21/04/2021 09:26 GMT+7

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 3: Hạ gục môn đồ Lý Tiểu Long

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Vô địch quyền tự do hạng ruồi miền Nam Việt Nam, thượng đài hơn 20 trận thì đến 18 trận thắng knock-out, từng đối đầu với những tay đấm quốc tế từ Hong Kong, Thái Lan, Campuchia, đánh bại môn đồ của Lý Tiểu Long...

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 3: Hạ gục môn đồ Lý Tiểu Long - Ảnh 1.

Trần Bình Long cầm tấm hình chụp ông nhận cúp vô địch quốc gia nội dung quyền thuật tự do hạng ruồi năm 1974 - Ảnh: GIA TIẾN

Đó là vài nét về võ sĩ Trần Bình Long (sinh năm 1955, tên thật Trần Văn Mừng, tức Tư Mừng) - tay đấm thành công nhất của dòng võ Gò Công.

Đệ tử Lý Tiểu Long bại trận

"Đại hội võ đài quốc tế Hồng Kông - Việt Nam. Lần đầu tiên giới võ lâm Hương Cảng gửi một phái đoàn võ sĩ thuộc võ phái của cố tài tử điện ảnh thần tượng Lý Tiểu Long sang Việt Nam tranh hùng cùng các tay đấm vô địch quyền tự do Xuân - Bình, Trần Xil, Lê Đại Hoan, Triệu Tử Long (Gò Công)".

Đó là lời rao trong những tờ bướm quảng cáo của Tổng cuộc Quyền thuật Sài Gòn cho chuỗi trận so găng giữa đoàn Hong Kong và Việt Nam vào các đêm 13, 14 và 15-12-1974 tại thao đường Nguyễn Trãi, nay là Trường đại học Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM. Giá vé từ 600, 1.000, 1.500, 2.000 và 3.000 đồng.

Sáu cặp thi đấu Việt Nam - Hong Kong bao gồm Xuân Thịnh đấu Ngũ Chí Cường, Trần Cường đấu Châu Đát Vinh, Trần Mạnh Hiền đấu Lý Mãnh Lân, Lê Thanh Ngọc đấu Tào Báo Pháp, và 2 trận "đinh" trong ngày thi đấu chót là Thạch Sanh đấu với Tiểu Lâm Giác và Trần Bình Long đấu Lý Diệu Quang. 

Tiểu Lâm Giác là sư đệ và Lý Diệu Quang là đệ tử của huyền thoại điện ảnh Lý Tiểu Long. Lý Diệu Quang cũng xuất hiện trong phim Tinh võ môn và Mãnh long quá giang cùng sư phụ.

Bên đối thủ là Trần Bình Long, thuộc võ đường Triệu Tử Long (Gò Công). Năm 1974, Long đang giữ đai vô địch hạng ruồi hạng cân từ 49-52kg đối với nam môn quyền tự do toàn quốc. Trước năm 1975, Long thượng đài 20 trận, trong đó có đến 18 trận thắng knock-out và được một số tờ báo bấy giờ gọi là "võ sĩ chưa biết mệt".

46 năm sau, ngồi kể lại trận đấu với Lý Diệu Quang ngày đó, ông Tư Mừng - Trần Bình Long vẫn nhớ như in: "Nghe bị cáp độ đánh với đệ tử Lý Tiểu Long tôi cũng "rét" lắm, tại hồi đó cũng coi nhiều phim võ thuật của ổng. Mà nghĩ sợ cũng không làm được gì nên thôi cứ luyện tập theo đúng mấy đòn thế của mình", ông Mừng nói. Thể lệ là đấu tự do trong 4 hiệp, mỗi hiệp 2 phút.

Tờ nhật báo Đông Phương trước năm 1975 thuật lại: "Mở đầu, Lý Diệu Quang có vẻ hung hăng ra đòn tới tấp vào võ sĩ Trần Bình Long ở Việt Nam. Trần Bình Long sau vài đòn thăm dò đã bắt đấu tấn công nhiều. Trần Bình Long dáng dấp tuy nhỏ nhưng chắc tay đấm, nhằm vào các yếu huyệt của đối phương mà ra đòn tới tấp. Họ Lý hai phen lảo đảo và ngã xuống sàn đài, tiếng chuông kết thúc hiệp nhứt cứu thua họ Lý".

Bài viết tiếp tục thuật lại: sang hiệp 2, Trần Bình Long tiếp tục dồn ép. Thân pháp uyển chuyển của anh làm đối thủ khó kiểm soát, cộng với những dư chấn từ những pha ăn đòn trong hiệp 1 đã khiến Lý Diệu Quang ra đòn thêm rối rắm và để lộ nhiều sơ hở.

Trong một pha đối phương đá vắt để lộ liễu, Trần Bình Long khôn khéo di chuyển đưa vào thế chỏ lật trúng màng tai làm đối phương ngã xuống sàn đài lần thứ 3. Trọng tài đếm ngược, Diệu Quang loạng choạng đứng dậy, đội ngũ huấn luyện của Hong Kong đưa khăn trắng xin bỏ cuộc.

Đòn chỏ lật trứ danh

Thời còn là học sinh trung học ở Gò Công, thấy bạn bè học võ, ông Mừng cũng "ham vui" tìm đến lò Triệu Tử Long và lấy tên là Trần Bình Long. Nhận thấy được tài năng bẩm sinh của ông, Quản Chí và người tiếp quản võ đường sau này là Hồng Long (con của Quản Chí) đã tăng cường huấn luyện cho Trần Bình Long.

Hồng Đạt (sinh năm 1960) - võ đường Triệu Tử Long - chia sẻ xem sư huynh Trần Bình Long thi đấu rất đã mắt. Phong thái của Long rất ung dung, điềm tĩnh, mỗi khi đã lên sàn đấu thì di chuyển khéo léo và linh hoạt. "Đôi chân của anh Tư cứ phiêu phiêu như một người đang nhảy múa. Những cái này tôi thấy không hẳn phải là luyện tập mà đến từ bản năng", ông Hồng Đạt nói.

Võ đường Triệu Tử Long nổi tiếng những đòn đánh chỏ, gối, và Trần Bình Long là người sử dụng tuyệt chiêu này đến độ thượng thừa. Những cú chỏ lật vốn được xem là bí kíp cho những trận thắng knock-out xưa nay của ông. Một võ sĩ cho dù đang thắng thế, chỉ cần dính một cú chỏ lật có thể đo sàn không dậy nổi. Mà Trần Bình Long khi ấy đã khiến người ta biết tiếng, dè chừng mà vẫn không tránh được những cú chỏ.

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 3: Hạ gục môn đồ Lý Tiểu Long - Ảnh 2.

Bài báo thuật lại diễn biến trận đấu giữa Trần Bình Long và Lý Diệu Quang - Ảnh: GIA TIẾN chụp lại

Bản năng thượng đài

Thất bại duy nhất trong sự nghiệp của Trần Bình Long lại là trận đấu kiên cường và được khán giả và báo giới bấy giờ tán dương kịch liệt. Đó là trận thua trước võ sĩ hàng đầu Thái Lan Boonpeng Malai trong khuôn khổ giải tứ hùng, quy tụ các vận động viên từ Ai Lao (Lào), Thái Lan, Nam Dương (Indonesia), Việt Nam (tháng 9-1974).

Thuật lại trận đấu này, tờ Sinh Hoạt Thể Thao ngày 30-9-1974 viết: "Độ thứ 3 Việt Nam - Thái Lan giữa võ sĩ Trần Bình Long (Gò Công) và Boonpeng Malai (Thái Lan). Hiệp đầu vì thiếu kinh nghiệm, Trần Bình Long bị một cú áp sát ngã xuống sàn đài. Trọng tài đếm tới tiếng thứ tám. Trần Bình Long đứng dậy tiếp tục trận đấu. Sau đó anh lại bị đá té nhào, may nhờ tiếng chuông dứt hiệp cứu thua.

Mọi người đều tưởng Trần Bình Long chịu không nổi hiệp nhì. Nhưng tất cả đều lầm. Hiệp nhì Trần Bình Long đánh rất có nét. Đá mạnh, đấm mau, giật cùi chỏ ác, võ sĩ Thái Lan trúng nhiều đòn. Và anh thắng điểm rõ rệt. Hiệp 3 cả 2 đều đuối sức.

Lần thứ nhất khán giả thấy võ sĩ ngoại quốc mệt mỏi, lộ nhiều sơ hở nhưng có lẽ Trần Bình Long vì thấm đòn hiệp đầu không có sức dứt điểm. Kết quả chịu thua điểm, nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm, sức chịu đựng dẻo dai của anh được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Anh được 2 khán giả thưởng 15.000 đồng".

Trong hiệp 2, Boonpeng Malai dính đòn chỏ lật của võ sĩ Việt Nam làm rách mí mắt nặng. Trận đấu gián đoạn và đội ngũ săn sóc viên đến chữa trị cho tay đấm Thái Lan. Sau trận thư hùng này, Trần Bình Long được đặt biệt danh "võ sĩ chưa biết mệt".

Những năm đầu sau thống nhất, võ đài tạm ngưng, ông Trần Bình Long đi học ở Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM rồi về Tiền Giang dạy thể dục, trong đó có thời gian công tác ở Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công ngày nay). Đến năm 1982, chính quyền tỉnh Tiền Giang cho phép võ đài hoạt động trở lại bằng một giải đấu giao hữu tại Mỹ Tho.

Đoàn Gò Công tham gia với nòng cốt là quân từ võ đường Triệu Tử Long, ông Tư Mừng đi theo với vai trò trợ lý huấn luyện bên cạnh sư huynh Hồng Long. Theo lịch thi đấu, võ sĩ Hồng Dũng của Gò Công sẽ gặp tay đấm "Băng Xơ Quýt" nổi tiếng người Campuchia. 

"Buổi chiều đang tập dượt cho mấy em, anh Hồng Long đột nhiên đến nói với tôi là tôi sẽ đấu với "Băng Xơ Quýt" thay Hồng Dũng. Tôi muốn từ chối vì lâu nay không còn tập cường độ cao để đánh đài nhưng anh Hồng Long nói Hồng Dũng sẽ không thể trụ được mà phải là tôi", ông Tư Mừng kể.

Là người chứng kiến trận đấu "bất đắc dĩ" đó, ông Hồng Đạt kể lại ông Trần Bình Long gặp khó khăn. "Băng Xơ Quýt" trẻ, khỏe, ra đòn sắc gọn, có những lúc dồn võ sĩ Việt vào góc đài.

"Tôi nói trận đó anh Mừng đánh bằng ý chí và tinh thần là chính. Nhưng anh Mừng quả thật có bản năng đánh võ. Sau mấy phút đầu lúng túng thì anh di chuyển có ý đồ và tung được nhiều đòn chỏ sở trường. Hai bên đánh ngang ngửa, ăn miếng trả miếng. Kết quả cuối cùng anh Mừng thắng điểm - ông Hồng Đạt nói - Vậy mới thấy anh Mừng giỏi võ và có bản năng đánh đài bẩm sinh".

Ông Lê Văn Lắm - chưởng môn Thiếu Lâm Tây Sơn, từng có thời gian làm tổng thư ký, tổng trọng tài Hội Võ thuật cổ truyền TP.HCM - trong một cuộc phỏng vấn với báo chí trước năm 1975 từng ví von: "Nhắc đến Gò Công, về nhạc thì nghĩ đến danh ca "nhạn trắng" Phương Dung, về võ thì nghĩ đến võ sĩ Trần Bình Long".

--------------------------------

Tiếp quản võ đường Triệu Tử Long sau khi phụ thân Quản Chí qua đời, võ sư Hồng Long góp phần đưa danh tiếng võ Gò Công bay xa...

Kỳ tới: Đưa võ Gò Công danh trấn võ đài

Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 2: Đi tìm khởi thủy dòng võ xứ Gò Bí ẩn những lò võ Gò Công - Kỳ 2: Đi tìm khởi thủy dòng võ xứ Gò

TTO - Trước nhà là khoảng sân với giàn mướp xanh tươi, bên cạnh khu vườn trĩu quả. Chính góc sân này cách đây non một thế kỷ, ông Bảy Bổn truyền võ công cho đệ tử tứ phương.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên