Ảnh minh họa. Nguồn: http://mindsofhope.eu
Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ xảy ra phổ biến không chỉ ở người cao tuổi mà có cả người trẻ. Mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Dù là nguyên nhân nào nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nghiện và lệ thuộc thuốc ngủ
Biến chứng phức tạp nhất của chứng mất ngủ là nghiện và lệ thuộc thuốc ngủ. Việc người mất ngủ tìm đến những loại thuốc ngủ là điều dễ hiểu. Nhưng đa phần họ đều không tham khảo ý kiến bác sĩ mà chỉ tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Chính điều này làm tăng nguy cơ lệ thuộc thuốc.
Benzodiazepine là hoạt chất an thần gây nghiện hay có trong các loại thuốc ngủ như Valium, Lorazepam,… Việc sử dụng kéo dài các loại thuốc này sẽ gây ra tình trạng nhờn thuốc, bệnh nhân dù uống vẫn mất ngủ. Không dừng lại ở đó, nếu dùng thuốc ngủ kéo dài bạn có thể bị:
- Suy giảm nhận thức;
- Kích động;
- Trầm cảm;
- Mất trí nhớ, bị lẫn.
Những biến chứng trên có thể kéo theo hệ lụy hiệu quả học tập, làm việc giảm sút, nguy cơ gặp tai nạn cao,…
Trong các nghiên cứu, 58%-84% bệnh nhân được kê đơn benzodiazepine vẫn đang dùng chúng sau sáu tháng bắt đầu. Trong một nghiên cứu khác, 80% người báo cáo sử dụng benzodiazepine dài hạn mang theo các chẩn đoán khác, chẳng hạn như nghiện rượu, trầm cảm hoặc lạm dụng dược chất, và tới 40% người nghiện rượu báo cáo sử dụng benzodiazepine.
Hiện nay, do đem lại những nguy cơ tiềm ẩn xấu đến sức khỏe, các loại thuốc này cũng được hạn chế sử dụng hơn trước. Một số loại thuốc có tác dụng an thần như benzodiazepine mới hơn như zolpidem, eszopiclone,… được sử dụng nhiều vì nguy cơ gây lạm dụng và tác hại giảm thiểu hơn.
Béo phì
Béo phì phổ biến hơn ở người lớn bị mất ngủ, người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm. Còn ở trẻ em, không ngủ đủ thời gian có nguy cơ bị béo phì gấp đôi so với trẻ có đủ thời gian ngủ.
Trong một nghiên cứu tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những phụ nữ thường ngủ 5 hoặc ít giờ mỗi đêm có tỷ lệ tăng cân cao hơn 16 lần so với những người ngủ 7 tiếng mỗi đêm.
Một nghiên cứu tại Đại học Columbia phát hiện rằng những người từ 32 đến 49 tuổi ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có chỉ số khối cơ thể trung bình cao hơn (BMI) và có nhiều khả năng béo phì hơn những người ngủ ít nhất 7 giờ.
Tiến sĩ Kryger giải thích: "Với giấc ngủ quá ít, có những thay đổi về mức độ kích thích sản sinh hormone đói ghrelin và leptin, khiến bạn ăn nhiều hơn".
Gây bệnh tim
Ngủ không đủ đã được chứng minh là làm giảm 11% phản ứng tim mạch. Theo các nhà khoa học, cơ thể sẽ tiết ra hormone melatonin khi bạn ngủ. Hormone này có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh nhịp sinh học cũng như kiểm soát hoạt động của các loại hormone khác liên quan. Khi thiếu ngủ, đồng nghĩa cơ thể bạn đang ức chế sản xuất ra loại hormone điều chỉnh này. Điều này sẽ tác động xấu trực tiếp lên tim mạch, tăng khả năng nhồi máu cơ tim, nhất là ở người lớn tuổi.
Gây tăng huyết áp
Theo nghiên cứu của Đại học Columbia ở thành phố New York cho thấy, mất ngủ kéo dài có thể tăng gấp đôi nguy cơ phát triển chứng tăng huyết áp trong khoảng 10 đến 20 năm.
Tiến sĩ James Gangwisch là trợ lý Giáo sư về tâm thần học tại Đại học Columbia giải thích: "Khi bạn ngủ, huyết áp và nhịp tim thường giảm 10 đến 20%. Nếu bạn mất ngủ, huyết áp và nhịp tim sẽ tăng, tạo sức ép lên hệ thống tim mạch. Tình trạng này kéo dài sẽ thiết lập lại toàn bộ hệ thống tim mạch trở nên hoạt động ở áp suất cao mọi lúc, gây tăng huyết áp".
Gây bệnh tiểu đường
Tiến sĩ Kryger, tác giả cuốn sách Hướng dẫn về Rối loạn giấc ngủ của A Woman giải thích: "Khi bạn không ngủ đủ, cơ thể của bạn không đáp ứng với insulin vì nó có thể dẫn đến kháng insulin gây bệnh tiểu đường type 2"
Gây bệnh ung thư
Theo các nhà khoa học, những người thường xuyên làm việc đêm, thiếu ngủ có nguy cơ mắc bệnh ung thư rất cao, nhất là ở độ tuổi 30 đến 50 tuổi. Ở phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở những người thường xuyên làm đêm ít nhất 6 tháng cao hơn người bình thường.
Còn đối với nam giới, thường xuyên mất ngủ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Gây đột quỵ
Một trong các biến chứng nguy hiểm của mất ngủ là đột quỵ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, nhóm tuổi từ 18 đến 35 nếu mất ngủ, làm việc quá sức về đêm thường xuyên sẽ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 8 lần bình thường.
Đặc biệt ở những người đã bị sẵn bệnh tiểu đường mà còn mất ngủ thường xuyên thì khả năng đột quỵ càng tăng cao hơn.
Gây sạm da, lão hóa sớm
Không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh bên trong, mất ngủ còn tàn phá nghiêm trọng sắc đẹp của bạn. Ban đêm là lúc các tế bào da tự tái tạo, hồi phục sau một ngày chịu nắng gió, bụi bẩn của môi trường. Mất ngủ xảy ra, khiến da bạn không có thời gian phục hồi dẫn đến sạm da, lão hóa sớm, mụn nhọt,…
Ngoài những biến chứng trên, mất ngủ cũng liên quan đến nhận thức đau tăng lên, mức độ mệt mỏi cao hơn, giảm khả năng học tập và trí nhớ, phản ứng viêm và miễn dịch bị suy giảm.
Nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quân đội Walter Reed phát hiện ra, "mất ngủ có thể ảnh hưởng đến phán đoán đạo đức của con người, giảm khả năng thích hợp cảm xúc và suy nghĩ hướng dẫn bạn làm điều đúng đắn".
Tóm lại những tác hại do mất ngủ gây nên thật sự nghiêm trọng. Do vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu mất ngủ nào, bạn cũng nên tìm gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị sớm. Tuyệt dối không tự ý mua thuốc điều trị./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận