Thời gian qua, tình hình sức khỏe của Kasim Hoàng Vũ được khán giả và đồng nghiệp quan tâm. Nam ca sĩ chia sẻ mình mắc bệnh liên quan đến xương hàm, sau đó phải phẫu thuật nang xương ở hàm và cổ dẫn đến gương mặt khác lạ so với trước đây.
Những hình ảnh được nam ca sĩ và đồng nghiệp chia sẻ cũng cho thấy một phần cằm của anh đã bị biến dạng.
Chia sẻ về căn bệnh mà nam ca sĩ này gặp phải, TS.BS Tống Hải, chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), cho biết nhìn qua hình ảnh của Kasim Hoàng Vũ có thể thấy chức năng nửa mặt bị xệ, teo nhẹ vùng góc hàm, môi lệch, sẹo vùng quanh cằm co kéo gây ảnh hưởng giải phẫu vùng cằm.
Theo TS Hải, nam ca sĩ có thể mắc bệnh viêm khớp xương hàm, đây là bệnh lý rối loạn khớp hàm cùng các cơ mặt xung quanh làm xuất hiện các cơn đau theo chu kỳ, các cơn co thắt cơ, tình trạng mất cân bằng ở khớp nối phần xương hàm với xương sọ…
Khớp xương hàm bị suy giảm chức năng khiến sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng xấu.
Một bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt khác nhận định kỹ hơn về bệnh lý này. Theo bác sĩ, do chưa được thăm khám và đọc bệnh án của bệnh nhân, bác sĩ cho rằng có nhiều bệnh lý dẫn đến tình trạng như ca sĩ Kasim Hoàng Vũ.
"Ở đây bệnh nhân trải qua phẫu thuật, có nhiều di chứng và tổn thương, phẫu thuật lấy đi nhiều mô và xương cùng tổn thương có thể là nhóm bệnh ung bướu, hoặc bệnh lý sau chấn thương hay viêm nhiễm ác tính" - bác sĩ này nói.
Các bệnh lý cụ thể có thể dẫn đến tình huống này là bệnh lý nhiễm trùng sau tai nạn vùng hàm mặt, bệnh lý bướu xương hay bướu tuyến mang tai...
Về chia sẻ của bệnh nhân về bệnh lý mắc phải là viêm khớp xương hàm, bác sĩ cho rằng nguyên nhân dẫn đến bệnh có thể là sau chấn thương vùng hàm mặt, thói quen há miệng quá lớn… Tuy nhiên nếu viêm khớp xương hàm không gây tình trạng nặng nề như hình ảnh trên truyền thông những ngày qua.
Còn theo TS Hải, nếu là bệnh viêm khớp xương hàm thì không nguy hiểm. Người bệnh cần khám đúng chuyên khoa để tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh.
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ có cách điều trị chuyên sâu khác nhau.
Về nội khoa, bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ… Về vật lý trị liệu có thể chiếu tia hồng ngoại, massage, xoa bóp cho cơ, chườm nóng để hỗ trợ điều trị. Một số trường hợp được chọc rửa khớp.
Về ngoại khoa, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nha khoa như chỉnh hình khớp cắn, phục hồi răng hoặc phẫu thuật tại khớp (mổ mở, hay nội soi) thay thế các tổn thương tại khớp, phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp…
Việc phẫu thuật có thể để lại các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương vĩnh viễn hàm, tổn thương các cấu trúc lân cận như tuyến nước bọt mang tai, dây thần kinh 7 (gây liệt nửa mặt, xệ bên mặt, khó đánh răng, khó ăn, chảy nước dãi...).
Triệu chứng của bệnh bao gồm đau nhức một bên hoặc cả hai bên hàm, đau hơn khi nhai hoặc khi cử động hàm. Khi nhai, người bệnh có thể thấy có tiếng động lục cục phát ra, há miệng khó khăn.
Bệnh nặng có thể gây đau liên hồi, người bệnh mệt mỏi, nhức, sưng tại vùng hàm bị viêm. Tình trạng viêm nặng có thể kéo theo đau răng, đau tai, đau đầu, chóng mặt…
Nếu phát hiện muộn, bệnh có thể dẫn đến viêm khớp, thoái hóa, gãy khớp, cứng khớp..., cần được phẫu thuật. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng nguyên nhân giúp khớp trở lại bình thường.
Phòng bệnh như thế nào?
Để phòng bệnh lý hàm mặt, điều dưỡng Nguyễn Thúy Din, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyên không cắn chặt răng, nghiến răng khi ngủ. Từ bỏ thói quen cắn móng tay. Vệ sinh răng miệng thường xuyên. Không ăn thức ăn quá cứng, quá dai.
Nếu có bệnh lý về răng hãy đi khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Khi có dấu hiệu của đau khớp xương hàm, hãy đến ngay cơ sở y tế khám và được hướng dẫn điều trị. Việc phòng tránh bệnh cũng vô cùng quan trọng, cần nâng cao nhận thức các hành vi liên quan có lợi cho sức khỏe bản thân.
Đặc biệt, các trường hợp bệnh nặng đã được bác sĩ chỉ định phẫu thuật phục hồi chức năng thì cần tuân thủ phương pháp điều trị, không tự ý điều trị tại nhà có thể làm bệnh tiến triển nặng thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận