20/08/2024 14:00 GMT+7

Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi, dự kiến từ ngày 24-8

TP.HCM đang triển khai các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng, như chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi bất kể tiền sử tiêm chủng, dự kiến bắt đầu từ ngày 24-8.

Đang giao lưu trực tuyến: Bệnh sởi tăng mạnh, làm gì để bảo vệ trẻ? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng sởi là một trong những biện pháp bảo vệ trẻ hiệu quả trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp - Ảnh: THU HIẾN

Số ca mắc bệnh sởi đang tăng mạnh, diễn biến phức tạp. Đây là bệnh lây lan nhanh nên nhiều người lo lắng. Làm gì để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bùng phát dịch?

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến nay, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác.

So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Tại TP.HCM, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đầu năm 2024, TP không ghi nhận ca sởi dương tính nào. Nhưng từ ngày 23-5 đến 11-8, tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi.

Hầu hết trẻ được làm xét nghiệm, phát hiện 346 ca dương tính, trong đó TP.HCM có 153 ca, chiếm 50%, còn lại là tại các tỉnh đến khám và điều trị. Đáng nói, từ năm 2021 đến 2023, toàn TP chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng bệnh sởi do các đơn vị y tế trên địa bàn TP cho thấy tỉ lệ có kháng thể phòng bệnh sởi ở trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi chỉ đạt 86%. Trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi thì tỉ lệ phải trên 95%. Do vậy nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất lớn.

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ người nào không có miễn dịch (không được tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng nhưng không phát triển miễn dịch) đều có thể bị nhiễm bệnh.

Đang giao lưu trực tuyến: Bệnh sởi tăng mạnh, làm gì để bảo vệ trẻ? - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin phòng sởi là một trong những biện pháp bảo vệ hiệu quả trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể gây ra những biến chứng như: mù lòa, viêm não, tiêu chảy nặng và mất nước liên quan, nhiễm trùng tai và các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng gồm viêm phổi…

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, Sở Y tế TPHCM đã khẩn trương chỉ đạo triển khai 2 nhóm giải pháp quan trọng giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sởi. Đó là nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin sởi và nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ.

Nhằm giải đáp các thắc mắc của bạn đọc cũng như tìm hiểu rõ hơn về các nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức sự kiện Talkshow kết hợp giao lưu trực tuyến "Bệnh sởi: Hiểu để phòng và điều trị kịp thời".

Đang giao lưu trực tuyến: Bệnh sởi tăng mạnh, làm gì để bảo vệ trẻ? - Ảnh 3.

Toàn cảnh giao lưu trực tuyến "Bệnh sởi: Hiểu để phòng và điều trị kịp thời" diễn ra chiều 21-8 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự kiện có sự tham gia của các khách mời:

- Bác sĩ CK2 Vũ Quỳnh Hoa, phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM.

- ThS.BS Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).

- Bác sĩ CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.

- Bác sĩ CK1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC. 

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có câu hỏi xung quanh chủ đề này có thể gửi tới các khách mời ở ô bên dưới. Câu trả lời sẽ được cập nhật trên tuoitre.vn từ 15h chiều 21-8, mời bạn đọc đón xem.

Đặt câu hỏi đến
Gửi câu hỏi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên