20/03/2015 08:23 GMT+7

​Bếp ăn khuyến học

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI

TT - Mỗi ngày, hàng trăm suất ăn miễn phí “ra lò” phục vụ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Năm học này mỗi ngày có gần 200 học sinh đến dùng cơm tại bếp ăn khuyến học - Ảnh: Ngọc Tài
Những bữa thấy học sinh nhai mì gói sống, xôi, bánh mì cầm bụng học tiếp buổi chiều, nhiều em học mà mặt mũi xanh chành, tui cầm lòng không được nên nảy ra ý định rủ các thầy cô trong hội hùn hạp tiền mở bếp ăn này
Thầy Nguyễn Văn Mốt (chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc)

Nặng lòng với học trò nghèo, suốt năm năm qua 14 thầy cô trong Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc (Đồng Tháp) thay phiên nhau đi chợ rồi bắt tay vào nấu nướng. 

6g, trên đường Nguyễn Sinh Sắc không khí bếp ăn khuyến học rộn rã lạ thường. Không cần phân công, đôn đốc, mỗi thầy cô đều tự giác vào việc.

Lặt mấy bó rau, gọt mấy rổ khoai, xắt thịt, công việc nào cũng được các thành viên trong đội thiện nguyện thực hiện một cách nhanh chóng, gọn gàng.

Chăm từng miếng ăn, con chữ

Thỉnh thoảng các thầy cô lại í ới gọi nhau: “Thầy đem dưa leo ra cắt mỏng giúp em”, “Cô lấy giúp tui hũ muối”.

10g30, những học sinh đầu tiên đến bàn điểm danh. Cô Lâm Thị Cẩm Em, thành viên bếp ăn, đánh dấu vào danh sách rồi hỏi nhỏ: “Tuần này con ăn hết tuần không?”.

Nghe học sinh trả lời có, cô Cẩm Em dùng bút đỏ đánh dấu vào sổ. “Hỏi trước để biết những ngày sắp tới các em có ăn cơm hay không, từ đó đong gạo, rau củ cho chính xác. Nấu không đủ ăn thì tội cho các em, còn nấu thừa thì mang tội với các mạnh thường quân đã giúp đỡ” - cô Cẩm Em chia sẻ.

Trên bàn ăn đã sẵn sàng với món chính là thịt kho đậu hủ, canh thịt bằm với món tráng miệng là mấy trái chuối. Tiếng trống trường điểm giờ tan học, các em học sinh ùa vào phòng ăn.

Như đã quen, các em ngồi ngăn nắp dùng bữa. Tiếng chuyện trò, cười nói hòa cùng tiếng lanh canh đũa bát. Các thầy cô phục vụ cơm, thức ăn cho các em cũng tất bật đi lại, hỏi han, vỗ vai từng đứa học trò thân yêu của mình. Mắt các thầy cô ánh lên niềm vui, hạnh phúc.

Em Võ Hoàng Vũ, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, xoa xoa cái bụng căng tròn, cười díp cả hai mắt khoe: “Một lát thầy cô còn cho em một phần cơm mang về để chiều ăn. Nhà em ở tận huyện Châu Thành, nhà xa nên không đi đi về về thường xuyên được. Nhờ có bếp ăn của thầy cô mà em được ăn no, ăn ngon”.

Ở một góc bàn khác cô học trò dáng người nhỏ thó Lương Thị Tuyết Phương (lớp 7 Trường THCS Võ Thị Sáu) sau khi dùng cơm xong vẫn còn nán lại bàn ăn mang vở ra học. Thầy cô ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của Phương. Thấy em mải miết học bài, thầy cô ra hiệu cho nhau nói chuyện khẽ tiếng để em có không gian yên lặng.

“Nhà xa lại không được sự chăm nom của cha mẹ, con bé phải sớm tự lập. Ở đây ai cũng xem con bé như con cháu trong nhà”, cô Cẩm Em chia sẻ. Dẫu cực khổ nhưng Tuyết Phương vẫn không từ bỏ ước mơ đến trường. Hỏi về tình cảm với các thầy các cô, Phương rưng rưng: “Bếp ăn như gia đình thứ hai của em vậy. Các thầy cô rất tận tình, chu đáo lo cho em”.

Chúng tôi luôn duy trì bếp ăn đỏ lửa và mong muốn ngọn lửa ấy cháy mãi. Đó là ước muốn của tất cả thầy cô, mạnh thường quân nhằm nâng bước các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục trên đường tìm tri thức.

Rồi mai đây các em trưởng thành, cất cánh bay xa sẽ nhớ về khu bếp ăn ấm áp này. Để từ đó các em học sinh được nhận lãnh tấm lòng của thầy cô, biết trân trọng tình yêu thương và chia sẻ hơn khi vào đời

Cô Lê Thị Xuân Thu (phó ban điều hành bếp ăn khuyến học TP Sa Đéc)
Cô Lê Thị Xuân Thu thăm hỏi học sinh sau khi dùng cơm - Ảnh: Ngọc Tài

Chia sẻ để biết sẻ chia

Sau khi được tập thể nhất trí, thầy Nguyễn Văn Mốt (chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc) liên hệ với Phòng GD-ĐT và UBND TP Sa Đéc mở bếp ăn. Đích thân các thầy cô đi vận động gạo, rau củ, thịt cá những ngày đầu thành lập bếp. Các trường lập danh sách học sinh khó khăn, nhà xa gửi đến đăng ký suất ăn hằng ngày. Từ khi thành lập đến nay, mỗi ngày bếp đều phục vụ trên 200 học sinh ở các trường THPT, THCS trên địa bàn. Các món ăn chay, mặn có đủ để học sinh thoải mái lựa chọn. Thực đơn mỗi ngày cũng luôn thay đổi để học sinh không ngán.

Các thầy, các cô và một số tình nguyện viên khác chia làm sáu nhóm, luân phiên nấu cơm phục vụ học sinh trong tuần. Hôm nào thiếu người thì nhờ người khác làm giùm. “Dù mệt nhưng thấy học trò được ăn ngon, không phải chịu cảnh bụng đói meo lên lớp là chúng tôi thấy vui rồi” - cô Lê Thị Xuân Thu, phó ban điều hành bếp ăn khuyến học TP Sa Đéc, cho biết.

Không dừng lại ở bếp ăn khuyến học, các thầy cô còn thành lập tủ sách khuyến học đặt ngay tại bếp ăn. Học sinh có thể mượn sách đọc tại chỗ hoặc mang về nhà đọc. Tính đến hết tháng 12-2014, hội đã quyên góp và hỗ trợ được trên 800 bộ sách giáo khoa, tặng 1.600 quyển tập và 1.200 cây viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Hội hỗ trợ kịp thời những em có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tiếp tục con đường học vấn thành tài. Thông qua bếp ăn và tủ sách khuyến học chỉ hi vọng tương lai tụi nhỏ sáng sủa hơn” - thầy Mốt chia sẻ.

Tấm lòng của các thầy cô tại bếp ăn khuyến học đã lay động nhiều người dân xung quanh. Ngày nào cũng có người tìm đến tận bếp ăn góp chút tiền hoặc chút mắm muối để duy trì bếp ăn. Đó cũng là lý do mà bếp ăn chi phí mỗi ngày ngót nghét mấy trăm ngàn đồng nhưng năm năm liền không ngày nào tắt lửa.

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên