25/03/2022 13:30 GMT+7

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề 'Khát vọng cống hiến'

HÀ THANH - THÀNH CHUNG
HÀ THANH - THÀNH CHUNG

TTO - Chiều 25-3, anh Nguyễn Anh Tuấn - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước với chủ đề "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên".

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề Khát vọng cống hiến - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, bí thư thứ nhất trung ương Đoàn, đối thoại trực tuyến ngày 25-3-2022 - Ảnh: NAM TRẦN

Tham dự buổi đối thoại có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Về phía Trung ương Đoàn, ngoài anh Nguyễn Anh Tuấn, bí thư thứ nhất, còn có các bí thư Trung ương Đoàn.

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, anh Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn các bạn thanh niên đã hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình ngay từ khâu chuẩn bị chương trình. Anh cho hay, có rất nhiều đại biểu, các bạn thanh niên theo dõi từ điểm cầu Trung ương Đoàn, điểm cầu ở các tỉnh, thành đoàn, ở các điểm cầu ngoài nước, theo dõi trên các fanpage, các nền tảng công nghệ số.

Chương trình diễn ra với điểm cầu trung tâm tại trụ sở Trung ương Đoàn, cùng các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành đoàn và tại nước ngoài. Có 21 tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài tham gia kết nối trực tuyến với chương trình.

Phối hợp 3 ngành để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề Khát vọng cống hiến - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến - Ảnh: NAM TRẦN

Anh Nguyễn Thành Trung - bí thư Đoàn Trường THPT Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) - đặt câu hỏi: Trong thời gian tới Trung ương Đoàn có những giải pháp gì để hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong các nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình không gian sáng tạo trẻ trong nhà trường, để tạo ra nhiều sản phẩm mang tính trí tuệ, công nghệ cao của thanh niên, sinh viên.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho hay, những năm gần đây, Trung ương Đoàn cùng ngành giáo dục, lao động - thương binh và xã hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với rất nhiều chương trình, hoạt động. Trong năm 2021, các bên đã bàn chương trình phối hợp 5 năm.

Có 5 nhóm giải pháp đang được phối hợp thực hiện. Đầu tiên phải tuyên truyền vận động để các đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc học, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng vào công việc chung của khu vực, thế giới. "Ngay cả chúng tôi đang ngồi đây cũng nỗ lực cố gắng hằng ngày học tập, nâng cao hiểu biết của mình", anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn sẽ tạo thuận lợi hơn việc học tập của các thiếu niên, đoàn viên ở các vùng miền, như chương trình "Sóng và máy tính cho em", hay nhà bán trú dân nuôi, trang bị thư viện, không gian đọc, hỗ trợ học bổng, các chương trình về data, sách học liệu…

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề Khát vọng cống hiến - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Anh Tuấn trong buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Các cấp Đoàn đã có kiến nghị đổi mới nội dung phương pháp dạy và học trong nhà trường. Đây là điều quan trọng nhất trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục theo hướng phát huy năng lực người học.

Anh Tuấn nói thêm, trong ba năm vừa qua rất nhiều không gian sáng tạo được tổ chức trong trường học cho học sinh tiểu học, trang bị cho các em phương pháp kỹ năng sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Thứ 4, theo anh Tuấn, Trung ương Đoàn đã phối hợp với các ngành tổ chức giải thưởng, tôn vinh, sân chơi khoa học sáng tạo để tham gia, kết nối các ý tưởng sáng tạo, với các cơ quan hữu quan, tổ chức kinh tế biến ý tưởng thành sản phẩm áp dụng trong thực tiễn, cổ vũ nuôi dưỡng đam mê.

Tổ chức Đoàn tạo cơ chế đồng hành cùng các bạn đưa kết quả nghiên cứu, sáng tạo được tình bày, phô diễn thông qua quá trình chuyển đổi số, với ứng dụng Thanh niên Việt Nam, diễn đàn chuyển đổi số để tất cả ý tưởng từng cấp được đưa lên và có cơ chế kết nối để trưng bày, kết nối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đây cũng là cách hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học hội nhập với khu vực và thế giới.

Học theo tấm gương Bác Hồ, bảo tồn giá trị văn hóa Việt

Gửi câu hỏi qua video, ca sĩ Tùng Dương đề nghị các thủ lĩnh thanh niên cho biết về kế hoạch, chiến lược để dẫn đường chỉ lối cho hàng triệu thành niên Việt Nam trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam và tiếp thu giá trị văn hóa thế giới.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đánh giá đây là vấn đề khó, một mình Đoàn không làm được mà cần sự chung tay, phối hợp. Tuy nhiên, anh Tuấn cho rằng, điều đầu tiên và tốt nhất có thể làm là học theo Bác Hồ: học theo Bác về tư tưởng, phong cách, từ đó mỗi người sẽ trở thành người có văn hóa, kể cả văn hóa dân tộc lẫn văn hóa thế giới.

Trung ương Đoàn tiếp tục thực hiện vận động học tập, làm theo theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, và đây là việc làm phải kiên trì. Ngoài xây dựng văn hóa trong Đoàn và văn hóa của người cán bộ Đoàn, anh Tuấn nói, Trung ương Đoàn sẽ củng cố bộ máy hoạt động của Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ trẻ, tổ chức liên hoan văn nghệ sĩ trẻ toàn quốc trong thời gian tới.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng "đặt hàng" sản phẩm khởi nghiệp văn hóa và các sản phẩm văn hóa chất lượng, nhằm tác động, thay đổi nhận thức của người dân và thanh thiếu nhi về văn hóa.

Thời gian tới, Đoàn sẽ xây dựng talk show trên VTV về xây dựng văn hoá truyền thống và sẽ có cuộc thi khởi nghiệp liên quan đến phát triển công nghiệp văn hoá về phim ảnh, thời trang, kênh Youtube...; phối hợp các doanh nghiệp truyền thông, các tấm gương khởi nghiệp văn hoá... kết nối thành cộng đồng, tạo ra sản phẩm cung cấp cho giới trẻ, định hình về lối sống văn hoá, giúp quảng bá ra thế giới.

Tạo môi trường sáng tạo, hình thành văn hóa đọc trong giới trẻ

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề Khát vọng cống hiến - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn An, đồng sáng lập và chủ tịch Công ty cổ phần Sách và hành động - Ảnh: NAM TRẦN

Từ hội trường, anh Nguyễn Văn An, đồng sáng lập và chủ tịch Công ty cổ phần Sách và hành động, chia sẻ trăn trở về dự án thư viện sách vì cộng đồng, gửi đến câu hỏi về những việc của Đoàn sẽ triển khai để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức, nhất là đổi mới sáng tạo trong học tập, khởi nghiệp.

Giải đáp thắc mắc này, anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục hình thành văn hóa đọc trong giới trẻ, cho dù đọc ở nền tảng số hay sách giấy. Thứ hai, cần có cơ chế, phương thức để kết nối mong muốn sáng tạo đó với nhau, với các tổ chức có liên quan. Anh nhấn mạnh, thanh niên cần có các tổ chức đứng ra, đặt vấn đề, đặt hàng. Cần tạo môi trường, tạo phong trào cho các bạn trình diễn, thi tài với nhau để sàng lọc ý tưởng sáng tạo tốt nhất. 

Thứ ba, người ta sẽ vui nhất khi những sáng kiến, ý tưởng được trân trọng, tiếp nhận, phát triển thêm, nhìn thấy thành quả.

Anh chia sẻ, Trung ương Đoàn đặt chỉ tiêu 5 triệu ý tưởng sáng tạo đăng tải trên cổng thông tin, mục tiêu hằng năm là 10% ý tưởng sáng tạo đó được kết nối. Tuy nhiên, với chỉ tiêu thứ nhất dự kiến cuối nhiệm kỳ đạt được, nhưng mục tiêu thứ hai chỉ đạt được ước lượng 70-80%, là hạn chế và Đoàn sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới.

Hiện đang sửa đổi nghị định 39 liên quan đến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung ương Đoàn cũng đang "nợ" chưa ra mắt quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhưng điểm mừng là các tỉnh, thành đã làm việc này rất tốt, các cuộc thi, cơ chế gọi vốn cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đã tổ chức tốt.

Do đó, cần có những thiết chế để đồng bộ về mặt tài chính, mặt bằng, không gian sáng tạo trí tuệ cho các bạn để tiếp sức cho các bạn khởi nghiệp, nhất là đang trong giai đoạn "lồng ấp". Hiện tại Đoàn cũng đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển thanh niên 2021 - 2030, trình Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 20230, trong đó có nội dung hỗ trợ thanh niên đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ về những khát vọng cá nhân ở độ tuổi 18 và hiện tại khi làm thủ lĩnh thanh niên, anh Nguyễn Anh Tuấn tiết lộ, khi học lớp 12 chuyên lý, ước mơ lớn nhất của anh là học ngành vật lý địa cầu và mê thiên văn học, khoa học vũ trụ. Anh chia sẻ, cuốn sách đọc nhiều đến bây giờ vẫn là Hố đen và vũ trụ. Về định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, gia đình muốn anh học ngành sư phạm vật lý, anh lại thích ngành vật lý địa cầu nhưng điều kiện nghiên cứu khi đó ở Việt Nam chưa đầy đủ.

"Khi phải chọn, tôi quyết định học ngành tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân. Tôi cũng có một thời gian làm thầy giáo ở ĐH Kinh tế quốc dân, sau đó mới về công tác ở Trung ương Đoàn", anh Tuấn kể lại. Còn khát vọng hiện nay của anh cũng là hòa chung vào khát vọng của thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay và mong được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để đóng góp cho đất nước.

Nâng cao năng lực số cho thanh niên nông thôn

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề Khát vọng cống hiến - Ảnh 6.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy chia sẻ trong buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Trăn trở về câu chuyện khởi nghiệp, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 Hồ Xuân Vinh hỏi thời gian tới Đoàn có chính sách, chương trình nào hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ trong khởi nghiệp, lập nghiệp tạo giá trị cao, tăng giá trị nông sản.

Tại hội trường, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn chia sẻ về tấm gương khởi nghiệp của anh Vinh khi lựa chọn rời bỏ thủ đô quay về Nghệ An khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm từ những phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp. Anh chia sẻ, đây là hướng đi đúng trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.

Với câu chuyện thực hiện chuyển đổi số thành công, không chỉ trong nông nghiệp mà trong các lĩnh vực, anh nhấn mạnh đến 3 yếu tố. Trước hết, cần số hóa toàn bộ dữ liệu, thông tin liên quan đến câu chuyện đó, kết nối các dữ liệu với nhau thành dữ liệu lớn (Big Data). Thứ hai, mỗi người phải có năng lực số. Thứ ba, cần có thể chế và cơ chế pháp lý cho chuyển đổi số.

Với câu chuyện thứ nhất, anh Tuấn cho rằng cộng đồng phải làm, Đoàn phải làm dựa trên chính sách chung của Nhà nước. Hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến số hóa toàn bộ dữ liệu quốc gia để hình thành Hệ tri thức Việt số hóa đang được tiến hành khẩn trương. Trung ương Đoàn cũng đang số hóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến 6,3 triệu đoàn viên, 100.000 tài năng trẻ được tuyên dương.

Anh cho rằng, thể chế thì Nhà nước sẽ làm, Đoàn, thanh niên cần kiến nghị. Nhưng quan trọng nhất là năng lực số. Hiện nay, Đoàn đã thực hiện xong các bước xin ý kiến các bộ, ngành, trong đầu tháng 4 sẽ trình với Thủ tướng đề án nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030.

"Nếu không có năng lực số thì không có năng lực sáng tạo, không có năng lực số sẽ không tham gia được vào quá trình chuyển đổi số, không vận hành chuyển đổi số được" - anh cho hay.

Hợp tác với Bộ Y tế tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ cho bác sĩ trẻ vùng xa

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề Khát vọng cống hiến - Ảnh 7.

Bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp (Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) trong buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Là bác sĩ trưởng thành từ dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" (đề án 585), bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp (Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) gửi đến câu hỏi chia sẻ về những khó khăn khi công tác tại vùng núi, Đoàn có đề xuất chính sách gì đối với đội ngũ đặc thù này.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ cảm phục, tri ân sâu sắc với những cống hiến hy sinh của y bác sĩ xông pha vào mặt trận chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua. Chia sẻ về đề án 585, anh Tuấn cho biết đề án đã được Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai trong thời gian qua, các cơ chế chính sách, hỗ trợ thu nhập về mặt điều kiện công tác đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Anh cho rằng có những điểm cần phải thay đổi để phù hợp chung. Đoàn đã bàn bạc với Bộ Y tế, sắp tới sẽ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2022 - 2026, trong đó có nội dung mà bác sĩ Hợp đề cập đến.

Hai ngành (y tế - Đoàn) sẽ có kiến nghị, chủ đạo là Bộ Y tế, sẽ có cơ chế hỗ trợ cho các y bác sĩ, đặc biệt y bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa tuyến cơ sở được thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ với phương thức đào tạo từ xa, trực tuyến, không cần đi Hà Nội hay đi nước ngoài mới làm được.

Trung ương Đoàn cam kết với y bác sĩ, sẽ làm tốt câu chuyện phát hiện, biểu dương, tuyên dương tấm gương, động viên các y bác sĩ trẻ khó khăn. Đoàn, Hội, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức thường xuyên, có kênh để chăm lo, động viên cho y bác sĩ trẻ ở vùng sâu, vùng xa.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đối thoại trực tuyến với chủ đề Khát vọng cống hiến - Ảnh 8.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm - Ảnh: NAM TRẦN

Nói về ý kiến cho rằng Đoàn cần nhanh chóng cung cấp thông tin chính thống về vấn đề Biển Đông, tránh để thanh niên tiếp cận với những thông tin không chính thống, sai sự thật, thậm chí bị lôi kéo, kích động, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh nằm trong danh mục tuyệt mật, tối mật, mật, còn các thông tin cung cấp được, các cơ quan báo chí sẽ đăng tải và Trung ương Đoàn đăng lại để lan tỏa.

"Chỉ cần nhìn cắt ghép, cách bình luận, đưa đẩy thông tin biết ngay thông tin nào không chính thống, chưa cần nói đến nội dung", anh Tuấn nói và đề nghị các bạn thanh niên không chia sẻ, không cần bình luận, vì bình luận nhiều thì theo thuật toán của Facebook, thông tin đó càng nổi, càng nhiều người biết. Đồng thời, đề nghị thanh niên khi gặp thông tin như vậy thì gửi về cho Trung ương Đoàn qua app Thanh niên Việt Nam, luôn giữ bầu nhiệt huyết, trái tim nóng và cái đầu lạnh để phản ứng với thông tin sai lệch.

Đừng ngồi chờ Đoàn cung cấp thông tin. Thanh niên có kiến thức, kỹ năng thì cố gắng tiếp cận các thông tin chính thống rồi lan tỏa thông tin đó tới những người khác.

Anh NGUYỄN ANH TUẤN

Thanh niên luôn có thể cống hiến cho Tổ quốc, dù ở bất kỳ nơi đâu

Bạn Nguyễn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, đặt câu hỏi về cách Đoàn cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa, để ngày càng có nhiều thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc.

Anh Nguyễn Anh Tuấn nhắc lại cách đây 12 năm trong chương trình đối thoại của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đó với các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Trường đại học Quốc gia Hà Nội đã có câu hỏi tương tự. Khi đó, Chủ tịch nước đã nói một câu mà sau này trong nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài có tiếp tục khẳng định lại việc này. 

Anh Tuấn nói, với những người trẻ, trong hoàn cảnh biên giới mềm, không gian số, dù ở đâu vẫn có thể tham gia đóng góp cho đất nước chứ không nhất thiết phải về nước. Tuy nhiên, nếu về nước thì sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp và nhiều hơn, tính lan tỏa có thể cao hơn.

Với Trung ương Đoàn, theo anh Tuấn, trong thời gian vừa qua, việc thành lập các hội thanh niên, sinh viên ngoài nước được tiếp tục đẩy mạnh, và đến nay có 4 Ban cán sự Đoàn ngoài nước, 21 tổ chức Hội liên hiệp thanh niên, sinh viên ngoài nước, thành lập Mạng lưới tri thức trẻ thanh niên toàn cầu kết nối hơn 10.000 trí thức trẻ, sinh viên, nghiên cứu sinh… ngoài nước. Đây là cơ chế quan trọng để kịp thời nắm bắt, chia sẻ thông tin tình hình trong nước với các bạn công tác, học tập ở nước ngoài và kết nối ý tưởng, mong muốn, đề xuất với các công việc chung của đất nước.

Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức offline 1 năm 1 lần vào tháng 11 hằng năm, nhưng trước diễn đàn này có khoảng 40 diễn đàn nhỏ liên quan từng chủ đề để các bạn đề cập các nội dung quan tâm. Qua 4 kỳ tổ chức, Diễn đàn tri thức Việt Nam toàn cầu đã kết nối, chuyển giao được gần 28 đề án, đề tài, ý tưởng cho các cơ quan hữu quan trong nước, kể cả các bộ ngành, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

Anh Tuấn nhấn mạnh, quan điểm chung của Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích các bạn đóng góp cho quốc gia dù là ở trong và ngoài nước. Đoàn thanh niên xây dựng những cơ chế, những sân chơi cho các bạn trẻ để có thể tìm hiểu thông tin, tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc.

Bạn Hồng Trường Trinh, Đoàn cơ sở xã Ninh Hòa, tỉnh Bạc Liêu đặt câu hỏi thế hệ Z lớn lên trong sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, đề cao cái tôi và sự tự do cá nhân, đôi lúc sao lãng trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và trọng trách đối với Tổ quốc. Vậy Đoàn có đổi mới nào trong phương thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao lý tưởng cách mạng cho thế hệ Gen Z để họ cống hiến tài năng, làm giàu cho bản thân và cho Tổ quốc.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần định hướng để cái tôi được phát huy, khẳng định đúng lúc, đúng nơi mang lại giá trị cho cá nhân, gia đình, cho công việc chung của cộng đồng, xã hội, đất nước. Anh nói: "Chúng ta hay phê bình các bạn Gen Z khẳng định cái tôi rồi quên đi giá trị với cộng đồng, nhưng tôi không thấy thế. Thời gian phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy mong muốn khẳng định cái tôi của các bạn ấy trong dòng chảy của cộng đồng, đất nước. Khi Tổ quốc, đất nước cần, các bạn cũng biết đặt cái tôi vào dòng chảy chung".

Anh lưu ý không nên giáo dục các bạn trẻ theo phương pháp dạy dỗ, một chiều, đẩy thông tin từ trên xuống, lôi các bạn đến hội trường đóng cửa nói từ sáng đến chiều sẽ không hiệu quả, thậm chí còn phản cảm. Quá trình tương tác, truyền tải thông tin đến các bạn phải hai chiều, cố gắng thiết kế công việc, giáo dục của Đoàn theo hướng các bạn chủ thể từ lúc hình thành ý tưởng, thiết kế tới tổ chức, chứ không phải các cán bộ tổ chức thay, còn các bạn chỉ đến nghe.

Nội dung buổi đối thoại trực tuyến xoay quanh vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên nhằm nêu cao khát vọng cống hiến của thanh niên để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chủ trương đã được xác lập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Hiến kế để tổ chức Đoàn trong tham gia khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ và phát huy đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước.

* Bản tin cập nhật lần cuối lúc 16h40 ngày 25-3.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhiều thanh niên âm thầm, lặng lẽ làm việc hỗ trợ cộng đồng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhiều thanh niên âm thầm, lặng lẽ làm việc hỗ trợ cộng đồng

TTO - Suốt 2 năm qua, lực lượng thanh niên đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung tay vào mặt trận chống dịch, nhiều người âm thầm, lặng lẽ làm những việc hỗ trợ cộng đồng.

HÀ THANH - THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên