21/02/2017 09:02 GMT+7

Bệnh trái mùa tăng đột biến ở miền Tây

T.LŨY - M.TRƯỜNG
T.LŨY - M.TRƯỜNG

TTO - Mùa khô năm 2017 này, nhiều bệnh trái mùa xuất hiện cùng lúc do sự biến đổi về thời tiết khiến nhiều người lơ là trong việc phòng bệnh.

*** Error ***
Nhiều bệnh trái mùa xuất hiện cùng lúc do sự biến đổi về thời tiết - Ảnh: Mậu Trường

Thông thường các loại bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng... ít gặp trong những ngày đầu năm. Những bệnh này chỉ thường gặp trong mùa mưa.

Bệnh trái mùa tăng trên 20%

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, những ngày qua lượng bệnh nhi đến khám và điều trị các loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp... đều tăng so với cùng kỳ 2016. Ghi nhận tại khoa khám cho thấy từ đầu năm đến nay bệnh viện này có 12.467 ca tiêu chảy, 498 ca sốt xuất huyết, 2.472 ca tay chân miệng đến khám điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Đức Trí - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện - cho biết hầu hết các loại bệnh đều tăng so với cùng kỳ, tiêu chảy cấp tăng 20%, sốt xuất huyết và tay chân miệng cũng tăng lên đến 23%.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết hiện khoa có nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp nặng... nhập viện, đó là điều khác thường so với những năm trước đây.

Bệnh trái mùa đang có diễn biến bất thường tại khoa hồi sức tích cực là bệnh tay chân miệng. Nhiều trường hợp nặng do gia đình không biết con em mình mắc bệnh này, đến khi trở nặng mới đến bệnh viện.

Nhiều trẻ phải nằm hành lang

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Các giường bệnh đều chật kín chỗ, có những thời điểm tại khoa nhi bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang, một giường hai trẻ nằm.

Ngày 16-2, bác sĩ Đỗ Quang Thành - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang - cho biết chỉ tính từ 1-1 đến 16-2-2017 có 88 ca sốt xuất huyết, tăng 18 ca so với cùng kỳ.

Không nên chủ quan với bệnh trái mùa

Ngày 15-2, tại khoa hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận bé T.T.T. (18 tháng tuổi, ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, có biến chứng cao huyết áp. Sau đó bé được điều trị tích cực, truyền thuốc Gammaglobulin (mỗi liều điều trị có giá đến chục triệu đồng), thở máy.

Hiện tình trạng bé đã hết sốt, ổn định huyết áp, hết thở máy và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đây, thời điểm dịch bệnh tay chân miệng cao điểm xảy ra từ tháng 5 đến tháng 11. Tuy nhiên, năm nay bệnh xuất hiện vào những tháng mùa khô nên ít người cảnh giác. Nhiều trường hợp do gia đình không nghĩ đến việc con em mình mắc bệnh sốt xuất huyết hay tay chân miệng, cứ nghĩ là cảm sốt thông thường nên tự điều trị, dẫn đến nhiều bệnh nhi đến bệnh viện trễ, tình trạng bệnh rất nặng.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ, hiện nay tại khoa hồi sức tích cực đang điều trị cho bé N.L.N.Y. (4 tuổi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Bé Y. được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tình trạng suy đa cơ quan (thận, gan), hiện bé đang được điều trị tích cực, thở máy nhưng vẫn còn rất nặng, tiên lượng dè dặt.

Trước đó, bé Y. đã bị sốt cao liên tục, nhưng gia đình không nghĩ bé bị sốt xuất huyết nên đưa đi khám và mua thuốc uống ở gần nhà, đến lúc bé bị sốc nặng do sốt xuất huyết mới được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do virút Dengue từ muỗi vằn truyền sang người. Trước đây bệnh thường gặp nhiều vào mùa mưa (từ tháng 5 trở đi), nhưng hiện nay vẫn xảy ra nhiều ở mùa khô.

Bệnh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, gây tử vong...

Trong giai đoạn đầu khởi bệnh thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt siêu vi, tay chân miệng... nên phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh của trẻ để có hướng chăm sóc thích hợp hay đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế kịp thời.

TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ):

Ngành y tế cần có kế hoạch cho các mùa

Biến đổi khí hậu đã làm thời tiết không còn theo quy luật hai mùa mưa nắng như trước đây nữa mà theo hướng bất thường: mùa nắng vẫn có những cơn mưa “khổng lồ” và mùa mưa cũng có nắng hạn. Vì vậy, cần thay đổi tư duy cho thích hợp.

Như ngành y tế trước đây chỉ lên kế hoạch phòng ngừa bệnh vào mùa mưa thì bây giờ phải khác đi, có kế hoạch cho cả mùa nắng bởi như trên đã nói.

Những cơn mưa lớn trái mùa cũng có thể làm sinh sản muỗi và khiến con người mắc phải nhiều bệnh do thời tiết.

C.QUỐC

Bệnh đường hô hấp tăng mạnh ở Sóc Trăng

Theo bác sĩ Hồng Tuấn Hòa, phó giám đốc Bệnh viện chuyên khoa sản - nhi tỉnh Sóc Trăng, số lượng bệnh nhân trong thời gian gần đây đến khám và điều trị tăng đáng kể, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Từ tháng 1-2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú 870 ca thì có đến 87% bệnh liên quan đến đường hô hấp. Còn khám ngoại trú cũng vậy, trong số 4.800 ca có gần 50% trường hợp liên quan đến đường hô hấp. Theo bác sĩ Hòa, nguyên nhân là do thời tiết vừa qua diễn biến bất thường, xuất hiện mưa trái mùa và các đợt không khí lạnh, khiến bệnh đường hô hấp tăng mạnh. KHẮC TÂM

T.LŨY - M.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên