02/07/2019 11:30 GMT+7

Bệnh tinh hồng nhiệt

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tinh hồng nhiệt là bệnh nhiễm trùng cấp ở amygdales, da và các vị trí khác của cơ thể do một chủng streptococcus nhóm A beta-tan máu sản xuất ngoại độc tố gây ra.

Bệnh tinh hồng nhiệt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: nhs.uk

Tinh hồng nhiệt (Scarlet Fever, Scarlatina) là bệnh nhiễm trùng cấp ở amygdales, da và các vị trí khác của cơ thể do một chủng streptococcus  nhóm A beta-tan máu (GABHS) sản xuất ngoại độc tố gây ra.

- Bệnh thường đi kèm với phát ban đỏ do nhiễm độc điển hình.

- Sự sản xuất độc tố tùy thuộc vào khả năng thực bào vi trùng của cơ thể. Những bệnh nhân đã từng phơi nhiễm với độc tố sẽ có kháng thể kháng độc tố để trung hòa. Ở họ, hội chứng tinh hồng nhiệt do đó sẽ không thể phát triển. Nhiều chủng streptococcus  nhóm A (GABHS) có thể gây nhiễm, do đó về lý thuyết vẫn có thể mắc tinh hồng nhiệt lại lần thứ 2.

- Một số chủng  S. aureus cũng tổng hợp được ngoại độc tố, và có thể gây ra phát ban giống tinh hồng nhiệt.

Triệu chứng

- Phát ban là triệu chứng nổi bật của bệnh tinh hồng nhiệt. Ban thường khởi phát giống tình trạng da bị cháy nắng với các vết sẩn rất nhỏ, có thể gây ngứa.

- Sẩn thường xuất hiện đầu tiên ở cổ và mặt, chừa lại một khoảng da bình thường quanh miệng. Ban phát xuống ngực và lưng rồi lan ra toàn thân.

- Ngoài phát ban còn một số triệu chứng khác giúp củng cố chẩn đoán tinh hồng nhiệt bao gồm viêm họng đỏ, sốt trên 38,5 độ C, sưng hạch cổ. Amygdan và vùng hầu họng có thể có lớp trắng bao phủ, hoặc sưng đỏ, lấm tấm các đốm mủ trắng hay vàng đục.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau đây:

- Biến chứng phá thai.

- Dị ứng thuốc;.

- Viêm da bong vảy ( Exfoliative Dermatitis ).

- Ban đỏ nhiễm trùng (Erythema Infectiosum ).

- Sởi ( Measles, Rubeola ).

- Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn ( Mononucleosis).

- Đỏ da nhiễm độc ở trẻ em ( Pediatric Erythema Toxicum ).

- Bệnh Kawasaki ở trẻ em ( Pediatric Kawasaki Disease ).

- Viêm hầu họng ở trẻ em ( Pediatric Pharyngitis ).

- Viêm phổi ở trẻ em ( Pediatric Pneumonia ).

- Pityriasis Rosea.

- Bệnh Rubella.

- Hội chứng viêm da bong vảy do tụ cầu ( Staphylococcal Scalded Skin Syndrome).

- Hội chứng sốc nhiễm độc ( Toxic Shock Syndrome ).

Xét nghiệm

- Cấy họng;.

- Cấy máu;.

- Công thức máu (bạch cầu 12.000-16.000/μL, chủ yếu là bạch cầu đa nhân).

- Các thử nghiệm hiệu giá kháng thể Streptococcus như antideoxyribonuclease B (ADB) và antistreptolysin O (ASO) được dùng để xác định tình trạng đã nhiễm streptococcus nhóm A trước đó.

Điều trị

Mục tiêu điều trị:

- Phòng tránh thấp khớp cấp.

- Giảm sự lây lan của nhiễm trùng.

- Phòng tránh viêm cầu thận sau nhiễm streptococcus và các di chứng hóa mủ (viêm hạch, viêm xương chũm, viêm xoang sàng, abscess, viêm mô tế bào).

- Rút ngắn quá trình bệnh tật.

Điều trị bằng kháng sinh là chọn lựa đầu tiên.

Thuốc men

- Penicillin là thuốc được chọn dùng điều trị (chưa phát hiện các trường hợp kháng penicillin đối với streptococcus nhóm A).

- Có thể thay thế bằng một cephalosporin thế hệ 1 nếu người bệnh không dị ứng với penicillin.

- Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin, có thể điều trị thay thế bằng erythromycin.

- Cấy vi trùng và kháng sinh đồ cần được thực hiện nếu nghi ngờ vi khuẩn khác ngoài streptococcus.

- Sẩn tróc vảy theo sau thường tự giới hạn, có thể dùng các dung dịch làm mềm da và thuốc kháng histamin nếu cần.

- Cần nhập viện để truyền dịch và tiêm kháng sinh nếu nuốt đau nhiều vì viêm hầu họng do streptococcus.

Phòng tránh

- Bệnh tinh hồng nhiệt lây lan mạnh qua các tổn thương hở ở da, qua đường hô hấp, đường tiêu hóa;.

- Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly.

- Hiện chưa có vaccin kháng streptococcus nhóm A.

- Để hạn chế lây lan, chỉ nên cho bệnh nhân tinh hồng nhiệt  tái hòa nhập với cộng đồng 24 giờ sau khi đã điều trị bằng kháng sinh.


Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên