Phóng to |
Th.S Oanh Yến chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ tại trại thực nghiệm Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam |
Ít ai hiểu rằng để có được những của ngon vật lạ đó, nhà khoa học và người nông dân đã phải nhiều đêm thức trắng...
“Bà đỡ” của thanh long ruột đỏ
Năm 1995, thạc sĩ Trần Thị Oanh Yến (phó phòng chọn tạo giống - Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) nhận được của một người bạn Pháp hơn chục cành thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Colombia. Cô đem về trồng khảo nghiệm.
Hai năm sau, thanh long ra hoa, kết trái. Cô thấy giống này ra hoa rất mạnh nhưng trái không đẹp, lại nhỏ. Không sao, cái chính là nó có ruột đỏ. Sau đó, cô cùng các đồng sự (gồm Th.S Phạm Ngọc Liễu và Trần Kim Cương) chọn giống thanh long Bình Thuận để chuẩn bị cho tiến trình “mai mối”. Một kế hoạch lai tạo giữa thanh long ruột đỏ Colombia và thanh long ruột trắng VN bắt đầu được thực hiện...
Năm 1998 bắt đầu lai tạo, Th.S Oanh Yến chọn ra hai giống thanh long ruột đỏ và ruột trắng làm bố mẹ. Thanh long ruột trắng thường 10g-12g đêm mới thụ phấn, còn ruột đỏ thì mãi tới 3g-4g sáng, vì vậy ròng rã nhiều đêm cô phải thức với chúng. Khi đến thời điểm tung phấn, cô cho thụ phấn giữa hai giống trắng và đỏ.
Khi trái chín hoàn toàn, Th.S Oanh Yến bổ ra. Ồ, thanh long ruột đỏ, màu thịt đỏ tím hồng trông rất đẹp. Cô lại trích lấy hạt, những hạt giống thanh long ruột đỏ đầu tiên.
Hạt thanh long nhỏ như hạt mè, cô gieo trong nhà lưới, nâng niu cả năm trời trong đó như nuôi trẻ sơ sinh trong lồng kính. Rồi niềm vui đến với cô: những “chú” thanh long ra hai lá mầm đầu tiên rồi từ từ vươn lên...
Phóng to |
Ông Hai Hoa đang chọn “nhánh nhện” và “tắm” cây bưởi da xanh trong vườn nhà |
Năm 2005, sau khi phân tích độ chắc thịt, độ brix, năng suất cao, hình dạng bên ngoài đẹp, chất lượng tốt, hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mới tuyển chọn và phóng thích, đưa ra sản xuất đại trà, đặt tên là “thanh long ruột đỏ (H14) Long Định 1”.
Đầu năm 2006, người tiêu dùng đã bắt đầu thấy thanh long ruột đỏ xuất hiện tại các chợ trái cây Bến Thành (TP.HCM), Bình Thuận. Th.S Oanh Yến cho biết trong tương lai không xa, chúng sẽ vươn ra thị trường thế giới.
Bưởi da xanh ruột hồng của ông Hai Hoa
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu,viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết mỗi lần có khách quí, ông thường đặt mua tận vườn nhà ông Lê Văn Hoa (Hai Hoa) ở tận bên Chợ Lách (Bến Tre) mới có được giống bưởi tuyệt ngon này để làm quà.
Phóng to |
Thông thường, những nông dân khác thì hay trồng xen cây này nọ trong vườn theo kiểu lấy ngắn nuôi dài hoặc xen canh, thậm chí nuôi dê, bò trong vườn để tận dụng từng mét vuông đất.
Ông Hai Hoa thì không. Từ năm công vườn sầu riêng, khi chuyển qua trồng bưởi da xanh ông “chuyển cái một”, chấp nhận mất thu nhập 3-4 năm để đảm bảo tính rặt của bưởi da xanh.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1996, trong một lần đi chơi Mỏ Cày (BếnTre) ông ghé thăm vườn của một nông dân trồng bưởi da xanh. Xẻ một trái ăn thử, thấy sắc bưởi đỏ hồng rất đẹp, vị ngọt và đặc biệt là không hạt, ông mua về năm cây giống trồng thử.
Hai năm sau, trong những lần đi tham quan các vườn cây có múi ở ĐBSCL, nghe các nhà khoa học nói triển vọng của trái bưởi da xanh trên thị trường thế giới, ông quyết định tập trung tất cả cho cây này.
Ông có những bí quyết khác người như chuyện... tắm rửa cho cây. Trong khi sách vở dạy là phải quét vôi thân cây để phòng trừ nấm bệnh thì ông lại... tắm sạch chúng. Mỗi ngày ông xách nước, dùng bàn chải rửa thật sạch thân cây từ gốc đến ngọn. Ông lý luận: “Thân cây giống như con người ta vậy. Lấy vôi quét lên da làm sao nó thở được. Còn ở dơ thì tất nhiên sinh ghẻ chốc, nấm bệnh thôi”.
Khi đã có giống thật tốt, thật ngon, ông nhân ra cung cấp bà con quanh vùng. Rồi ông tới tận từng vườn hướng dẫn cách trồng, chăm bón, xử lý ra hoa. Ông có cả “tuyệt chiêu” cho ra hoa theo ý muốn, tức là bất cứ ngày nào, tháng nào. Vì vậy, bưởi của ông có quanh năm suốt tháng, cả mùa thuận lẫn mùa nghịch.
Tháng 1-2006 vừa qua, tại Hội thi cây bưởi giống tốt do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tổ chức hằng năm, bưởi da xanh của ông đoạt giải nhất.
Ông Tư cây giống
Dân Chợ Lách (Bến Tre) thường gọi ông Nguyễn Công Thành (Tư Thành) như vậy. Từ những năm 1990, ông là một trong những người đầu tiên đem giống sầu riêng Thái Lan về nhân giống tại vườn nhà. Lúc đó do có người con làm thủy thủ tàu đánh cá, ông gửi gắm “con có dịp đi Thái Lan nhớ đem về cho ba giống sầu riêng của họ”. Năm sau, người con bỏ dưới lườn tàu đem về cho ông 10 cây. Chúng nhiễm mặn nước biển chết hết phân nửa.
Với năm cây đầu dòng, ông dùng “bo” (nhánh cây) của nó ghép với gốc sầu riêng địa phương. Cứ vậy mà năm năm sau, ông nhân ra hàng trăm ngàn cây cung cấp cho nông dân trong vùng. Những năm 1998, người tiêu dùng bắt đầu biết tới hương vị sầu riêng hạt lép cơm vàng cho tới nay.
Năm 2001, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM giao ông 600 cây ca cao đầu dòng về ươm làm mắt ghép. Thời điểm này các nhà nhân giống ca cao ở Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đều gặp thất bại. Lý do, cây chết nhiều khi trời mưa. Khi thấy ông nhận làm, không ít người khuyên “chớ dại mà lao vô chỗ chết”. Nhưng với bản lĩnh của người làm giống, ông nói: “Người ta thất mà mình được mới hay”. Vậy là ông quyết tâm làm.
Năm 2004, tỉnh Bến Tre bắt đầu thực hiện dự án trồng cây ca cao, ông là một trong những nông dân được mời tham gia sớm nhất và giao hàng đúng phẩm chất, số lượng (300.000 cây) đầy đủ nhất. Mới đây ông lại ký được một hợp đồng cung cấp 400.000 cây.
Vô vườn nhà ông, không chỉ có ca cao, sầu riêng, ông còn làm cả cây ổi... không hột. Ông nói: “Làm cây giống riết rồi mê, thấy cây nào lạ là nhân liền. Làm chơi cho vui, tới mức có bữa ở luôn ngoài vườn. Ăn... ổi trừ cơm”. Rồi ông hái vài trái xẻ ra mời khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận