gian khổ: thiếu ngủ, đi bộ một ngày 50 - 70km trên vai balô quần áo, bao gạo, súng đạn, cuốc xẻng... lúc nào cũng hơn 30kg và đối đầu với một kẻ thù từ phương Tây, được trang bị đến tận răng. Tôi hiểu rõ khả năng kỳ diệu của tuổi trẻ.
Vì con, người ta có thể làm tất cả; đó là một truyền thống, sự hi sinh vô bờ bến của bố mẹ đối với con cái: Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày. Đó cũng là một tiến bộ xã hội: ngày nay, về điều kiện vật chất cũng như ý thức, con người biết chăm lo hơn cho thế hệ tương lai.
Nhưng theo tôi nghĩ, còn có một tâm lý nữa, đó là sự nghi ngại: nghi ngại sự bất trắc dễ xảy ra trong cuộc sống hiện đại, nghi ngại sự lạnh lùng của con người trong cơ chế thị trường, vì vậy bố mẹ luôn muốn có mặt bên con để xử lý những tình huống bất trắc. Đồng thời cũng muốn động viên con cái, dành những gì tốt nhất cho con cái.
Về phía con cái, thế hệ tuổi 18 trước đây chút ít và tuổi 18 ngày nay, từ chính gia đình tôi mà thấy: các cháu được chăm sóc kỹ quá, đến mức giảm thiểu những năng lực và kỹ năng sống.
Thậm chí hình thành một lối sống hưởng thụ, cách sống ỷ lại: bất cứ việc gì cũng chờ người khác đem cho. Tệ hại nhất là xa rời lao động. Trong khi đó, chính lao động mới làm cho con người ý thức được giá trị của của cải vật chất, mới đem lại sự phát triển của tư duy, sức khỏe và những tình cảm tốt đẹp khác.
Không ít bạn còn “bám váy mẹ” Trên tuoitre.vn, đông đảo bạn đọc đã bàn tán xôn xao chuyện “bám váy mẹ” của những nam thanh nữ tú 18 tuổi. * Nhiều người không quản được con cái hay đổ thừa kiểu như “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. (Long Phạm) * Bởi toàn “bám váy mẹ” nên ra đời cứ “ngơ ngơ như gà công nghiệp”, đúng là chán òm! (Robert) * Ngoài đường bây giờ nhan nhản, cha mẹ gồng lưng ghì tay lái, phía sau là... một tấm lưng to bè đang nhai thức ăn nhanh hoặc một ổ bánh mì thịt, tranh thủ ăn trên đường kẻo “đói mất sức”. Thi thể dục mà chạy không nổi thì gia đình, đất nước trông cậy được gì. Học đến 12 mà cha mẹ còn phải giặt đồ cho, không biết làm thức ăn cho bữa cơm nhà thì còn có ích cho ai. (Công Lý) * Có lần tôi đi ngang một trường chuyên nổi tiếng ở TP.HCM thấy cảnh bà mẹ đút cơm cho cậu học sinh lớp 12 đang ngồi đọc gì đó. Thật đáng thất vọng. (Hồ Văn Long) * Đúng là đáng thất vọng. Mình có cô bạn lấy chồng 27 tuổi. Lấy về mới biết chồng không khác gì "cục cưng", "cục bột" của bà mẹ chồng. Rồi thì tất tần tật mọi chuyện đều nghe mẹ, thậm chí làm nũng mẹ vì vợ... bắt đi mua sữa bầu. Khi cô vợ bỏ đi, bà mẹ vẫn gọi con trai cục bông" "cục bột" của mẹ và nói “nó không cần con thì con về ở với mẹ”. (luyen123@) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận