29/06/2017 19:40 GMT+7

​Bị cấm chạy nội tỉnh, chủ xe khách Thái Bình tập trung phản đối

KHÁNH LINH - TIẾN THẮNG
KHÁNH LINH - TIẾN THẮNG

TTO - Nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến xe khách cố định nội tỉnh Thái Bình đang lo lắng trước nguy cơ phá sản, vỡ nợ sau thông báo dừng hoạt động tất cả các tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh.

Hàng dài xe khách kéo về cổng Sở Giao thông vận tải Thái Bình để phản đối việc dừng hoạt động các tuyến xe khách nội tỉnh - ẢNH: Khánh Linh
Hàng dài xe khách kéo về cổng Sở Giao thông vận tải Thái Bình để phản đối việc dừng hoạt động các tuyến xe khách nội tỉnh - ẢNH: Khánh Linh

Chiều 29-6, hơn 100 người dân cùng đại diện các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải chạy tuyến cố định nội tỉnh Thái Bình đã đánh xe đến trước cổng trụ sở của Sở Giao thông vận tải Thái Bình để phản đối thông báo ngừng hoạt động các tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh Thái Bình kể từ ngày 24-6 mà sở này đưa ra trước đó.

Cụ thể, Sở Giao thông vận tải Thái Bình yêu cầu các chủ phương tiện có tuyến xe khách cố định chạy nội tỉnh phải dừng hoạt động trước ngày 23-6. 

Đồng thời, sở cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác bến xe ô tô khách trên địa bàn niêm yết thông báo tại các bến xe và thông báo tới toàn bộ đơn vị vận tải, chủ phương tiện và hành khách nội dung thông báo.

Các bến xe chủ động thanh lý hợp đồng với các đơn vị vận tải trước ngày 23-6 và không tiếp nhận phương tiện vận tải khai thác tuyến nội tỉnh vào bến xe từ ngày 24-6.

Căn cứ để Sở Giao thông vận tải Thái Bình đưa ra thông báo này là theo Quyết định số 372/QĐ-UBND ngày 26-3-2014 của UBND tỉnh Thái Bình về việc quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ taxi và các tuyến vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Bình và thực hiện văn bản số 2014 ngày 23-6-2015 của UBND tỉnh về việc không lập quy hoạch các tuyến vận tải khách nội tỉnh trên địa bàn tỉnh.

 

Ngay khi thông báo trên được ban hành, các doanh nghiệp vận tải có xe khách chạy tuyến nội tỉnh Thái Bình đã phản đối quyết liệt.

Theo các doanh nghiệp vận tải xe khách nội tỉnh, thông báo này là không đúng với quy định của pháp luật và đang đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản, vỡ nợ.

Ông Nguyễn Việt Linh, chủ một xe khách hoạt động thông qua Công ty Quỳnh Hưng để chạy tuyến Hưng Hà - TP Thái Bình, cho biết xe của ông ký hợp đồng bến bãi tại bến xe TP Thái Bình đến 31-12-2017 mới hết hạn.

Hàng tháng ông Linh phải lo đóng cố định 1,3 triệu đồng/đầu xe cho công ty Quỳnh Hưng cũng như phải tự lo tiền bến bãi, tiền lương cho lái xe...

Tổng chi phí mỗi tháng mất cả chục triệu đồng/đầu xe. Để tiết kiệm chi phí, bản thân ông Linh phải trực tiếp làm lơ xe.

"Gia đình tôi đầu tư mua xe hết 500 triệu đồng thì vay ngân hàng 320 triệu đồng, hiện mỗi tháng phải trả tiền lãi cho ngân hàng gần chục triệu đồng. Xe mới bắt đầu chạy từ tháng 4-2016 mà giờ phải dừng hoạt động thì chỉ có nước phá sản, vỡ nợ", ông Linh cho biết.

Ông Phạm Ngọc Sơn, giám đốc Xí nghiệp vận tải 27-7 Đông Hưng, bức xúc cho rằng UBND tỉnh cùng Sở Giao thông vận tải Thái Bình chưa bao giờ họp bàn hay có một cuộc tiếp xúc với những doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải có tuyến xe khách cố định chạy nội tỉnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng hoặc phổ biến chủ trương mới song đã ra thông báo cấm xe khách hoạt động khiến các nhà xe "trở tay không kịp".

Theo ông Sơn, sự bất cập nằm ở việc cấm các doanh nghiệp xe khách như đơn vị của ông hoạt động song lại cho phép một công ty khác là Công ty cổ phần xe khách Hoàng Hà được độc quyền hoạt động xe buýt.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có hàng chục tuyến xe khách nội tỉnh thuộc các doanh nghiệp như Xí nghiệp 27-7, Công ty Quỳnh Hưng, Công ty Long Thu, Xí nghiệp vận tải Tiến Bộ, Xí nghiệp vận tải Thái Thụy…

Tổng số có khoảng 50 phương tiện đang hoạt động, kéo theo đó là hàng trăm lái xe, phụ xe.

Cổng Sở Giao thông vận tải đóng chặt trong chiều 29-6 - ẢNH: Khánh Linh
Cổng Sở Giao thông vận tải Thái Bình đóng chặt trong chiều 29-6 - Ảnh: Khánh Linh

Trong chiều 29-6, cổng trụ sở của Sở Giao thông vận tải Thái Bình đóng chặt. Không có lãnh đạo nào của sở này ra đối thoại với người dân cũng như đại diện các doanh nghiệp vận tải.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Nam, chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải Thái Bình, cho biết thông báo dừng hoạt động đối với xe khách tuyến nội tỉnh được triển khai theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải và theo đúng chủ trương của tỉnh Thái Bình nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nam, việc này đã được triển khai, thông báo công khai từ cách đây hai năm để cho các doanh nghiệp vận tải có đủ thời gian, lộ trình chuyển đổi hoạt động cũng như tham gia đấu thầu các tuyến xe buýt nội tỉnh.

"Sở đã tổ chức thông báo dừng hoạt động đối với xe khách tuyến nội tỉnh đến nay là ba lần, trong đó lần cuối cùng gần đây nhất là vào ngày 24-5-2017. Trước đó, sở cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các doanh nghiệp bao gồm tám doanh nghiệp vận tải cùng với 32 chủ phương tiện có xe hoạt động tuyến nội tỉnh", ông Nam cho hay.

Cũng theo ông Nam, không có chuyện để cho xe buýt của Công ty Hoàng Hà độc quyền hoạt động.

"Chúng tôi thông báo và tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký các tuyến xe buýt của những đơn vị quan tâm. Trong ngày 30-6 sẽ hết hạn để nộp hồ sơ và chúng tôi cũng sẽ có văn bản trả lời cụ thể các thắc mắc, lo lắng của doanh nghiệp", ông Nam cho biết thêm.

KHÁNH LINH - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên