* Ông Nguyễn Văn Be và bà Đoàn Thị Riếp (xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) phản ảnh trong quá trình cưỡng chế thi hành án đối với ông bà, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đã tịch thu máy quay phim, không giao biên bản cưỡng chế...
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Dầu cho biết trong buổi cưỡng chế ngày 14-9-2012 tại nhà ông Be và bà Riếp, một người trong dòng họ của ông bà đã có hành vi chống đối và dùng máy quay phim ghi lại hình ảnh nên cơ quan chức năng đã tạm giữ máy quay phim này. Tuy nhiên sau khi cưỡng chế xong, cơ quan chức năng đã trả lại máy quay phim cho đương sự. Về biên bản cưỡng chế, do gia đình ông Be không nhận nên cơ quan thi hành án đã niêm yết biên bản tại nhà đương sự và tại trụ sở UBND xã Bàu Đồn.
* Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Long và bà Nguyễn Thị Thu Hồng (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM), Chi cục Thi hành án dân sự Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tài sản cũng như thu giữ giấy tờ chủ quyền nhà do bên thứ ba nắm giữ là các biện pháp nhằm đảm bảo thi hành bản án ngày 31-5-2012 của TAND TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật mà ông Long và bà Hồng là người phải thi hành án.
*Cùng liên quan đến công tác thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đề nghị ông Đỗ Văn Sóng (thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) tiếp tục cung cấp thông tin về tài sản của người thi hành án; nếu tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải thông qua cơ quan chuyên môn là phòng tài nguyên - môi trường cấp huyện.
* Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết vẫn đang trong quá trình xác minh tài sản của người bị thi hành án để giải quyết yêu cầu thu hồi tài sản của ông Lê Minh Đức (P.8, Q.6, TP.HCM).
* Chúng tôi là một số hộ dân ở P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Vừa qua phường thu tiền làm đường, nhiều hộ dân phải đóng cả triệu đồng nhưng không được cán bộ đi thu tiền làm biên nhận hay ra biên lai thu tiền dù người dân có yêu cầu. Bà con cho rằng phường thu tiền mà không cấp giấy biên nhận, nếu sau này phường thu nữa thì dân lấy gì để chứng minh mình đã nộp tiền?
Ông Võ Khắc Huy (phó chủ tịch P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) trả lời:
- Trên địa bàn P.Tân Hưng cần làm hơn 3.000m đường (đạt tiêu chí nông thôn mới) với khoản đầu tư 3 tỉ đồng, trong đó Nhà nước cấp 40%, còn lại 60% huy động từ dân. Hiện nay, sau khi làm xong được hơn 1.000m đường, các khu vực bắt đầu thu tiền đóng góp của từng hộ để thanh toán cho bên thi công.
Do đây là khoản đóng góp gần như tự nguyện (không phải như thu các loại thuế, phí) nên không thể ra phiếu thu hay biên nhận, cũng không thể có mẫu phiếu thu nào để cấp cho hộ đã đóng góp. Khi thu tiền của các hộ dân, cán bộ các khu vực đều ghi họ tên và khoản tiền nộp cụ thể vào hai cuốn sổ (một sổ do khu vực giữ, một sổ giao về phường để kiểm tra, theo dõi và lưu giữ) nên bà con yên tâm không thể xảy ra tình trạng nhầm lẫn, đòi thu thêm đối với hộ dân đã đóng góp.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của người dân, UBND phường sẽ nghiên cứu cấp một loại giấy khác, chẳng hạn như giấy chứng nhận hay giấy cảm tạ về việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận