08/04/2020 09:52 GMT+7

Bị từ chối trả bảo hiểm vì trong máu có cồn, liệu có đúng luật?

GIA THÀNH - HOÀNG LỘC
GIA THÀNH - HOÀNG LỘC

TTO - Dù không hề uống bia rượu, nhưng do nồng độ cồn tự nhiên có sẵn trong máu, một người đàn ông đã bị bảo hiểm từ chối chi trả thiệt hại sau vụ tai nạn giao thông. Việc từ chối bảo hiểm có đúng luật?

Bị từ chối trả bảo hiểm vì trong máu có cồn, liệu có đúng luật? - Ảnh 1.

Ông Tuấn bị gãy chân phải dùng nạng, hằng ngày vẫn cặm cụi sửa xe tại tiệm sửa xe của mình - Ảnh: GIA THÀNH

Ngày 20-10-2019, ông Lê Văn Tuấn (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) lái ôtô của người bạn từ hướng Định Quán (Đồng Nai) về đến trước cổng chợ đầu mối thực phẩm Dầu Giây (Đồng Nai) thì tông vào dải phân cách giữa quốc lộ 20. 

Ông Tuấn bị gãy chân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu. Sau đó ông Tuấn được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 ở TP.HCM. Tại đây ông Tuấn và bạn (chủ xe) có liên hệ với phía Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) thông báo về việc tai nạn để yêu cầu bảo hiểm. 

Từ chối vì trong máu có cồn 

Quá trình làm việc, ông Tuấn khẳng định không hề uống rượu bia từ xưa giờ chứ không chỉ trước khi lái xe. Tuy nhiên, cuối tháng 11-2019, bạn ông Tuấn (chủ xe) có nhận được văn bản do ông Nguyễn Thành Tâm - phó văn phòng đại diện giám định bồi thường của công ty - ký có nội dung từ chối bồi thường tổn thất xe ôtô. 

Văn bản này viện dẫn khoản 4, điều 12 quy tắc 370 của công ty (những điểm loại trừ chung) để từ chối bảo hiểm. Theo đó, "lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác bị cấm theo quy định của pháp luật". 

Trong khi đó, biên bản giải quyết tai nạn giao thông của Công an huyện Thống Nhất (Đồng Nai) lập ghi nhận nguyên nhân tai nạn là do ông Tuấn ngủ gật không làm chủ tay lái. Ngoài ra biên bản hoàn toàn không ghi nhận việc ông Tuấn có sử dụng rượu bia, say xỉn hay có nồng độ cồn. 

Còn văn bản tóm tắt bệnh án số 2183/BV-KHTH ngày 14-11-2019 của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh mà Công ty PTI dựa vào đó để từ chối trách nhiệm bảo hiểm có ghi nhận tình trạng lúc vào viện "bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt…". 

Về kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của ông Tuấn thì bệnh án ghi nhận có chỉ số 1,475mg/dl. Bệnh án cũng ghi nhận trị số bình thường nồng độ cồn trong máu nằm trong khoảng 0.0mg - <50mg/dl. 

"Tôi rất bức xúc khi phía công ty viện dẫn kết quả này để từ chối trách nhiệm bảo hiểm cho bạn tôi. Bởi lẽ tôi xưa nay không uống rượu bia và nồng độ cồn trong máu của tôi nằm trong trị số bình thường…" - ông Tuấn nói. 

Ông Nguyễn Văn Quý, một người hàng xóm và là bạn lâu năm với ông Tuấn, khẳng định: "Chơi với ông Tuấn gần 20 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy ông Tuấn uống một ly bia, rượu nào, kể cả dịp tiệc, lễ…". 

Không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - khẳng định một người bình thường dù không uống rượu bia đều có nồng độ cồn trong máu ở mức dưới ngưỡng (tức được coi là không có), xuất phát từ việc khi con người ăn uống các loại thức ăn hoặc các loại rau củ quả. 

Còn theo ông Lê Trung Chính - khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Long Khánh (Đồng Nai) cho thấy các trị số nồng độ cồn trong máu của ông Tuấn nằm trong giới hạn bình thường. 

Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đơn vị bảo hiểm phải căn cứ vào hồ sơ, biên bản của Công an huyện Thống Nhất (Đồng Nai) để làm cơ sở giải quyết bảo hiểm. Trong khi hồ sơ công an ghi nhận yếu tố lỗi dẫn đến tai nạn và phát sinh yêu cầu bảo hiểm là do ông Tuấn buồn ngủ chứ hoàn toàn không có việc ông Tuấn có sử dụng rượu bia hay có nồng độ cồn.

 Bên cạnh đó, ông Tuấn có chứng cứ thử máu nhiều lần cho thấy trong máu có nồng độ cồn tự nhiên phù hợp cơ sở khoa học. Trường hợp này, đơn vị bảo hiểm cần kiểm tra lại để giải quyết theo hướng có lợi cho khách hàng, phù hợp với nguyên tắc luật dân sự chứ không thể dựa vào quy định khung cứng nhắc của đơn vị bảo hiểm cứ có nồng độ cồn thì từ chối bảo hiểm. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các lý lẽ trên, ông Nguyễn Thành Tâm - phó văn phòng đại diện giám định bồi thường của công ty - cho hay khi giải quyết hồ sơ bảo hiểm này ông phải căn cứ quy định vào khoản 4, điều 12 (những điểm loại trừ chung), quy tắc 370 của công ty. 

Đồng thời quy tắc này cũng là quy tắc chung hiện nay của rất nhiều đơn vị bảo hiểm. Vì vậy, khi nhân viên trực tiếp giải quyết vụ việc trình hồ sơ lên, thấy người lái (ông Tuấn) có nồng độ cồn trong máu thì giải quyết theo hướng từ chối. 

Về hướng giải quyết hồ sơ bảo hiểm của trường hợp này, ông Tâm cho hay sẽ báo cáo tổng công ty để đánh giá lại hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trường hợp này để có cách giải quyết hợp tình, hợp lý. 

"Tôi cũng nghe nói khi ăn trái cây, thức ăn thì trong máu sẽ sản sinh nồng độ cồn nhưng nồng độ là bao nhiêu, bình thường là như thế nào thì tôi không được rõ. Tôi giải quyết rất nhiều hồ sơ bảo hiểm liên quan đến lái xe có nồng độ cồn, gần như toàn bộ là có vi phạm. Đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên tôi gặp. Có thể từ vụ việc này, đơn vị bảo hiểm sẽ xem xét có hướng dẫn hoặc quy định chi tiết hơn về nồng độ cồn trong máu là bao nhiêu để từ chối bảo hiểm…" - ông Tâm nói. 

Xét nghiệm nhiều lần vẫn có nồng độ cồn

Do bức xúc và muốn tìm hiểu nồng độ cồn trong máu, tháng 11-2019 ông Tuấn có đến Bệnh viện Đa khoa Long Khánh (là nơi có kết quả xét nghiệm nồng độ trong máu mà phía công ty dựa vào đó để từ chối bảo hiểm) để kiểm tra lại thì kết quả là 0,5mg/dl.

Tiếp tục, cuối tháng 11-2019 ông Tuấn vào Bệnh viện Hoàn Mỹ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để xét nghiệm đến hai lần và kết quả cả hai đều có nồng độ cồn rất nhỏ so với trị số bình thường.

Bên cạnh đó, cuối tháng 12-2019, người quen của ông Tuấn (tên V.H.C., cũng không uống rượu bia) đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ở Đà Nẵng để đo nồng độ cồn trong máu thì cho ra chỉ số nồng độ cồn rất nhỏ. Các chứng cứ này đã được cung cấp cho phía đơn vị bảo hiểm.

Khởi tố nhân viên bảo hiểm xã hội làm 19 sổ giả, chiếm đoạt 2 tỉ Khởi tố nhân viên bảo hiểm xã hội làm 19 sổ giả, chiếm đoạt 2 tỉ

TTO - Công an tỉnh Quảng Ninh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với giám đốc cùng một nhân viên công tác tại Bảo hiểm xã hội huyện Cô Tô do thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng và gian lận bảo hiểm xã hội.

GIA THÀNH - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên