13/04/2021 17:12 GMT+7

Bệnh tay chân miệng ở Đồng Nai tăng 4-5 lần, nhiều ca trở nặng

A LỘC
A LỘC

TTO - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.800 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 4 - 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Bệnh tay chân miệng ở Đồng Nai tăng 4-5 lần, nhiều ca trở nặng - Ảnh 1.

Một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - Ảnh: B.A.

Trong đó, khoảng 40% là type EV71 có độc lực cao, nhiều ca biến chứng trở nặng phải lọc máu liên tục. TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom là hai địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất, với gần 1.100 trường hợp.

Ghi nhận tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các bác sĩ đang tích cực điều trị cho 2 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng nặng, phải thở máy, lọc máu liên tục.

Cụ thể, bệnh nhi V.Đ.K. (18 tháng tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ) nhập viện tối 11-4 trong tình trạng sốt cao, giật mình nhiều, nôn nhiều, bắt đầu tổn thương tim, não. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, truyền thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng, cho bệnh nhân thở máy, chống phù não và lọc máu liên tục… Sau 2 ngày, sức khỏe của bệnh nhi đã được cải thiện.

Tương tự, bệnh nhi N.H.T.T. (8 tháng tuổi, ngụ huyện Long Thành) cũng đang được điều trị tại khoa. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, liệt nửa người bên trái… Đến nay sức khỏe của bệnh nhi đã tốt hơn.

Theo CDC Đồng Nai, nguyên nhân số ca bệnh tay chân miệng tăng mạnh do năm nay nằm trong đỉnh chu kỳ 4 - 5 năm. Không chỉ Đồng Nai, mà các tỉnh tại khu vực phía Nam cũng tăng 4 - 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Nguy cơ dịch bùng phát rất cao trong thời gian tới.

Một nguyên nhân khác do lượng trẻ trong độ tuổi đến trường mầm non năm nay tăng nhiều (sinh năm 2019) hơn các năm trước. Khi trẻ đến trường tiếp xúc với bạn bè dễ khiến bệnh tay chân miệng lây lan cho nhau.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt, trẻ dưới 3 tuổi thường bị nặng gây tổn thương phổi, tim, não, liệt chi.

Các trẻ bị tay chân miệng nặng có dấu hiệu khá kín đáo, ít nổi bóng nước, loét miệng như thông thường nên rất khó phát hiện, trong khi bệnh diễn tiến xấu rất nhanh.

Vì vậy, cha mẹ khi phát hiện trẻ sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, giật mình hoặc đi đứng chới với, run tay… cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp bệnh chuyển biến xấu, vừa khó điều trị vừa tốn kém.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên