18/08/2019 10:21 GMT+7

Bệnh viện công chạy theo dịch vụ, sao nhãng bệnh nhân BHYT?

HOÀNG LỘC ghi
HOÀNG LỘC ghi

TTO - Bộ Y tế vừa thông tin về hướng dẫn giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Từ đây cũng có lo ngại các cơ sở y tế công sẽ chạy theo dịch vụ, sao nhãng bệnh nhân diện bảo hiểm y tế (BHYT)?

Bệnh viện công chạy theo dịch vụ, sao nhãng bệnh nhân BHYT? - Ảnh 1.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh nhân đăng ký dịch vụ khám nhanh luôn "lấn lướt" khám thường - Ảnh: T.T.D.

Báo chí phản ánh một số nơi dồn bệnh nhân để tận thu chi phí giường dịch vụ. Điều này đi ngược lại y đức của người thầy thuốc. Phải đầu tư phòng dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn nhưng không được dựng "hàng rào kỹ thuật" để lạm dụng, chèn ép người bệnh thu tiền bằng mọi giá

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân

Hóa giải nỗi lo này thế nào, Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến.

* Bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM:

Có chuẩn, khó lạm thu phí dịch vụ

Từ năm 2016, Bộ Y tế đã quy định về tổ chức hoạt động và giá KCB theo yêu cầu tại cơ sở KCB công lập. Trong đó quy định các điều kiện thu phí dịch vụ, tiêu chuẩn phòng, giường bệnh, trang thiết bị, nhân lực, giá dịch vụ. 

Qua một số lần điều chỉnh đã hình thành "chuẩn": phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 4 giường; trường hợp phòng có từ 2 giường bệnh trở lên phải có tấm chắn, che ngăn cách giữa các giường bệnh... Về giá, tùy hạng bệnh viện, địa phương và số giường, thấp nhất là 600.000 đồng, cao nhất là 4 triệu đồng/giường/ngày. 

Có chuẩn, các bệnh viện phải tuân thủ, ít nhiều gặp khó khăn nhưng người bệnh được hưởng lợi, không còn phải mua dịch vụ giá cao nhưng chất lượng dịch vụ thấp. Chất lượng dịch vụ phải đáng đồng tiền bát gạo mà người bệnh bỏ ra. Đồng thời hạn chế được tình trạng giá dịch vụ bát nháo, "nhảy múa" mỗi nơi một phách như hiện nay.

Bệnh viện quận Thủ Đức là đơn vị tuyến quận đầu tiên cả nước đạt bệnh viện hạng 1. Tại đây, mỗi ngày có hơn 6.000 bệnh nhân nội và ngoại trú KCB, trong đó có rất nhiều người muốn được điều trị và đăng ký nằm giường dịch vụ. 

Có người bệnh còn "năn nỉ", sẵn sàng bỏ tiền để được chỉ định bác sĩ thăm khám, được nghỉ ngơi ở phòng dịch vụ có các tiện ích đi kèm tốt nhất. Nhưng do mặt bằng còn khiêm tốn, bệnh viện phải từ chối để còn phục vụ rất nhiều bệnh nhân sử dụng BHYT khác. 

Để "chữa cháy", đơn vị chỉ thiết kế 1 - 2 phòng dịch vụ đúng chuẩn của Bộ Y tế tại các khoa. Về lâu dài, đơn vị đang gấp rút xây dựng khu điều trị mới với các phòng, giường bệnh, trang thiết bị đạt chuẩn để phục vụ nhu cầu người bệnh.

* Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế:

Tránh phân biệt đối xử

Thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, do đó nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng. Điều này đòi hỏi các cơ sở KCB phải thay đổi theo hướng đa dạng các loại dịch vụ, trong đó có giường bệnh dịch vụ với nhiều khung giá theo quy định để người bệnh có sự lựa chọn.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác liên quan đến tự chủ bệnh viện. Trong 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB, việc trả lương cho bác sĩ, nhân viên y tế thuộc trách nhiệm của bệnh viện, Nhà nước không còn chi như trước. Do vậy, thông qua triển khai các loại hình dịch vụ sẽ giúp bệnh viện có nguồn trả lương cho nhân viên y tế, đồng thời tái đầu tư cơ sở vật chất.

Nhưng muốn đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh, bệnh viện phải có dịch vụ đa dạng, chất lượng hơn. Như phòng dịch vụ, quy định phải thiết kế ở khu vực riêng, có diện tích đúng chuẩn. Giường bệnh theo yêu cầu là vấn đề được bàn luận lâu nay. Đã đến lúc dịch vụ này phải được đưa vào quy củ, có tiêu chuẩn, tránh giá mỗi nơi khác nhau trong khi chất lượng không tương xứng, gây thiệt thòi cho người bệnh.

Có điều cần khẳng định dù chi phí giường nằm dịch vụ của bệnh nhân có khác nhau, tất cả phác đồ điều trị đều phải giống nhau, không có sự phân biệt giàu hay nghèo, khám thường hay dịch vụ.

* Bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Y tế TP.HCM:

Không được ưu tiên cho dịch vụ

Có một thực tế là các bệnh viện công chật chội trong khi nhu cầu giường dịch vụ lại rất lớn. Từ đó có bệnh viện lập phòng dịch vụ kê 7-8 giường. Dịch vụ mà phòng nhiều giường còn gì là dịch vụ. Bởi vậy cần một chuẩn, và Bộ Y tế mới quy định lại chỉ tối đa 4 giường.

Để đáp ứng tiêu chuẩn này, số giường dịch vụ ở bệnh viện công sẽ giảm lại, đương nhiên người bệnh phải chịu thêm khoản chi phí. Đổi lại, họ được hưởng những tiện ích tương ứng số tiền bỏ ra.

Cần hiểu rằng quy định tiêu chuẩn giường bệnh dịch vụ không có nghĩa các bệnh viện được phép "bóp" các giường thường để chuyển qua dịch vụ. Nguyên tắc là bệnh viện phải đảm bảo số giường bệnh theo kế hoạch KCB cho bệnh nhân BHYT, sau đó mới tính đến làm dịch vụ, cần thiết có thể đầu tư xây dựng một khu vực độc lập.

Khi Bộ Y tế ban hành chuẩn dịch vụ, đó là hành lang pháp lý để cơ sở KCB thực hiện. Cơ quan chức năng dựa vào đó để giám sát, xác định đúng sai, qua đó bảo vệ quyền lợi của người dân. Việc giám sát chủ yếu thông qua giá và cơ sở vật chất. Về giá, phải có bảng kê khai báo cáo về Sở Y tế. Cơ sở KCB cũng phải có phiếu thu thập ý kiến của người bệnh khi ra viện, các phản ảnh là căn cứ để sở giám sát nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.

* Chị Mai Thị Hương - 30 tuổi, ngụ Đồng Nai:

Không chấp nhận dịch vụ dưới chuẩn

Tôi sinh mổ hai lần, đều nằm phòng dịch vụ có 2 giường ở một bệnh viện phụ sản lớn tại TP.HCM, giá 1,2 triệu đồng/ngày/giường. Khu dịch vụ được bố trí riêng, rộng rãi, phòng trang bị đủ tiện nghi sinh hoạt, vệ sinh phòng sạch sẽ.

Nhưng phải thừa nhận là không phải ai cũng có điều kiện để dùng dịch vụ. Nhu cầu của bệnh nhân sử dụng BHYT là rất lớn. Để tránh bức xúc từ xã hội là có sự phân biệt, các bệnh viện phải đáp ứng nhu cầu KCB chung của người bệnh rồi mới tính đến làm dịch vụ. 

Cần ngăn chặn xu hướng lạm dụng dịch vụ, nếu không sẽ dẫn đến sự bức xúc, thiếu sự đồng thuận trong xã hội, khó mà phát triển các dịch vụ như bệnh viện mà người dân mong muốn. Chưa kể nhiều nơi gắn tên phòng dịch vụ nhưng chất lượng lại dưới chuẩn.

Bệnh viện công chạy theo dịch vụ, sao nhãng bệnh nhân BHYT? - Ảnh 3.
Khi bệnh viện công tự Khi bệnh viện công tự 'làm mới': Bệnh nhân đông hơn, bác sĩ đỡ nghèo đi

TTO - Trước khi bốn bệnh viện (BV) tuyến trung ương thí điểm mô hình tự chủ, đã có nhiều BV tuyến tỉnh, quận huyện thực hiện mô hình này và nhiều BV trong số đó đã thành công: lượng bệnh nhân đông hơn và thu nhập của cán bộ y tế tăng lên đáng kể.

HOÀNG LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên