19/12/2008 14:54 GMT+7

Bẫy chim trời giăng kín phá Tam Giang

THÁI BÁ DŨNG - QUỐC NAM
THÁI BÁ DŨNG - QUỐC NAM

TTO - Dọc quốc lộ 1A từ đèo Hải Vân qua một số xã của huyện Phú Lộc, kéo dài theo phá Tam Giang ra đến tận Quảng Điền, người đi đường vô cùng ấn tượng bởi cảnh từng đàn cò đậu trắng ruộng đồng thành từng nhóm. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là… chim, cò giả và mồi nhử! Chỉ thỉnh thoảng mới có một vài con cò thật sà xuống kiếm ăn với “bạn” nhưng ngay lập tức sa bẫy!

bb35wybH.jpgPhóng to
Một chùm chim như thế này có giá 80.000 đồng - Ảnh: T.B.D.

Những người dân ở các vùng ven phá Tam Giang gọi mùa nước nổi là “mùa đi bẫy chim”, và việc đi bẫy này được coi là một nghề đàng hoàng. Cứ sau đợt mưa đầu mùa, hàng trăm loại bẫy được dựng lên để chờ hàng chục loài chim như gà nước, cò, nhiễng, quốc, vạc… bay từng đàn về các vùng ngập kiếm ăn và đều bị tận diệt. Không kể to nhỏ lớn bé, một khi dính bẫy thì chỉ có đường đợi… vặt lông.

N.T.H., một tay bẫy cò chuyên nghiệp ở Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho hay trong xóm anh hiện giờ có khoảng gần chục người đi làm nghề bẫy chim cò. “Mùa này mưa gió suốt nên tụi em ít công thợ hồ, tạm gác bay, sắm “đồ nghề” đi bẫy chim dễ ăn hơn! Trước đây người ta chỉ bẫy vài con ăn chơi thôi. Dần dần thấy đi bẫy cò vừa dễ lại bán có tiền nên người ta mới đua nhau đi làm vậy!”-anh H. nói.

“Thiên la địa võng”… bẫy!

Một buổi sáng đầu tháng 11, tôi được N.X. (xã Thủy Phương, Hương Thủy) dẫn ra tận bãi thăm bẫy để “mua con còn tươi sống”. N.X. cho biết ở vùng anh chỉ có hơn chục người làm nên số chim bẫy được rất nhiều. Để làm nên một “trận địa” bẫy giăng trắng cánh đồng như thế phải làm cả tháng trước khi mùa mưa tới, mua sắm mọi thứ từ xốp, gỗ, sơn để làm cò giả cho đến đi sắm bẫy kẹp! “Chim nó cũng khôn lắm chứ chẳng dễ dính đâu, làm bẫy sao cho thật giống thì mới “ăn” được”-X .nói.

wPL7Ssav.jpgPhóng to
Đặt bẫy

Giữa cánh đồng, có khoảng gần 100 con nhiểng đen to lù lù đứng trên từng gò đất cao; phía bờ cạn hơn một chút là hàng chục con cò giả y hệt như cò thật đứng tư thế một chân. X cho biết số nhiễng giả kia được gọt bằng gỗ rồi bôi quét sơn đen, tô mắt, mỏ lên; còn số cò kia thì làm bằng xốp rồi cắm một cái que trông cho giống mỏ cò thật để nhử đàn cò.

Và để có thể bẫy được cò thì ngoài “đồ giả” ra còn cần đến cả “đồ thật”: đó là những con nhiễng, cò còn sống được người đi bẫy mua về, sau đó dùng dây chỉ khâu kín mắt và buộc chân xen vào giữa những con cò giả để đánh lừa tưởng nơi đây có nhiều thức ăn. X giải thích việc khâu kín mắt cò sẽ làm cho cò không thể thấy mọi thứ xung quanh mà “cảnh báo” các con cò khác có ý định sà xuống.

Vừa quay mũi ghe vào bờ thì tiếng kêu của một con nhiễng thất thanh rú lên đau đớn. Anh X. mừng rỡ bảo: “Lại một con nữa dính bẫy rồi, chú mi có hàng sạch đảm bảo nha!”.

Đó là một chú nhiễng chân cao, mỏ dài và to như một con đà điểu con. X. cẩn trọng bóp lấy cái mỏ con nhiễng tội nghiệp để tránh bị mổ, tay kia lôi con vật xấu số lên và gỡ bàn chân toe toét máu ra khỏi chiếc bẫy rùng rợn. Đó là loại bẫy có răng cưa cỡ lớn dùng để bẫy chim chuyên nghiệp, giữa có cần sập để khi nhiễng dẫm phải là lập tức bẫy găm chặt vào ngón, càng giãy giụa càng dính sâu. “Con này phải tầm 1 ký 2, nhập cho tụi buôn thì 9 chục, riêng anh thì lấy 6 chục!”- X. nói. Anh X. nói rằng nhiễng thường đi ăn lẻ nên rất khó bẫy, dính con nào là “ăn dày” con đó, còn chủ yếu là bẫy được cò, vạc và gà nước.

Cách đó khoảng 500 m là một trận địa bẫy của ông T.K.V., người ở Thủy Châu. Ông V. cho biết số bẫy kẹp và cò giả là để bẫy cò vạc, vì bẫy nhiễng công phu và tốn kém nên ông không làm, ngoài số bẫy nổi này còn có “bẫy chìm” là các loại lưới mắt nhỏ trải dưới mặt nước để khi cò, gà nước lặn xuống là sẽ dính vào cổ và chân. Với số bẫy này, ông V. cho biết mỗi ngày đêm ông bẫy được vài ba chục con đủ các loại, có ngày nước đục chim về nhiều thì bẫy được cả trăm con.

Dọc các vùng trũng ven phá Tam Giang, đoạn qua Quảng Điền, bẫy chim cũng giăng đầy, chủ yếu là bẫy kẹp và bẫy dính. “Bẫy dính dùng keo quét lên que tre cắm sát cò mồi để cò dính bẫy nhưng không hiệu quả lắm, ở đây tụi này toàn dùng bẫy kẹp cả!”-T.N.N., một tay bẫy cò ở Quảng Điền nói.

“Công nghệ” bẫy hiện đại!

Gần đây, nhiều người dân làm nghề đi bẫy cò ở Hương Thủy còn sáng tạo ra một loại bẫy cò hết sức độc đáo mà họ gọi vui là “bẫy bằng công nghệ”: dùng loa đài.

YvoryM0H.jpgPhóng to
Chim cò bẫy được đem bán ở quốc lộ - Ảnh: T.B.D.

Một chiếc cassette có loa công suất lớn và một “trận đồ lưới” vây quanh trên có đính những chiếc chuông nhỏ! Chiếc bẫy chỉ đơn giản như thế nhưng vô cùng hiệu quả! Ông U.T. nói đây là loại bẫy mà ông học được từ những người đi bẫy cò ở Nghệ An. Mỗi đêm bẫy được hàng trăm con cuốc và chim cú.

Cứ chạng vạng tối là cha con ông U.T. lại vác loa đài ra đồng, chọn nơi đất trống trải, cao ráo rồi giăng lưới xung quanh, bỏ băng ghi âm tiếng cuốc kêu vào đài rồi bật lên hết cỡ, tiếng chim cuốc từ chiếc đài phát đi hàng cây số và sẽ “quyến rũ” những con cuốc khác quanh vùng đang đi tìm bạn tình. Thế là những người như ông U.T. chỉ việc ngồi nhìn con cuốc xấu số lao vào “thiên la địa võng” đã giăng sẵn.

Những chiếc chuông được treo trên mắt lưới sẽ rung lên khi có con nào dính bẫy. Ông T. cũng khoe dùng bẫy này không chỉ bắt được cuốc mà còn bắt được cả cú vọ, vì khi cuốc dính vào bẫy là cú vọ cũng lao đầu vào bắt mồi, thế là cả hai cùng mắc bẫy. “Bộ bẫy này tui ôm đi khắp các vùng ở dọc phá Tam Giang rồi đấy, nhờ nó mà tui nuôi được cả đàn con”-ông nói.

Thời gian gần đây rộ lên tin đồn nhiều người còn liều lĩnh dùng cả… thuốc chuột để làm bẫy chim, cò! Những người đi bẫy chim ở huyện Hương Thủy quả quyết rằng họ không hề dùng loại mồi nhử độc hại này mà chỉ có ở một vài người các vùng khác. Tuy nhiên, khi chúng tôi ướm hỏi mua thịt chim với số lượng lớn để làm đám cưới thì một tay bẫy cò ở xã Thủy Châu khuyên chúng tôi nên ra tận nơi bẫy để mua và chỉ chọn những con còn sống, chân bị toét nát hoặc trong lưỡi có dính lưỡi câu! “Chân toét thì chứng tỏ cò bị bẫy kẹp, lưỡi câu thì bị mắc bẫy lưỡi câu, chọn con nào còn sống mới an toàn chứ nhiều người họ dùng thuốc chuột để bẫy lắm”!?

OAPrtD1N.jpgPhóng to
Cò "mồi" được khâu kín mắt - Ảnh: T.B.D.

Một số người dân dọc phá Tam Giang, nơi có nhiều người làm nghề đi bẫy chuột cho hay, chuyện bẫy chim bằng thuốc là có thật và đó là một thứ “thuốc mê” và “kém độc hơn” chứ không phải thuốc chuột. Thuốc này có màu trắng, được mua từ những người đi bán rong rồi về trộn với cá, ốc để làm mồi nhử. Chim cò chỉ cần ăn vào là gục ngay tại chỗ, con khoẻ nhất cũng chỉ lảo đảo vài vòng là “hạ cánh”, không thể thoát được.

Tuy nhiên, mới đây, lực lượng công an huyện Hương Thủy đã bất ngờ kiểm tra, phát hiện và xử lý 5 đối tượng tại xã Thủy Châu chuyên đi làm nghề bẫy chim đã sử dụng thuốc chuột để nhử bẫy! Ngoài ra, các đối tượng chuyên nhận tiêu thụ thịt chim bẫy bằng thuốc chuột cũng đã buộc phải ký cam kết chấm dứt buôn bán!

Chợ thịt chim

Dọc quốc lộ 1 A, đoạn qua thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc có rất nhiều địa điểm bán thịt chim cò các loại. Chim cò được thu mua từ những người đi bẫy, sau khi vặt trụi lông, “hóa kiếp” và nướng đen lên chảy nhầy mỡ, chúng được buộc thành từng chùm trông rất hấp dẫn, được những người đi bán ve vẩy mời mọc dọc hai bên đường và bày bán thành những hàng quán công khai. Chị Trần Thị Thu Thúy, một người buôn thịt chim, nói số chim được mua từ những người đi bẫy rất lớn, muốn mua bao nhiêu cũng có nhưng chủ yếu là chim bị bắn, bẫy đã chết, muốn mua được chim sống thì hiếm và đắt hơn!

noC53HLP.jpgPhóng to
Chợ thịt chim dọc quốc lộ 1A - Ảnh: T.B.D.

Tại huyện Hương Thủy, các địa điểm bán thịt chim cũng được bày bán tại quốc lộ rất nhiều. Giá chim đắt hay rẻ tùy thuộc vào chim sống hay chim đã chết, những chú chim, cò được vặt trụi lông, nhiều con đã bốc mùi và thâm tím được bán từ 10 ngàn đến 80 ngàn đồng tùy loại.

Ngoài ra, một số lượng chim rất lớn được nhập về các chợ ở các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Quảng Điền để bày bán. Một người bán thịt chim cho biết mỗi ngày lấy khoảng 20 con nhiễng, 100 con cò và 15 ký thịt chim cuốc nhưng đều tiêu thụ hết trong ngày. “Số bán lẻ ở chợ thì không bao nhiêu nhưng nhập sỉ cho các quán nhậu, các nhà hàng mới nhiều”-chị cho hay.

Với tốc độ hủy diệt như hiện tại, người đi săn chim đang tự biến Tam Giang thành “vùng đất dữ” đối với chim muông, cảnh “đất lành chim đậu” sẽ chỉ còn là dĩ vãng!

THÁI BÁ DŨNG - QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên