Xuất hiện ổ dịch nhiễm não mô cầu
Phóng to |
Bác sĩ Lê Bửu Châu - trưởng khoa nhiễm B, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - thăm khám bệnh nhân P.V.C. nhiễm trùng huyết do não mô cầu (ảnh chụp sáng 9-1 tại khoa nhiễm B) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ngày 20-12-2011 một công nhân của Công ty Furukawa (FAPV) - Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7 đã bị nhiễm não mô cầu, đến ngày 30-12-2011 lại thêm một công nhân mắc bệnh nữa. Hai công nhân này được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Hiện một ca đã xuất viện, một ca đang nằm điều trị tại khoa nhiễm B của bệnh viện. Đến ngày 6-1, Trung tâm Y tế dự phòng quận 7, TP.HCM tiếp tục phát hiện thêm ba công nhân tại công ty này nhiễm não mô cầu, nâng tổng số những người mắc bệnh tại công ty này là năm công nhân.
Lây qua đường hô hấp
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết chiều 9-1, đại diện Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP, phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Y tế dự phòng Q.7 đã đến Công ty Furukawa (có 6.000 nhân công) khảo sát tình trạng vệ sinh và hướng dẫn kế hoạch phòng chống dịch nhiễm não mô cầu. Môi trường làm việc của công ty khép kín, sử dụng máy lạnh trung tâm nên nguy cơ lây bệnh cao. |
Theo ThS.BS Lê Bửu Châu, trưởng khoa nhiễm B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, não mô cầu là bệnh truyền nhiễm ít gặp. Trong cả năm 2011 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chỉ tiếp nhận điều trị cho hai ca bệnh trên. Dù ít gặp nhưng nếu xuất hiện ca bệnh thì bệnh có khả năng phát triển thành dịch vì dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 36 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên 14-20 tuổi. Bệnh hay xảy ra và lan rộng tại các tập thể đông đúc ở thành thị hơn nông thôn.
Vi trùng não mô cầu khi thâm nhập cơ thể có thể đi đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây bệnh ở đó. Não mô cầu có nhiều thể bệnh như viêm họng do não mô cầu, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, viêm màng não do não mô cầu... Ở mỗi thể khác nhau, triệu chứng của người bệnh cũng biểu hiện khác nhau... Thể thường gặp nhất của bệnh là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ.
Nhiễm trùng huyết do não mô cầu có ba thể là nhiễm trùng huyết cấp, tối cấp và mãn tính. Trong ba thể này, thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết thể cấp, sau đó là thể tối cấp, còn thể mãn tính rất hiếm gặp. Người bệnh nhiễm trùng huyết thể cấp thường khởi bệnh đột ngột, sốt cao 39-40OC, ớn lạnh, rét run nhiều lần, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, thở nhanh, huyết áp có thể thấp.
Triệu chứng phân biệt bệnh não mô cầu với những bệnh khác chính là tử ban (mảng xuất huyết có hoại tử ở trung tâm), tử ban này lan nhanh về số lượng cũng như kích thước. Khi tử ban lan nhanh, người bệnh cần thận trọng vì có thể sẽ rơi vào thể tối cấp. Nhiễm trùng huyết tối cấp chỉ chiếm 10-20% các trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Người mắc thể này diễn tiến bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ dẫn đến tình trạng suy hô hấp, sốc phổi và tử vong.
Triệu chứng ban đầu có thể như thể nhiễm trùng huyết cấp, nhưng những triệu chứng nặng sẽ xuất hiện rầm rộ trong 12 giờ. Tử ban xuất hiện sớm và lan tràn rất nhanh về số lượng cũng như kích thước. Những trường hợp nhiễm trùng huyết tối cấp có tỉ lệ tử vong rất cao. Thể mãn tính thì ít gặp. Trong bệnh nhiễm não mô cầu có thể nhiễm trùng huyết đơn thuần hoặc thể nhiễm trùng huyết kèm theo viêm màng não mủ.
Triệu chứng viêm màng não do não mô cầu lúc khởi bệnh rất khó phân biệt với trường hợp nhiễm trùng toàn thân. Tuy nhiên trên một số bệnh nhân, bên cạnh biểu hiện nhiễm trùng huyết và tử ban, dấu hiệu viêm màng não nổi bật với độ nặng gia tăng dần như sốt, ói, nhức đầu, rối loạn tri giác (mê sảng), biểu hiện dấu thần kinh khu trú như yếu, liệt, co giật.
Cách ly người bệnh
Cách phòng ngừa chung là ngăn ngừa sự lây lan cho người khác qua đường hô hấp. Nguy cơ lây bệnh cao nhất thường ở trong tuần lễ đầu tiên khi tiếp xúc với người bệnh. Trong gia đình hoặc một tập thể có người mắc bệnh, cần xét nghiệm vi sinh tất cả người còn lại. Cách ly những người bị viêm họng mũi và điều trị tích cực cho đến khi xét nghiệm không thấy vi khuẩn. Ngoài ra, cần sắp xếp chỗ ngủ cách nhau ít nhất 1,5m, phân tán nhỏ những tập thể quá đông. Người bệnh cần được cách ly ở bệnh viện chuyên khoa nhiễm. Sau thời gian điều trị cần xét nghiệm sạch trùng mới được xuất viện để tránh lây lan cho những người khác trong cộng đồng.
Đối với những tập thể có nguy cơ mắc bệnh cao, khi có dịch có thể uống thuốc phòng bệnh sớm. Tuy nhiên, bác sĩ Châu cũng lưu ý không phải thấy có người trong gia đình, công ty nhiễm bệnh mà mọi người hoảng sợ muốn uống thuốc dự phòng, chỉ những người tiếp xúc thật gần với người bệnh mới cần uống thuốc.
Đã có thuốc chủng ngừa nhiễm não mô cầu các nhóm A, C, Y, W-135. Riêng nhóm B chưa có thuốc chủng ngừa.
Đừng nhầm với sốt xuất huyết Bệnh nhân mắc bệnh nhiễm não mô cầu trong những ngày đầu nhập viện có thể dễ được chẩn đoán nhầm với bệnh sốt xuất huyết vì bệnh cũng có chấm đỏ ở trên da. Nhưng những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tới ngày thứ 3-4 mới có xuất huyết còn người bệnh mắc bệnh nhiễm não mô cầu chỉ đến ngày thứ nhất, thứ hai có thể đã thấy những tử ban và lan ra rất nhanh, kích cỡ không chỉ nhỏ như hồng ban của bệnh sốt xuất huyết mà có xu hướng lớn hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận