Thường xuyên vận động giúp sức khỏe cải thiện và giảm nguy cơ mất xương - Ảnh: Hồng Phương
Gãy xương do loãng xương
Theo BS CK2 Võ Hòa Khánh - chuyên ngành chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương, mật độ chất xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Loãng xương làm xương yếu và giòn dễ gãy. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở vùng hông, xương cổ tay hoặc cột sống"
BSCK2 Võ Hòa Khánh - chuyên ngành chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chia sẻ
Tại Mỹ, cứ 10 triệu người trên 50 tuổi (8 triệu phụ nữ và 2 triệu đàn ông) được chẩn đoán là loãng xương. Khoảng 34 triệu người có khối lượng xương thấp, có nguy cơ loãng xương và nguy cơ gãy xương do loãng xương.
"Loãng xương làm xương yếu và giòn dễ gãy. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở vùng hông, xương cổ tay hoặc cột sống" - BSCK2 Võ Hòa Khánh chia sẻ.
Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Khi bị loãng xương, cơ thể có thể sẽ có các biểu hiện đau lưng do gãy lún các đốt sống, mất chiều cao theo thời gian, còng lưng. Đặc biệt dễ bị gãy xương đến mức có khi chỉ vặn người hoặc chống mạnh tay cũng có thể bị gãy xương.
Yếu tố nguy cơ loãng xương
Theo BS Võ Hòa Khánh, xác định những người có nguy cơ bị loãng xương là bắt buộc để giảm tỉ lệ tàn tật và tử vong liên quan đến gãy xương do loãng xương. Song với đó, yếu tố nguy cơ ở người bệnh càng nhiều, nguy cơ gãy xương càng lớn.
Những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương là người cao tuổi (trên 65 tuổi) hoặc người có tiền sử gãy xương sau 50 tuổi. Những người ăn kiêng thiếu canxi, hút thuốc, sử dụng rượu bia, ít hoạt động thể lực cũng tác động gây loãng xương. Phụ nữ mãn kinh trước 45 tuổi có nguy cơ loãng xương cao.
Bên cạnh đó, nguy cơ loãng xương cũng thường gặp ở các trường hợp mắc một trong các bệnh lý như: phì đại tuyến giáp; bệnh phổi mãn tính; ung thư; viêm ruột; bệnh gan hoặc thận mãn tính; phì đại tuyến cận giáp; thiếu vitamin D; tiểu đường; xơ cứng bì; viêm khớp dạng thấp…
Ngoài ra, bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tuyến giáp; thuốc chống động kinh; thuốc ức chế hormone sinh dục, thuốc ức chế miễn dịch... cũng là những đối tượng nguy cơ.
Thay đổi lối sống
Bệnh loãng xương có thể ngăn ngừa cho mọi người bằng cách thay đổi chế độ ăn và thay đổi lối sống hằng ngày.
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh cho biết mỗi người cần sử dụng thực phẩm giàu canxi để phòng loãng xương từ các loại sữa và sản phẩm từ sữa (sữa ít béo, không đường, yaourt, phô mai...). Khi dùng bữa có cá nhỏ nên ăn luôn xương (cá cơm, cá bống trứng, cá mòi, cá chiên giòn...). Bổ sung các loại tôm tép ăn cả vỏ, rau xanh, sản phẩm từ đậu nành (đậu hũ, sữa đậu nành...). Đặc biệt, các thực phẩm bổ sung canxi, vitamin D nên kết hợp vào các bữa ăn.
Mỗi người cần lưu ý ra ngoài tiếp xúc nắng sáng mỗi ngày để cơ thể hấp thụ vitamin D. Thường xuyên vận động (đi bộ, chạy bộ, tập tạ, thái cực quyền...) góp phần giúp xương dẻo hơn. Đồng thời cần tránh ăn quá nhiều thịt, thức ăn chứa nhiều muối, các thức uống như trà, cà phê, nước ngọt...
"Điều trị loãng xương là một điều trị lâu dài (kéo dài 2 - 5 năm), tuân thủ điều trị cũng như giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức của bệnh nhân là rất quan trọng, cải thiện quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc là một trong những cách giúp cải thiện và tuân thủ điều trị của bệnh nhân" - BS Võ Hòa Khánh cho biết.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cần tránh té ngã, trong nhà phải đủ ánh sáng, mang dép mềm, tránh trơn trợt, toilet phải khô ráo, có tay vịn, kiểm tra thị lực (cườm, cận thị… ). Hạn chế lên xuống cầu thang nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận