20/03/2017 11:38 GMT+7

BHYT: chi chục triệu vẫn khó xài

NGUYỄN HỒNG ANH (HÀ NỘI)
NGUYỄN HỒNG ANH (HÀ NỘI)

TTO - Trong khi mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc bình quân hiện nay là dưới 1 triệu đồng/năm, thì người lao động ở các công ty có vốn nước ngoài hay công ty tư nhân có thu nhập cao phải đóng nhiều hơn cả chục lần.

Hiện nay, hơn 80% người dân có thẻ BHYT. Tuy nhiên, mức chi trả chưa hợp lý so với nhu cầu của nhiều
nhóm bệnh nhân. Trong ảnh: người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: Việt Dũng
Hiện nay, hơn 80% người dân có thẻ BHYT. Tuy nhiên, mức chi trả chưa hợp lý so với nhu cầu của nhiều nhóm bệnh nhân. Trong ảnh: người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên do chính sách BHYT quy định cứng, những người phải đóng mức cao cũng được chi trả như người đóng thấp với chất lượng dịch vụ y tế cũng thấp theo.

Mua 13 triệu đồng nhưng không dùng

Với mức trần đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là 24,2 triệu đồng - là mức lương phổ biến ở nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - người lao động sẽ phải đóng BHYT ở mức 1.089.000 đồng/tháng (bằng 4,5% lương, trong đó người lao động đóng 1,5% và doanh nghiệp đóng 3%). Tổng cộng một năm đóng hơn 13 triệu đồng.

Tôi là một trong số những người đang đóng BHYT mức 13 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hầu như tôi và các đồng nghiệp trong cơ quan không có cơ hội sử dụng thẻ BHYT do không thể nghỉ làm để chờ cả ngày mới đến lượt khám bệnh. Thêm vào đó, chất lượng của gói bảo hiểm bắt buộc này không tương xứng với tiền đã đóng. Nếu tôi đi khám đúng bệnh viện mà mình đã chọn, một lần khám thực tế phải trả 150.000 đồng nhưng BHYT chỉ chi vài chục ngàn đồng.

Bạn tôi, chị N.T.U., cũng là nhân viên công ty nước ngoài và đang đóng BHYT ở mức trần theo quy định hiện hành. Chị U. kể trong gần 20 năm đi làm, chị mới sử dụng thẻ BHYT bắt buộc lần duy nhất là khi sinh con nhưng mức chi trả không được bao nhiêu, dùng phòng dịch vụ phải chi trả riêng, thời gian chờ khám rất lâu...

Để tăng thêm phúc lợi cho nhân viên, không ít tập đoàn, công ty lớn như công ty tôi đang làm việc phải mua thêm một gói bảo hiểm sức khỏe khác của các công ty bảo hiểm. Loại bảo hiểm này có các mức giá khác nhau đi kèm quyền lợi khác nhau.

Công ty tôi mua ở mức gần 7 triệu đồng/người/năm, bằng khoảng một nửa so với gói BHYT bắt buộc nhưng quyền lợi thì vượt trội, được tự chọn nơi khám chữa bệnh, kể cả ở bệnh viện quốc tế, tư nhân, thuốc loại đắt tiền không giới hạn theo danh mục, được đặt hẹn khám giúp tiết kiệm thời gian...

Công ty của chị U. mua mức bảo hiểm cao hơn, khoảng 10 triệu đồng/năm được chi trả đến 100 triệu đồng/năm, được khám ở bất kỳ bệnh viện nào, thời gian đi khám chữa bệnh cũng phù hợp với giờ làm việc...

Bỏ “độc quyền” BHYT, được không?

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc đóng BHYT bắt buộc, đây là khoản phúc lợi quan trọng để người lao động yên tâm làm việc và tránh được rủi ro tài chính khi ốm đau, tai nạn.

Tuy nhiên, đành rằng BHYT là chia sẻ, nhưng chẳng lẽ chúng tôi phải chia sẻ mãi trong khi thực tế mức thu nhập vài chục triệu đồng/tháng của mình cũng không phải là cao so với chi phí cho cuộc sống hiện nay?

Thêm vào đó, với thực tế hiện nay, đóng BHYT mà thẻ nhận được chỉ để chấp hành quy định và phải mua thêm gói bảo hiểm khác để dùng thì BHYT thực chất là gánh nặng của doanh nghiệp và người lao động.

Chúng tôi đề xuất một phương án hợp lý và đúng tinh thần “bảo vệ người lao động” là miễn sao doanh nghiệp mua đủ gói bảo hiểm trị giá 4,5% mức lương như quy định, còn lại họ được phép chọn nhà cung cấp nào phục vụ tốt nhất cho nhân viên mình.

Trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ về BHYT bắt buộc cho doanh nghiệp, tôi cùng các đồng nghiệp có chung nguyện vọng là cần phải xóa “độc quyền” của đơn vị cung cấp dịch vụ BHYT bắt buộc nhằm bảo đảm tốt hơn lợi ích của chính người lao động.

Nếu không thể mở rộng nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm thì BHYT bắt buộc nên thay đổi mức chi trả, tham khảo theo cách của các đơn vị tư nhân. Với mức 7 triệu đồng/năm, bảo hiểm tư nhân có thể cho khám thoải mái ở bệnh viện quốc tế được thì tại sao 13 triệu đồng/năm của Nhà nước lại bắt khám ở một nơi cố định và chỉ chi trả với mức hạn chế?

Nên có “BHYT bổ sung”

Ông Lê Văn Phúc - phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội VN - cho hay mức đóng BHYT theo quy định hiện hành là 4,5% tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, trần là 20 tháng lương tối thiểu (tương đương 24,2 triệu đồng).

“BHYT là chính sách xã hội nhằm chia sẻ tài chính khi ốm đau, không thể so sánh với bảo hiểm thương mại vì loại bảo hiểm này tuy thuận lợi ở khám chữa bệnh ban đầu nhưng bị giới hạn bởi trần chi trả. BHYT bắt buộc có mức chi trả có thể lên tới hàng tỉ đồng/bệnh nhân khi mắc bệnh hiểm nghèo” - ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc, hiện trong số gần 80 triệu người có BHYT chỉ có 12 triệu người đóng theo thang bảng lương, còn lại đóng mức tối thiểu chỉ trên 650.000 đồng/tháng, nên nếu không có người đóng cao thì quỹ không tồn tại được.

Ngoài ra, ông Phúc cũng cho rằng tới đây nên có thêm hình thức BHYT bổ sung, tức là ngoài BHYT thông thường thì người có nhu cầu có thể mua thêm phần bảo hiểm bổ sung. “Dịch vụ mà BHYT thông thường không chi trả thì bảo hiểm bổ sung sẽ chi trả” - ông Phúc cho biết.

Tuy nhiên khi trao đổi với các quan chức của cả hai ngành bảo hiểm và y tế, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy hướng ra cho những người đóng BHYT mức hàng chục triệu đồng/năm. Như những người đã mua bảo hiểm mức cao như thế này thì cần mua bổ sung đến mức nào?

Vì sao không có những gói dịch vụ uyển chuyển theo mức đóng để cả người lao động và doanh nghiệp đều thấy mức đóng - hưởng là hợp lý hợp tình, kể cả trong điều kiện cần phải chia sẻ.

Lan Anh

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN, mức chi trả bình quân từ quỹ BHYT khi đi khám chữa bệnh tại tuyến quận, huyện là 300.000 đồng/lượt bao gồm chi phí khám bệnh, tiền thuốc và các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết.

Bảo hiểm xã hội VN cũng cho rằng sẽ xem xét đến những trường hợp mức đóng cao và số lượt sử dụng dịch vụ thấp.

Tuy nhiên, bao giờ xem xét và xem xét như thế nào thì chưa được nói đến.

L.A.

NGUYỄN HỒNG ANH (HÀ NỘI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên