29/07/2019 08:03 GMT+7

Bệnh viện công có thể thu 4 triệu đồng/ngày giường?

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Các bệnh viện công có thể thu tiền khám bệnh mỗi lượt tối đa 500.000 đồng và 4 triệu đồng/ngày đêm theo yêu cầu.

Bệnh viện công có thể thu 4 triệu đồng/ngày giường? - Ảnh 1.

Bệnh nhân được điều trị tại phòng VIP ở bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau 2 năm định ra rồi lại hoãn, Bộ Y tế vừa ký ban hành thông tư hướng dẫn mức thu phí dịch vụ y tế theo yêu cầu, có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-10 tới.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết:

- Về nguyên tắc, giá dịch vụ y tế theo yêu cầu vẫn theo quy định của Bộ Tài chính, với 2 cách tính toán là cách tính theo phương pháp so sánh với mức giá tương tự của mặt bằng chung, thứ 2 là phương pháp tính theo chi phí, tiền điện, nước, thuốc men, chi phí quản lý, khấu hao và tích lũy.

* Với cách tính này, chi phí khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ như thế nào, thưa ông?

- Theo cách tính này, mức trần Bộ Y tế quy định là 500.000 đồng/lượt khám theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt là hạng 1 tuyến trung ương, hạng kế tiếp là 400.000 đồng/lượt khám.

Giường bệnh loại 1 là loại phòng đơn (1 giường bệnh/phòng, có khu tiếp khách riêng) là 4 triệu đồng/ngày đêm.

Mức phí này chưa bao gồm phí mời chuyên gia, nếu mời chuyên gia thì bệnh nhân và bệnh viện có giá thỏa thuận. Mức giá này cũng gắn với chất lượng dịch vụ, yêu cầu bệnh viện phải tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam về tổ chức phòng khám, hạ tầng, cơ sở vật chất...

Bệnh viện công có thể thu 4 triệu đồng/ngày giường? - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên

* Thưa ông, lâu nay bệnh viện công sử dụng trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, nhà cửa do Nhà nước đầu tư, nhưng dịch vụ theo yêu cầu lại thu "túi riêng" của bệnh viện, vậy có đúng quy định? Có nên rành mạch các nguồn đầu tư này?

- Các vấn đề đã có quy định. Nếu bệnh viện sử dụng phần cơ sở vật chất, thiết bị do Nhà nước đầu tư thì phải tính toán và hoàn lại Nhà nước theo tỉ lệ, khoản đó sẽ dành cho đầu tư phát triển.

Trước đây cũng quy định về tỉ lệ, bệnh viện chỉ được dành bao nhiêu giường bệnh cho hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thôi, nhưng hiện nay bệnh viện phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, nghĩa là có 500 giường kế hoạch thì phải tiếp nhận bệnh nhân, khám và điều trị đúng theo số giường kế hoạch đã có, sau đó mới bắt đầu dành giường bệnh cho khối dịch vụ theo yêu cầu.

Quy định vừa ban hành cũng yêu cầu lộ trình, bệnh viện nào chưa đạt các yêu cầu về chất lượng phòng bệnh theo yêu cầu, ví dụ như phòng kém chất lượng, ẩm mốc, có rêu... thì phải sửa chữa, nâng cấp trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, khi nào đạt tiêu chuẩn mới được thu mức phí theo yêu cầu, nếu không thì giữ nguyên hiện trạng.

Một vấn đề nữa để minh bạch, rành mạch phần Nhà nước đầu tư và phần liên doanh, liên kết theo yêu cầu, là nếu bệnh viện sử dụng cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư để làm dịch vụ theo yêu cầu thì chỉ được thu phí theo mức trần của Bộ Y tế, còn nếu muốn thu thêm thì phải vay vốn để đầu tư riêng. Còn nếu bệnh viện muốn tận dụng thì sẽ bị khống chế viện phí, kể cả đó là dịch vụ theo yêu cầu.

* Nhưng ai sẽ kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ theo yêu cầu, tránh tình trạng dịch vụ chất lượng kém mà giá cao, thưa ông?

- Hiện nay hầu hết các bệnh viện là tự chủ tài chính, nếu cứ làm như trước, lương cán bộ y tế "3 cọc 3 đồng" thì họ ra tư nhân hết. Cơ sở y tế công không thu hút được bác sĩ giỏi. Nay mở ra dịch vụ theo yêu cầu cũng là để bệnh viện khang trang hơn, thu hút nhóm bệnh nhân sẵn sàng chi trả nếu không họ sẽ đi khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Hơn nữa, nghị quyết 20 đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu mở gói bảo hiểm bổ sung, như hiện nay chúng ta đóng bảo hiểm y tế 4,5% lương cơ bản thì các dịch vụ cũng là cơ bản, nhưng khi phí bảo hiểm tăng lên thì gói chi trả cũng tăng lên.

Hiện hầu hết các dịch vụ này do các hãng bảo hiểm thương mại bán và quản lý, nhưng khi Bảo hiểm xã hội mở gói phí này thì nhiều người có khả năng mua và sử dụng dịch vụ theo yêu cầu hơn. Còn việc đánh giá, kiểm định thì hiện Bộ Y tế có đoàn đi hằng năm, sẽ đánh giá chất lượng dịch vụ. Mở rộng dịch vụ theo yêu cầu cũng là cơ hội để mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam khám chữa bệnh, đặc biệt là chuyên gia Cuba và Nhật.

* Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng bệnh viện công sử dụng cơ sở vật chất công để thu lời?

- Quy định về quản lý tài sản công và nghị định 151 liên quan đến việc này đã cho phép, vì đều đã có quy định liên quan. Trước đây không có quy định về phí y tế theo yêu cầu thì mỗi bệnh viện một mức giá, giá bao gồm những gì, tiêu chuẩn ra sao cũng không có quy định.

Như có bệnh viện thu gần 700.000 đồng/lượt khám theo yêu cầu mà người sử dụng vẫn khen do họ có nhu cầu dùng loại dịch vụ chất lượng cao. Đây cũng là đáp ứng nhu cầu của người có khả năng chi trả và cũng góp phần "kéo ngược" những người muốn/phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Có quy định về phí sẽ đỡ lộn xộn

Mức phí dịch vụ y tế theo yêu cầu hiện tại phổ biến 300.000-700.000 đồng/lượt khám. Phí giường bệnh 1-6 triệu đồng/ngày đêm tùy loại phòng đơn, phòng đôi hay 4 người bệnh/phòng.

Mức phí mới sẽ áp dụng từ 1-10 tới, theo đó, các cơ sở y tế tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ mức phí y tế yêu cầu của một số dịch vụ cao hơn 20-30% so với dịch vụ cùng loại ở các tỉnh, thành khác.

Nhiều bệnh viện công các tỉnh đến ngày hội việc làm "săn" bác sĩ Nhiều bệnh viện công các tỉnh đến ngày hội việc làm 'săn' bác sĩ

TTO - Điểm lạ tại ngày hội việc làm tổ chức sáng nay (21-4) tại Trường đại học Y dược Cần Thơ là có khá đông lãnh đạo các bệnh viện công, sở y tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ đến tìm kiếm, tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên