Các y bác sĩ cầu cứu vì hơn 8 tháng bị nợ lương - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thanh Bình - tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh - bức xúc cho biết, trưa 12-1 sau khi nhân viên y tế căng băng rôn đòi quyền lợi, lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức một cuộc họp nhưng không giải quyết được vấn đề.
"Lãnh đạo yêu cầu họp nhưng mang tính chất động viên, còn lương và chế độ vẫn bảo chờ, không có lịch cụ thể khi nào trả. Chúng tôi không còn cách nào phải "xuống đường" để nhờ đến sự lên tiếng của cộng đồng", bà Bình nói.
Cụ thể từ tháng 5 đến tháng 11-2021, cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ được nhận 50% lương. Đến tháng 12 không đồng lương nào và tháng 1 dự báo không có lương vì không có nguồn thu vào để chi được lương.
"Tình trạng này chưa bao giờ xảy ra tại đơn vị cho đến năm 2019 khi có quyết định tự chủ, cán bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị cắt hết thưởng chỉ còn lương, năm 2021 vừa rồi, lương cũng không được đảm bảo nữa.
Nhưng chỉ 160 cán bộ công nhân viên (nhân viên không giữ chức vụ quyền hành, đang làm việc tại khối bệnh viện) thôi chứ không có lãnh đạo bị như vậy, các khối khác thuộc học viện vẫn được đảm bảo lương thưởng, các khoản phúc lợi đầy đủ.
"1 cơ quan nhưng 2 chế độ", chúng tôi cùng ký hợp đồng như các bạn với giám đốc học viện, chỉ khác vị trí việc làm mà chúng tôi bị đối xử như thế suốt 3 năm qua", bà Bình bức xúc nói.
Cũng như nhiều cán bộ y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, điều dưỡng Kim Thoa cũng "khổ sở" với thu nhập mà hiện tại không được chi trả.
Hàng chục y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh cầm băng rôn "cầu cứu" trước cổng viện chiều 12-1 - Ảnh: NAM TRẦN
"Sống ở thủ đô mà mỗi tháng nhận 2.700.000 đồng và hai tháng nay không nhận được đồng nào thì sống sao được. Tôi phải dựa vào thu nhập của chồng, gia đình hai bên để nuôi hai con nhỏ. Nhiều cán bộ y bác sĩ phải đi bán rau, làm shiper… có gì bán đấy để trang trải cuộc sống", chị Thoa bức xúc nói.
Cũng theo chị Thoa, bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng không đưa ra được phương hướng giải quyết.
"Tôi làm tại bệnh viện từ 2005, đã cống hiến gần 20 năm, rất muốn gắn bó. Tôi chỉ mong muốn là rõ ràng việc tự chủ của bệnh viện.
Bệnh viện không phải là bệnh viện làm kinh tế. Hiện học viện có 3 đơn vị là Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện nghiên cứu và trung tâm xã hội theo yêu cầu nhưng chỉ có Bệnh viện Tuệ Tĩnh là tự chủ.
Trong đó chỉ có dược sĩ, điều dưỡng và một số bác sĩ là thuộc bệnh viện. Các trưởng phó khoa lại kiêm nhiệm bên học viện, lương thưởng vẫn đầy đủ. Còn các nhân viên y tế, các bộ phận khác thuộc bệnh viện thì không có lương.
Khi tôi thi viên chức, ký hợp đồng là ký hợp đồng với học viện, bởi vậy tôi muốn học viện làm rõ việc này. Khi bệnh viện tự chủ, tôi cũng không biết, chỉ khi có quyết định mới thông báo đến nhân viên y tế", chị Thoa nói.
Theo bà Bình, tình trạng trong bệnh viện được coi là chưa có tiền lệ khi các y bác sĩ phải làm đủ nghề để trang trải cuộc sống.
"Tranh thủ 11h30 được nghỉ trưa đến 12h30 chúng tôi làm đủ thứ việc. Bán hàng online, bán khẩu trang… đủ cả. Việc cấp thiết nhất bây giờ là yêu cầu trả lương từ tháng 5 của chúng tôi, đây là mồ hôi công sức của cán bộ y bác sĩ. Để chúng tôi còn trang trải, Tết đến gần lắm rồi", bà Bình chia sẻ.
Hàng chục y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh "cầu cứu" trong viện chiều 12-1 - Ảnh: NAM TRẦN
Dược sĩ Nguyễn Thị Tuyết, khoa dược, làm việc tại bệnh viện từ 2009, đến nay đã hơn 10 năm. Từ tháng 5-2021, chị nhận được 50% lương, hai tháng gần đây không nhận được lương.
"Hiện mức lương của tôi là 5.400.000 đồng. Tháng 5, tôi nhận được thông báo từ trưởng khoa phòng sẽ nhận được 50% lương do thu nhập của bệnh viện không có.
Trong đợt dịch vừa qua, chúng tôi vừa làm việc ở viện, vừa hỗ trợ vận chuyển vắc xin. Sáng đến Viện dịch tễ, Bệnh viện Việt - Đức để lấy vắc xin về. Hôm nào tổ chức tiêm thì mang vắc xin xuống điểm tiêm, khi kết thúc lại mang về kho lưu trữ. Nhiều ngày công việc đến 18h - 19h mới xong. Những việc này cũng không có trợ cấp, không có ngoài giờ. Chúng tôi vẫn đảm bảo công việc", chị Tuyết chia sẻ.
Gia đình chị Tuyết có hai con nhỏ, với mức thu nhập như vậy đã rất khó khăn. Chị phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình, ông bà ở quê gửi thực phẩm lên. Chi tiêu cũng chắt bóp lại.
Tình trạng đã kéo dài 8 tháng, nhưng đến thời điểm này các y bác sĩ phải "xuống đường" nhờ đến sự trợ giúp của cộng đồng.
"Thật sự chúng tôi không còn cách nào khác. Xin nghỉ phép ban giám đốc cũng không cho, xin nghỉ không lương cũng không đồng ý. Với 50% lương là 2.700.000 đồng/tháng và đến giờ là không nhận được lương nữa chúng tôi đã kiệt sức rồi. Tết đến nơi rồi, chúng tôi phải làm vậy thôi", chị Tuyết nói.
Phóng viên đã cố gắng liên lạc với ban giám đốc bệnh viện nhưng chưa nhận được hồi âm.
Bộ Y tế chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc nợ lương tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh
Chiều 12-1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20-1-2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận