Hình ảnh đẹp của người phụ nữ dân tộc. Con bị ốm, mẹ địu con trên lưng tự tay vào bếp nấu cháo, nấu cơm cho con
Tình cờ trong cuộc phỏng vấn với bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, anh tâm tình: "Ở nước mình chắc hiếm có bệnh viện nào có khu bếp ăn nghĩa tình như nơi này".
Nơi mà bác sĩ trẻ nhắc đến là Trung tâm y tế huyện Mường Nhé, thuộc tỉnh Điện Biên xa xôi, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, bệnh nhân đa số là người dân tộc Mông, Dao đỏ, Hà Nhì.
Lẽ thường ở bệnh viện, câu chuyện cứu chữa bệnh nhân được đặt lên hàng đầu. Nhưng ở nơi này, chuyện bếp núc cho bệnh nhân và gia đình cũng được bệnh viện quan tâm hơn cả.
"Một đợt điều trị nằm 1-2 tuần, bà con quanh năm chỉ trồng ngô, đâu có tiền. Một người đi viện, cả nhà vào cùng, mang theo con nhỏ. Có gạo, có thức ăn, có củi thì bà con mang đến, hết củi, hết rau thì lên rừng kiếm.
Ở viện có bếp, có tủ đựng nồi, bát đũa, bà con thay phiên nhau nấu ăn", bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Khu nấu ăn cho bệnh nhân có 6 bếp kê bằng kiềng sắt, có 32 tủ đựng thức ăn, bát đũa được đánh số thứ tự.
Sáng - trưa - chiều tối, nơi khu bếp này tấp nập váy áo sặc sỡ của những phụ nữ dân tộc thay phiên nhau nấu nướng cho gia đình. Phụ nữ địu con sau lưng ngồi bên bếp lửa thổi cơm, phía ngoài sân, từng tốp đàn ông vừa chẻ củi vừa vui vẻ chuyện trò.
Tranh thủ ngày cuối tuần, cô bé Già Thị Nhịa (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trần Văn Thọ) xuống viện trông nom mẹ.
Chị Lý Thị Dùa (mẹ của Nhịa) bị máy nghiền ngô nghiền đứt mấy ngón tay. Chồng vào miền Nam làm ăn, còn đứa lớn ở nhà trông em, Nhịa là con thứ hai có nhiệm vụ đến viện nấu cơm cho mẹ.
"Không ai trông mẹ, mẹ đau tay thì em phải nấu cơm à. Ở nhà nấu cơm quen rồi, không mệt đâu", Nhịa gạt mồ hôi lã chã trên trán nói.
Cứ sáng sớm, người nhà bệnh nhân ra chợ hoặc lên rừng kiếm rau, tối đến là thời gian họ sum vầy bên nhau bên bữa cơm tối. Chỉ có bát rau rừng, một chút thịt cá, họ chia sẻ chút gạo, chút muối cho gia đình nào khó khăn.
Trong hoạn nạn, bà con đồng bào biết đùm bọc, san sẻ cho nhau bớt khó khăn xua tan không khí ảm đạm thường trực nơi bệnh viện.
Bệnh viện bố trí 6 bếp nấu ăn dành cho bệnh nhân. Đồng bào dân tộc quen với việc tự nấu cơm cho gia đình, tự bón cơm cho con nhỏ, họ vui vì được bệnh viện đồng ý cho nấu cơm tại đây
Sáng - trưa - chiều tối, người nhà bệnh nhân đến khu bếp này nấu ăn cho bệnh nhân và gia đình. Ở trung tâm y tế này, chỉ cần một người bị bệnh là cả gia đình vào viện theo
Khu bếp nấu ăn ấm cúng cho bệnh nhân và gia đình xua tan không khí ảm đạm nơi bệnh viện
Phía ngoài khu bếp, đàn ông khỏe mạnh chẻ củi làm chất đốt
Trong hoạn nạn, dù ai cũng khó khăn nhưng bà con dân tộc biết san sẻ cho nhau chút gạo, chút muối, chút thức ăn
Chút ấm áp nơi bệnh viện miền biên viễn
Cuối tuần, Già Thị Nhịa xuống trung tâm y tế chăm mẹ. Em nói quen với việc vào bếp nên không thấy khó khăn
Bữa ăn của một gia đình nơi bệnh viện. Khi trong nhà có một người ốm, thì cả gia đình đều kéo nhau xuống bệnh viện này để chăm sóc bệnh nhân
Ngoài giường bệnh, khu bếp ăn là nơi mà bà con dân tộc hỏi han, chia sẻ với nhau về tình hình bệnh tật của người thân
Trung tâm y tế ở xa nhà không thể đưa cơm thường xuyên. Người dân mang theo xoong nồi, củi đốt, thức ăn để tự tay nấu được bữa cơm cho người thân. Bệnh viện bố trí tủ đựng thức ăn, xoong nồi cho gia đình bệnh nhân
Chị Lý Sộp, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé đi chợ mua thức ăn nấu bữa tối cho gia đình. Mẹ chị vào viện, chị ôm theo đứa con trai 6 tuổi vào viện chăm mẹ. Chị vui mừng nói may có bếp ăn này mà gia đình đỡ chút tiền bạc
Bắt đầu cao điểm nắng nóng, những đứa trẻ vùng cao thường xuyên bị sốt cao, bị tiêu chảy phải đến điều trị tại Trung tâm y tế huyện Mường Nhé
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 tình nguyện đến khám, chữa bệnh tại vùng khó Mường Nhé. Bác sĩ tự hào thốt lên: "Ở nước mình hiếm có bệnh viện nào có khu bếp ăn nghĩa tình như nơi đây"!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận