31/07/2016 16:16 GMT+7

Bến Tre mạnh tay phạt người nuôi, bán đuông làm mồi nhậu

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Nguy cơ bùng phát nạn đuông dừa phá hoại vườn dừa của người dân tại Bến Tre vẫn chực chờ do giá đuông dừa hiện nay từ mức 10.000 đến 20.000 đồng/con.

Một người dân tại huyện Châu Thành, Bến Tre đang đốn cây dừa bị đuông phá hoại - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một người dân tại huyện Châu Thành, Bến Tre đốn cây dừa bị đuông phá hoại - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Một số người vì lợi nhuận trước mắt vẫn lén lút nuôi đuông dừa, một số người còn mang qua các tỉnh khác để nuôi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Ông Lê Văn Chí - ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết khoảng 3 năm trở lại đây tình trạng đuông phá vườn dừa đã giảm, tuy nhiên vẫn còn.

“Thỉnh thoảng thấy một vài cây dừa đọt héo, một số lá non có hiện tượng úa vàng là phải kiểm tra. Mới đây, khi tui áp tai vào thân dừa nghe lạo xạo là biết đã bị dính đuông. Bổ cây ra thì phát hiện cả 100 con đuông bò lúc nhúc từ ngọn đến gần gốc dừa”, ông Chí cho biết. 

Nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng khẳng định rất khó để phòng ngừa nạn đuông phá dừa. Cách hữu hiệu nhất vẫn là cấm tuyệt đối việc nuôi đuông dừa vì nguy cơ phát tán rất cao.

Ngày 30-7, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết sau thời gian dài nhắc nhở, yêu cầu các nhà hàng viết cam kết không vi phạm việc sử dụng đuông dừa để làm mồi nhậu để bán cho thực khách, mới đây chi cục có quyết định xử phạt hành chính đối với một vườn ẩm thực.

Một đoạn thân dừa sau khi bổ ra có gần chục con đuông lúc nhúc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một đoạn thân dừa sau khi bổ ra có gần chục con đuông lúc nhúc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo ông Dũng, đuông dừa là là một sinh vật gây hại trực tiếp lên cây dừa và rất khó phát hiện.

Ban đầu, kiến vương sẽ chích một lỗ lên thân cây dừa, thường là phần ngọn để đẻ trứng. Trứng nở ra ấu trùng và lớn dần lên nhờ ăn cổ hủ dừa vừa mềm vừa bổ cho đến khi xuyên thủng ngọn dừa làm cây dừa kiệt sức rồi úa tàn dần đến chết.

Muốn bắt đuông dừa, chủ vườn chỉ còn cách đốn cây dừa sau đó chẻ ra để bắt đuông.

“Người dân muốn phòng ngừa đuông dừa phá hoại có thể áp dụng biện pháp tra thuốc trừ sâu lên đọt dừa. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ áp dụng được với những cây dừa có độ cao phù hợp. Những cây quá cao người dân không thể làm thường xuyên được”, ông Dũng nói.

Hiện nay, do đuông dừa có giá khoảng từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/ con nên nhiều người dân đã tìm cách nhân giống nuôi để bán. Sau khi bị cấm, một số người vẫn tiếp tục lén lút nuôi.

Ông Dũng cảnh báo, nếu không kịp thời cấm việc nuôi đuông dừa thì rất có thể xảy ra hiện tượng mất kiểm soát như nạn ốc bươu vàng hoành hành trước đây.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên