08/01/2018 14:28 GMT+7

Bé bị chàm sữa

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Chàm sữa là một bệnh phổ biến ở trẻ em nhỏ, nhất là lứa tuổi sau sinh đang còn bú mẹ, hay gặp từ 5-11 tháng tuổi.

Bé bị chàm sữa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: motherhow.com

Chàm sữa thường xuất hiện ở mặt, hai bên má, trán, vùng cổ mặt, có thể lan ra thân mình, tứ chi… Bệnh biểu hiện thường khởi đầu là một dạng hồng ban, có nhiều mụn nước trên nền hồng ban, đỏ, có thể có nứt da, rịn nước trong hoặc vàng, đóng mài và tróc vảy sau đó. Chàm sữa thường biến mất sau 2-4 tuổi. Nếu sau 4 tuổi trẻ vẫn chưa khỏi, bệnh sẽ tiến triển hay tái phát hoặc kéo dài và khi đó có thể xem là chàm thể tạng.

Thái độ xử trí: Khi trẻ bị chàm sữa, người mẹ hoặc người giám hộ cần phải lưu ý chăm sóc đặc biệt cho bé, từ việc ăn uống đến giữ vệ sinh môi trường.

- Tránh cho cơ thể bé đổ mồ hôi ẩm ướt; thay quần áo ngay sau khi tắm cho bé, giữ cho da bé luôn khô, thay tã lót nhiều lần trong ngày, tránh để lâu gây ẩm ướt do phân và nước tiểu dễ gây kích ứng da;

- Giữ môi trường xung quanh không quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ quá nhanh; môi trường thoáng mát, không quá khô;

- Dùng các loại sữa tắm: Cetaphil, Saforell, Physiogel… để tắm cho bé;

- Khi bé bị các sang thương đang nổi đỏ hoặc rỉ dịch, có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch mang tính sát trùng nhẹ như: Milian, Eosin… Đối với các sang thương khô da, đỏ da, tróc vảy, có thể bôi các loại kem chứa corticosteroid nồng độ thấp như Eumovat (thoa trong thời gian ngắn từ 5-7 ngày), Cortebios, dung dịch hydrocortisol, Supricor-N, thuốc có tác dụng kháng viêm, chống ngứa;

- Nếu da khô tăng sừng thì có thể dùng các loại mỡ chứa chất tiêu sừng như Salicylic acid.

Những điều cần lưu ý khi điều trị chàm sữa

- Chàm sữa là một bệnh do cơ địa dị ứng, nên mục đích điều trị là nhằm bình thường hóa làn da, kéo dài thời gian lành bệnh, hạn chế tái phát, chứ không phải điều trị khỏi hẳn. Vì vậy, trẻ đang ở giai đoạn bị chàm sữa (nhất là giai đoạn cấp) không nên nhập viện vì môi trường bệnh viện có thể làm cho bé bị nhiễm trùng thêm.

- Không nên tiêm chủng ngừa cho bé nhất là tiêm chủng đậu mùa vì có thể dẫn đến bệnh mụn mủ dạng thủy đậu. Lúc này, trẻ có biểu hiện sốt cao, sẩn, mụn nước, bóng nước, cuối cùng thành mụn mủ lõm ở giữa, quanh mụn mủ có quầng viêm đỏ, khi lành để lại sẹo làm mặt rỗ.

- Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc.

- Không cho bé ăn các thức ăn dễ dị ứng như trứng, đồ lên men, đậu phộng, cà chua, đồ biển… Không dùng xà phòng giặt đồ hoặc xà phòng của người lớn để tắm cho trẻ.

- Tuyệt đối không dùng corticosteroid có hàm lượng cao dùng cho người lớn để thoa cho bé vì sẽ gây teo da, mất màu da, nếu kéo dài có thể gây suy tuyến thượng thận.

Đến này, các nhà khoa học đều nhìn nhận và thống kê cho thấy chàm sữa là một bệnh lý viêm da thường gặp ở trẻ em, song nguyên nhân hoặc tác nhân gây bệnh vẫn còn là ẩn số nên việc điều trị tiệt căn cũng rất khó khăn, một số trường hợp cháu đã 3-4 tuổi vẫn còn, bệnh dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc ăn, uống những chất hay gây dị ứng. Do đó, để điều trị hiệu quả, cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và tắm rửa cho bé cẩn thận, nhất là giai đoạn đang viêm cấp.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên