Sao Thủy nhỏ nhất trong gia đình Hệ mặt trời - Ảnh: Theosophy online
Hành tinh nhiều sắt nhất Hệ mặt trời
Sao Thủy là một trong bốn hành tinh cấu tạo bằng đất đá giống Trái đất, đồng thời cũng là hành tinh nhỏ nhất với đường kính chỉ khoảng 4.879,4km.
Con số này bằng 0,383 lần đường kính Trái đất và thậm chí còn nhỏ hơn vệ tinh Ganymede của sao Mộc và vệ tinh Titan của sao Thổ.
Sắt chiếm lượng lớn trong cấu tạo của sao Thủy. Đây cũng là hành tinh có nhiều sắt nhất trong Hệ mặt trời.
Cùng với sao Kim, sao Thủy không có vệ tinh tự nhiên, trong khi các hành tinh còn lại đều có vệ tinh quay quanh.
Biên độ nhiệt ngày đêm khoảng 600 độ C
Khí quyển sao Thủy vô cùng mỏng - Ảnh: NASA
Sao Thủy cũng là hành tinh gần mặt trời nhất trong 8 hành tinh, với khoảng cách khoảng 57,91 triệu km. Điều này cùng với khối lượng nhỏ làm cho khí quyển nó rất mỏng, không thể giữ nhiệt.
Do vậy mà biên độ nhiệt ngày và đêm trên sao Thủy lớn nhất trong Hệ mặt trời, ban đêm có thể xuống đến -173 độ C nhưng ban ngày lên tới 427 độ C. Tính ra biên độ nhiệt dao động giữa ngày và đêm lên đến 600 độ C.
Cũng do bầu khí quyển rất mỏng, sao Thủy không có các mùa trong năm như 4 mùa trên Trái đất.
Quỹ đạo của sao Thủy là một hình elip cực hẹp với bán kính trục chính 70 triệu km, bán kính trục phụ chỉ 46 triệu km. Đây cũng là một nguyên nhân gây chênh lệch nhiệt độ lớn cho sao Thủy.
Ngày dài bằng 2/3 năm
Một năm trên sao Thủy chỉ bằng 88 ngày trên Trái đất - Ảnh: NASA
Tốc độ quay quanh mặt trời của sao Thủy rất nhanh, khoảng 88 ngày Trái đất. Trong khi đó, sao Thủy cần khoảng 58 ngày Trái đất để tự quay quanh trục.
Như vậy, một năm ở sao Thủy quá nhanh, chỉ 88 ngày so với 365 ngày trên hành tinh chúng ta còn một ngày lại dài khủng khiếp, bằng khoảng 2 tháng Trái đất.
Nói cách khác, một ngày của sao Thủy dài khoảng 2/3 một năm.
Bề mặt như mặt trăng
Bề mặt sao Thủy lồi lõm như mặt trăng - Ảnh: NASA
Bề mặt sao Thủy có rất nhiều hố to nhỏ và lởm chởm như bề mặt mặt trăng. Phần lớn bề mặt sao Thủy được dung nham khô bao phủ.
Trên bề mặt hành tinh này xuất hiện nhiều vết nứt, hoặc những vách đá khổng lồ kéo dài trên một khu vực rộng lớn, trông giống các nấc thang khổng lồ. Trong đó, nấc lớn nhất dài hơn 1.000km và cao đến 3km.
Sao Thủy có lượng lớn miệng núi lửa trên bề mặt hơn bất kỳ hành tinh nào trong Hệ mặt trời. Điều đặc biệt là phần lớn các miệng núi lửa này được đặt tên theo các nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng.
'Thần đưa tin' của Hệ mặt trời
Thần Hermes trong thần thoại Hy Lạp
Con người biết đến sao Thủy từ rất sớm. 3.000 năm TCN, người Sume đã biết có sự hiện diện của sao Thủy. Vì sao Thủy nằm trong quỹ đạo Trái đất nên khi nhìn từ Trái đất chỉ có thể thấy vào rạng sáng hoặc chiều tối chứ không thể thấy vào ban đêm.
Người La Mã lấy tên thần Mercurius (người Hi Lạp gọi là thần Hermes) - vị thần liên lạc và đưa tin trong thần thoại, đặt cho sao Thủy. Có lẽ do người La Mã nhận thấy tốc độ nhanh của sao Thủy nên đặt tên như thế.
Rất khó 'làm quen'
Vệ tinh Messenger đã hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2015 - Ảnh: NASA
Những hiểu biết về sao Thủy đến nay vẫn còn hạn chế do khó khăn trong việc tiếp cận hành tinh này. Tính đến nay chỉ mới có 2 tàu tham dò "mon men" chinh phục sao Thủy: một là tàu Mariner 10 trong giai đoạn 1974-1975, hai là tàu Messenger phóng lên vũ trụ ngày 3-8-2004.
Riêng tàu Messenger, sau khi tới quỹ đạo sao Thủy ngày 17-3-2011, tàu thực hiện nhiệm vụ quan sát, nghiên cứu thông tin lịch sử, địa chất của hành tinh nằm ở vị trí gần mặt trời nhất.
Messenger đã bay hết quãng đường 7,8 tỉ km trong hơn 6 năm để đến được sao Thủy và là tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên thâm nhập được vào quỹ đạo sao Thủy.
Messenger bay quanh sao Thủy từ 2011-2015 và gửi về Trái đất hơn 280.000 hình ảnh trước khi kết thúc sứ mạng bằng cách đâm vào hành tinh này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận