Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc với Trường ĐH Sài Gòn sáng 5-12 - Ảnh: TRẦN HUỲNH |
Tham gia đoàn làm việc còn có bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đại diện các các cơ quan của thành ủy và lãnh đạo các sở ban ngành của TP.HCM.
6 kiến nghị của ĐH Sài Gòn
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Phạm Hoàng Quân, hiệu trưởng nhà trường cho biết Trường ĐH Sài Gòn được thành lập năm 2007 trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM.
Đến nay trường là cơ sở giáo dục ĐH công lập, đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực (từ cao đẳng đến sau đại học) theo hai phương thức: chính quy và không chính quy với mục tiêu đào tạo nguồn giáo viên các cấp từ mầm non đến THPT và nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP và xã hội.
Hiện trường đào tạo 33 ngành đại học với 11.330 sinh viên, 20 ngành cao đẳng với 1.167 sinh viên và đào tạo sau đại học 11 ngành với 848 học viên. Tổng số viên chức của trường hiện nay là 766 người, trong đó 467 giảng viên (15 PGS, 123 tiến sĩ, 306 thạc sĩ…)
Hiện nay, nhà trường đang quản lý năm cơ sở trên các quận của TP.HCM nhưng vẫn còn một số khó khăn. PGS.TS Phạm Hoàng Quân đã nêu ra sáu kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM:
1. Cho xây lại hội trường A để phục vụ hoạt động giảng dạy và học của nhà trường.
2. Cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của nhà trường (hơn 100 tỉ đồng) để đầu tư phòng thí nghiệm, thực hành
3. Tăng định mức đầu tư/1 sinh viên/năm tạo điều kiện cho nhà trường rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các trường ĐH trong khu vực, đặc biệt về cơ sở vật chất. Định mức của TP là 13.395.000 đồng/sinh viên (trừ khoản học phí đóng góp).
4. Cần có cơ chế cho giảng viên đại học được tiếp cận với đại học của các nước phát triển, những năm gần đây được sự quan tâm của TP, hàng năm Trường ĐH Sài Gòn có 2-4 giảng viên đi tham quan học tập về giáo dục đào tạo, số lượng như thế là quá ít, cần có cơ chế tự chủ về lĩnh vực này.
5. Tuần qua, Trường ĐH Sài Gòn đã được Ban quản lý khu Nam mời họp và thống nhất việc phân 20 ha đất tại khu chức năng 12, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Nhà trường mong lãnh đạo TP chỉ đạo kịp thời để dự án sớm được triển khai thực hiện.
6. Dời trạm chờ xe buýt trước cổng trường (273 An Dương Vương, Q.5) để đảm bảo an toàn giao thông.
Hiệu trưởng ĐH 8 năm không đi nước ngoài sao hội nhập?
Sau khi nghe lãnh đạo Trường ĐH Sài Gòn báo cáo, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá cao những thành tích trường được trong thời gian qua.
Đồng thời, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị để chuẩn bị cho sự kiện kỉ niệm 10 năm thành lập trường vào năm tới, nhà trường cần có tổng kết đánh giá hết sức khách quan về kết quả sau 10 năm, so sánh với các mục tiêu trong đề án thành lập trường để thấy được việc đã làm được và chưa làm được. Từ đó xây dựng định hướng chiến lược trong 10 năm tới.
Trên cơ sở đó, bí thư thành ủy đề nghị nhà trường triển khai cụ thể việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Xây dựng chiến lược phát triển trường đến năm 2025, trong đó lưu ý việc có lộ trình thực hiện tự chủ và tiến tới xã hội hóa nhà trường.
Ông Đinh La Thăng cho rằng muốn làm được điều đó phải thay đổi tư duy. “Một số trường thấy cơ sở vật chất nhà trường còn thấp kém so với trường khác nên nghe nói đến tự chủ là sợ. Cần phải có khát vọng tự chủ vươn lên. Hiệu trưởng nhà trường tám năm không đi nước ngoài làm sao hội nhập được” - Bí thư Thăng nói.
Theo ông Thăng, nhà trường muốn hội nhập phải đẩy mạnh tự chủ và có lộ trình thực hiện việc này, trước tiên có thể tự chủ tài chính, cán bộ, đầu tư và các giải pháp để thực hiện, trong đó cần nêu rõ thành phố lo cho trường những gì và trường tự lo được gì.
“Nhà trường phải tự chủ để chất lượng giảng dạy, học tập nâng lên, tạo ra sản phẩm tốt hơn. Làm thế nào để cán bộ giảng viên, sinh viên hình dung được Trường ĐH Sài Gòn sau 10 năm nữa sẽ như thế nào chứ không thể chắp vá mãi thế này được” - ông Thăng nói.
Đồng thời, Bí thư thành ủy cũng đề nghị cần tăng cường gắn kết giữa nhà trường với thành phố. Phải gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, với nhu cầu của các doanh nghiệp.
“Đặc biệt nhà trường phải gắn với bảy chương trình đột phá của TP.HCM, khả năng trường tham gia được chương trình nào, chương trình đô thị thông minh, giảm ô nhiễm môi trường... Trường phải chủ động liên hệ với các sở ban ngành chứ không chờ đợi đặt hàng” - Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận