Toàn cảnh pháo đài Rạch Cát - Ảnh: Quang Định
Pháo đài hơn trăm tuổi ở nơi này đang chờ được "đổi phận": trở thành một tiểu khu du lịch đặc biệt nằm trong hệ thống giao thông đường thủy Đông - Tây Nam Bộ.
Tuổi Trẻ là tờ báo đầu tiên được phép khảo sát và chụp ảnh khá chi tiết về pháo đài lừng danh này.
Qua cổng thời gian trăm năm
Sau đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua, cây cối khu vực xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (Long An) xanh tươi trở lại nhờ những cơn mưa lớn nối tiếp. Từ trung tâm thị trấn Cần Đước, chạy theo con đường tỉnh 826B chừng 20 phút, pháo đài cổ thấp thoáng.
Dẫu đã nhiều lần qua vùng "thủy tận" này, nhưng chúng tôi chỉ có thể dừng lại trầm trồ trước bức tường thành dài 84m, cao 5m với hàng lỗ châu mai đều tắp phía trên.
Khu vực này đến nay vẫn do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An quản lý, nên không ai được tùy tiện đi qua chiếc cổng duy nhất ở giữa bức tường thành, bên trên là con số 1910 được khắc rõ.
Khẩu pháo 138mm trong pháo đài
Hai cánh cửa thép dày 12cm vẫn lưu dấu tích chiến tranh với chi chít vết đạn găm. Các thanh cài, thanh kê còn nguyên, những bản lề to bằng bắp tay người lớn lắp khít và chắc chắn vào tường thành dày hơn nửa mét đá.
Qua khỏi cánh cửa, chúng tôi như bước về trăm năm trước. Bởi chỉ cách cánh cửa 4m là dãy phòng để trống, ngoài vài chỗ khung trần bị bóc vữa, hầu như tất cả đều vẹn nguyên hình hài, với 3 tầng chìm, 2 tầng nổi, phía trên tầng 5 là các cỗ pháo lớn, nơi thể hiện sức mạnh tấn công của pháo đài.
Một vị trí quân sự đặc biệt
Quãng thời gian hòa bình quý báu 45 năm qua đã làm biến đổi ít nhiều quang cảnh từng thấy trong những bức hình tư liệu, vốn cho thấy cả khoảng sông mênh mông phía đông nếu nhìn từ nóc đồn, cách chừng trăm mét, nay rừng đước đã vươn lên che khuất.
Theo tài liệu trong hồ sơ di tích đồn Rạch Cát, từng có hai khẩu pháo 605mm trên sân nóc của pháo đài, song đã bị quân Pháp lấy đi, nay chỉ còn hai mâm pháo bằng thép sơn nâu thẫm, đối xứng nhau, mỗi mâm có đường kính 6m, nhô cao, để lộ hai lỗ nòng pháo lớn, người lớn có thể cúi mình đi vào dễ dàng.
Tháp pháo xoay 360 độ
Hai khẩu pháo như hai mũi tên của cánh cung pháo đài Rạch Cát, nằm trong thiết kế từ khi người Pháp khảo sát, lên kế hoạch và bắt đầu xây dựng từ năm 1903. Đến nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II vẫn còn những văn bản qua lại giữa các chỉ huy quân đội Pháp lên kế hoạch để bắn thử nhiều lần hai khẩu pháo khổng lồ này từ các năm 1908-1914.
Với vị trí đắc địa ngay đầu nguồn sông Rạch Cát đi sâu vào phía nam Sài Gòn (nay thường gọi là sông Cần Giuộc), đầu nguồn sông Vàm Cỏ là lối lưu thông đường thủy chính từ hướng miền Tây lên và cách cửa sông Soài Rạp, Nhà Bè không xa, hai khẩu trọng pháo này có thể chặn được tất cả các tàu thuyền từ biển "bén mảng" đến miền Đông và miền Tây nước Việt.
Vết đạn chi chít trên cánh cửa thép của đồn Rạch Cát
Phần sân nóc đồn vẫn còn nguyên lớp gạch tráng men màu nâu thẫm. Hai mâm pháo bằng bê tông, cũng có đường kính 6m, vốn được Pháp xây thêm để chuẩn bị cho Thế chiến 2. Khi xây thêm hai mâm pháo này, quân Pháp còn xây thêm trụ để đặt thêm bảy khẩu pháo 75mm rải trên nóc đồn.
Nhưng sau năm 1945, các khẩu pháo 75mm này cũng đã bị mang đi, dấu tích chỉ còn những trụ nổi và cột ốc thép đặt pháo. Hai khẩu pháo 138mm dài hơn 4m vẫn còn nguyên vẹn, kê nòng thép trên thành mâm pháo bêtông. Đứng trên các mâm pháo nhìn ngược lại là thấy cả vùng đồng áng ấp Lộc Ninh, xã Long Hựu Đông yên ả.
Về kiến trúc, đây là công trình điển hình cho sự hoàn hảo, quy mô đồ sộ về nghệ thuật xây dựng công sự chiến tranh. Đồn được xây dựng như một hệ thống giao thông liên hoàn, có thể chi viện tối đa cho chiến đấu và dễ dàng ẩn nấp, rút lui khi chiến sự bất lợi.
Với bức tường thành kiên cố phía trước, đối phương khó lòng tiếp cận được mặt thành ở cự ly gần khoảng 500m. Đặc biệt, việc xây dựng với kết cấu là những lớp bêtông cốt thép dày theo hình trượt phía trên đồn có thể vô hiệu hóa các súng bắn thẳng từ mặt sông vào.
Đã qua hơn trăm năm, song đến nay toàn bộ kết cấu đồn Rạch Cát vẫn nguyên vẹn, đủ cho thấy độ bền vật liệu và kỹ thuật xây dựng minh chứng cho sự tập trung đầu tư của quân đội Pháp vào vị trí quân sự đắc địa này.
Cổng chính đồn Rạch Cát - Ảnh: Quang Định
Pháp còn cho xây một cầu tàu và đường ray để vận chuyển đồ trực tiếp từ bến cửa sông Rạch Cát vào đồn. Khu cầu tàu này cũng còn nguyên, dẫu lịch sử đã ghi nhận biết bao cảnh tang thương và tội ác của chế độ thực dân nơi bến nước này.
Đồn Rạch Cát cũng trải qua những thăng trầm theo lịch sử nước Việt khi bị phát xít Nhật chiếm đóng, rồi quân Pháp chiếm lại thành, từng là nơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập làm trại giam, đặt 12 khẩu pháo 75mm, làm cứ điểm truy quét từ chiến khu Rừng Sác đến toàn bộ vùng Cần Đước, Cần Giuộc…
"Ngoài cảnh quan thú vị đặc trưng vùng hạ nguồn sông Vàm Cỏ, nơi đây để lại rất nhiều bài học về lịch sử, nghệ thuật quân sự, địa lý… Từ thời nhà Nguyễn, khu vực này đã được xem như vị trí chiến lược về quân sự, với ba đồn đóng trên tuyến sông Soài Rạp" - ông Nguyễn Tấn Quốc, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Long An, nói.
Tiểu khu du lịch độc đáo
Lịch sử độc đáo và vị trí đặc biệt của đồn Rạch Cát là tiền đề quan trọng cho một ý tưởng phát triển du lịch của UBND tỉnh Long An. Chính quyền địa phương này vừa đưa ra dự án Khu sinh thái Đồn Rạch Cát để mời gọi các nhà đầu tư vào làm điểm du lịch.
Mong muốn đó từng được nêu ra nhiều năm qua song Long An chưa thu hút được nhà đầu tư nào do đây vẫn còn là đất quân sự.
Song theo ông Nguyễn Anh Dũng - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Long An, UBND tỉnh đã thỏa thuận được về vấn đề đất quốc phòng và có chủ trương đầu tư khoảng 26ha nơi đây làm du lịch. Tỉnh đã sẵn sàng thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện dự án.
Nơi đặt khẩu pháo 138mm (đã bị tháo dỡ)
Long An dự kiến biến nơi này thành một điểm tham quan trọng tâm bên cạnh các khu nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng hài hòa với không gian sông nước.
Du khách chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để đi từ TP.HCM về khu vực này. Nếu theo đường sông Soài Rạp lên phía bắc, qua bên kia cửa sông Rạch Cát là cảng quốc tế Long An, nơi đang hoàn thiện bảy cầu cảng có thể đón tàu du lịch quốc tế hơn 70.000 tấn trong vài năm tới.
Theo sông Soài Rạp xuống phía nam, qua bên kia cửa sông Vàm Cỏ đã là đất Gò Công. Đối diện phía bờ bên sông Soài Rạp là Cần Giờ, dễ dàng kết nối với khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ và trận địa pháo Vũng Tàu.
Hiện cách đồn chỉ 4km là ngôi nhà cổ trăm cột - một công trình nghệ thuật được các nghệ nhân Huế xây dựng hơn trăm năm trước và đang là một di tích quốc gia đón rất nhiều du khách đến thưởng lãm.
Năm 1900, trước nguy cơ Thế chiến 1 lan rộng, người Pháp đã củng cố các tuyến phòng thủ bờ biển phía Tây Nam của Pháp và hệ thống phòng thủ các pháo đài dọc biên giới Đức - Pháp. Họ cho lắp đặt các loại súng mới có tầm bắn lên tới hơn 20km với loại đạn nổ như ngư lôi, có sức công phá tàu chiến hạng lớn, xây dựng nhiều công sự kiên cố.
Tại Việt Nam, sau khi chiếm trọn lục tỉnh Nam kỳ, người Pháp củng cố hệ thống phòng thủ dựa trên các đồn bốt của nhà Nguyễn để lại, hiện đại hóa nó bằng các lô cốt, pháo đài với các loại súng hiện đại bậc nhất trên thế giới lúc bấy giờ.
Để bảo vệ Sài Gòn - thủ phủ của lục tỉnh Nam kỳ - trước sự dòm ngó của các cường quốc phương Tây, người Pháp cho xây dựng tuyến phòng thủ bờ biển trải dài từ Vũng Tàu ngày nay đến Cần Giờ (Sài Gòn) qua Cần Đước (Long An) nhằm án ngữ các mũi tấn công từ bờ biển vào đất liền.
Họ chọn ngã ba sông Cần Giuộc (Rạch Cát), Vàm Cỏ và Soài Rạp (Nhà Bè) làm vị trí chiến lược án ngữ các tàu chiến từ biển vào Sài Gòn, đồng thời kiểm soát hệ thống đường sông Sài Gòn đi lục tỉnh Nam kỳ. Tuyến hàng hải Sài Gòn đi các nước cũng nằm trong tầm bắn của pháo đài này.
Khu vực được chọn xây dựng pháo đài thuộc làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An ngày nay).
Công trình được khởi công vào năm 1903, dự kiến hoàn thành khoảng hai năm sau đó nhưng do thời tiết nhiều gió bão, đặc biệt là địa chất của vùng này rất yếu, người Pháp phải thay đổi thiết kế nên công trình mất 11 năm sau mới hoàn thành (năm 1913). Người Pháp gọi đây là "Hệ thống phòng thủ các con sông và Cap Saint-Jacques".
Tại Sài Gòn, từ năm 1909, Pháp đã xây dựng một phòng tuyến quân sự với quy mô lớn gồm 9 pháo đài và 8 lô cốt tạo thành một vòng vây bao bọc cả một vùng Sài Gòn - Chợ Lớn từ phía bắc, tây bắc, tây, tây nam và phía nam. Phòng tuyến này được gọi là Hệ thống phòng tuyến Sài Gòn hoặc Hệ thống phòng thủ mặt đất ở Sài Gòn.
Công trình pháo đài Rạch Cát được thiết kế hình cánh cung, đối xứng, chiều dài 300m, chiều ngang 100m. Mặt tường của đồn có nhiều lỗ châu mai hình vuông. Tường xây bằng đá xanh, chịu lực, sàn các tầng đổ bêtông sỏi cốt thép. Các cửa ra vào và cửa sổ pháo đài đều bằng thép rất dày. Trên tường trong và ngoài vẫn hằn nhiều vết đạn.
Công trình gồm 2 tầng nổi và 3 tầng chìm. Hai tầng nổi chứa đạn dược, hầm chỉ huy và phòng ở của trung đội pháo, lương thực thực phẩm phòng khi đồn bị bao vây dài ngày. Các tầng hầm vừa là móng công trình vừa là hầm chứa nước ngọt (vì khu vực này không có nước ngọt do bị nhiễm mặn và xa khu dân cư).
Bản đồ đồn Rạch Cát kết nối các điểm tham quan du lịch - Bản vẽ của PGS Nguyên Hạnh Nguyên
Ở hai đầu cánh cung, người Pháp lắp đặt hai khẩu trọng pháo lớn được đưa vào bằng đường thủy qua con rạch bao bọc xung quanh pháo đài. Các nòng pháo này có tầm bắn hơn 20km, khống chế một vùng rộng lớn tới cả vùng Gò Công, Sài Gòn và vùng biển Vũng Tàu.
Các khẩu trọng pháo này xoay tròn 360 độ nên có thể kiểm soát được mọi hướng. Trên bệ pháo có một ụ nổi dùng để ngắm và chỉnh pháo. Người Pháp còn lắp đặt hai khẩu Canon loại 240mm để tăng thêm sức mạnh cho trận địa này ở tầm bắn gần hơn (loại súng máy dùng cho các tàu chiến).
Tại đồn Rạch Cát, người Pháp cho tăng cường 4 khẩu pháo 95mm và 6 khẩu pháo phòng không 75mm lắp ở giữa đồn (cả 4 khẩu pháo này đã bị tháo dỡ khỏi hiện trường).
Với tầm bắn và số lượng pháo lắp đặt này, pháo đài tại đồn Rạch Cát cho thấy quy mô còn hơn cả pháo đài ở Verdun (Pháp).
Tại trung tâm cánh cung là hệ thống chỉ huy trung tâm điều khiển của pháo đài với lối đi dích dắc theo kiểu các công sự, hầm hào quân sự. Bảo vệ ở tầm gần hơn có hệ thống súng máy 8mm và các lô cốt, đồn bốt, cầu cảng xung quanh đồn.
Hiện nay pháo đài vẫn còn nguyên kết cấu ban đầu nhưng đã xuống cấp trầm trọng, có chỗ sụt lún, nứt vỡ. Sàn bêtông đã hư hỏng nặng, lộ rõ thép hoen gỉ, thấm dột.
Các phòng tầng hầm không sử dụng được do nước và bùn xâm nhập, hệ thống súng máy đã bị tháo đi, hai khẩu trọng pháo ở hai đầu cánh cung không còn, chỉ còn hai tháp pháo. Các loại cây vùng ngập mặn đã mọc lên phủ kín pháo đài.
Nhưng với ý nghĩa lịch sử to lớn của đồn Rạch Cát, cảnh quan thiên nhiên rừng ngập mặn xung quanh cùng hệ thống kênh rạch lý thú, nơi này rất nên và cần sớm trùng tu, quy hoạch để thành điểm tham quan du lịch, kết nối thành tuyến du lịch đồn Rạch Cát với các điểm du lịch xung quanh.
Kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy các di tích lịch sử này đều có thể được chuyển hóa thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn.
Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận