Kết quả sơ bộ bầu cử Campuchia: CPP chiến thắngBầu cử bắt đầu ở CampuchiaCampuchia yên ắng trong “ngày trắng”
Phóng to |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở thành phố Ta Khmau, tỉnh Kandal - Ảnh: Việt Phương |
Theo thông tin được người phát ngôn chính phủ và Bộ trưởng thông tin Khieu Kanharith cho biết tối 28-7, Đảng CPP giành được 68 trên tổng số 123 ghế tại quốc hội. Trong khi đó, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) được 55 ghế. Ủy ban bầu cử Campuchia chưa công bố con số chính thức nhưng nếu đây là kết quả chính xác thì so với kỳ bầu cử trước (năm 2008) CPP mất 22 ghế, còn CNRP có thêm 26 ghế.
Người dân Campuchia trên khắp cả nước đã kéo đến các điểm bỏ phiếu để bầu ra 123 nghị sĩ trong quốc hội vào ngày 28-7. Các quan sát viên quốc tế cũng đã có mặt. Từ 7g, các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa để người dân đến thực hiện quyền công dân. Ở nhiều điểm bỏ phiếu, cử tri xếp hàng dài trước thùng phiếu, không khí rất nô nức. Các thùng phiếu đóng lúc 15g. Thủ đô Phnom Penh hôm qua vắng vẻ hơn mọi ngày do nhiều quán xá đóng cửa và nhiều người về quê để bỏ phiếu.
Đông người trẻ đi bỏ phiếu
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và phu nhân có mặt tại một điểm bầu cử ở thành phố Ta Khmau thuộc tỉnh Kandal khoảng 7g30 sáng. Đảng CPP của ông được giới quan sát dự đoán chắc chắn sẽ giành thắng lợi trong kỳ bầu cử quốc hội lần này dù ông Hun Sen không tham gia trực tiếp vào các chiến dịch vận động tranh cử.
An ninh được thắt chặt ở Phnom Penh An ninh ở thủ đô Phnom Penh đã được thắt chặt sau khi các thùng phiếu được đóng lúc 15g ngày 28-7. Theo quan sát của Tuổi Trẻ, các con đường dẫn đến khu công viên gần tượng đài Độc Lập đã bị chặn lại. Trong khi đó, một cuộc biểu tình nhỏ đã dẫn đến bạo động tại một điểm bỏ phiếu bên trong chùa Stung Meanchey. Báo Cambodia Daily cho biết nguyên nhân là do một số cử tri không tìm thấy tên của mình trong danh sách bầu cử. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại hiện trường, một số người quá khích đã đập phá và đốt cháy hai chiếc xe cảnh sát. Ngoài ra, chưa thấy thêm vụ bạo lực nào khác tại Phnom Penh. |
Thủ tướng Campuchia đã hôn lên lá phiếu nhiều lần trước khi bỏ phiếu vào thùng trước một rừng máy quay và máy ảnh của các phóng viên trong nước và quốc tế. Sau khi bỏ phiếu xong, ông Hun Sen giơ cao ngón tay đã nhúng mực đánh dấu, loại mực dùng để xác định một người đã tham gia bỏ phiếu, tránh việc đi bầu hai lần.
Tại địa điểm bầu cử đông đúc khác trong một ngôi chùa ở Kandal, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy của Đảng CNRP - người vừa về nước hôm 19-7 sau thời gian sống lưu vong ở Pháp - mặc dù không được quyền bỏ phiếu nhưng cũng đã xuất hiện tại đây. Sự hiện diện của ông cũng có sức hút nhất định với cử tri.
Trong kỳ bầu cử này, Campuchia có 9,6 triệu cử tri hợp lệ. Trong đó, có hơn 3,5 triệu cử tri là người trẻ ở độ tuổi 18-30. Một nửa trong số này lần đầu tiên đi bầu. Anh Chea Sok Heng, 23 tuổi, sinh viên năm 4 Trường đại học Pannasastra, nói với Tuổi Trẻ rằng cuộc bầu cử lần này nhìn chung tốt đẹp hơn các cuộc bầu cử trước vì số người trẻ đi bầu tăng lên. “Số người trẻ tham gia các hoạt động bầu cử là một bước khởi đầu tốt cho việc giới trẻ tham gia vào chính trị” - Chea nói và nhận xét thêm rằng kỳ bầu cử này ít bạo lực hơn các lần trước.
Cô Malylen, một nhân viên ngân hàng 23 tuổi ở Phnom Penh, cho biết đây là lần đầu tiên cô đi bỏ phiếu. Điều mà cô quan tâm là sự mong muốn ở một cuộc bầu cử minh bạch và không có gian lận. Ngoài kinh tế và đầu tư, cô gái trẻ này còn mong muốn rằng sau cuộc bầu cử, giới trẻ nước này sẽ quan tâm nhiều hơn vào tương lai của đất nước.
Còn cô sinh viên họ Keo (không muốn nêu tên đầy đủ) thì nghĩ rằng lần này CPP sẽ chiến thắng. “Đảng này sẽ đem lại thay đổi cho đất nước và con người Campuchia” - Keo nói. Điều mà cô gái 21 tuổi này mong muốn sau bầu cử là có một sự thay đổi trong hệ thống giáo dục và y tế. Cô nói: “Đem lại cho người dân một hệ thống giáo dục chất lượng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn là điều quan trọng đối với đất nước”.
Quan sát viên quốc tế có mặt
Tại điểm bầu cử mở ở một trường học tại thành phố Ta Khmau thuộc tỉnh Kandal kế cận Phnom Penh, một đoàn quan sát viên quốc tế đã xuất hiện khoảng 6g30. Tại đây, đoàn quan sát viên đã chứng kiến quá trình niêm phong thùng phiếu, các con dấu và lá phiếu. Một số quan sát viên còn yêu cầu được thử nhúng tay vào lọ mực.
Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, quan sát viên quốc tế Shahidan Bin Kassim - một bộ trưởng của Malaysia - cho biết đoàn đã được cho xem tất cả quy trình chuẩn bị cho bầu cử, từ thùng phiếu, mực đánh dấu, phiếu bầu đến con dấu bí mật để đóng lên lá phiếu mới được cấp phát từ sáng sớm qua. “Quy trình bầu cử ở Campuchia cũng khá giống ở Malaysia. Nhìn chung, qua những gì chúng tôi thấy sáng nay thì quy trình chuẩn bị cho bầu cử như vậy là rõ ràng nhưng chúng tôi còn phải quan sát tiếp”.
Từ hôm 27-7, trên mạng đã xuất hiện một đoạn clip chứng minh rằng loại mực đánh dấu ở ngón tay nhập từ Ấn Độ bị lau sạch dễ dàng. Nhưng truyền thông địa phương dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Im Suosdey khẳng định loại mực này sẽ phát huy tác dụng dưới ánh sáng mặt trời. Ngay khi cử tri bước ra khỏi điểm bỏ phiếu thì loại mực này sẽ chuyển hóa để dính trên tay tới vài ngày. Phe đối lập thì liên tục đưa ra các cáo buộc nói cuộc bầu cử lần này có nhiều điều bất thường.
Ông Shahidan Bin Kassim nói với Tuổi Trẻ rằng thật ra loại mực đánh dấu đó không quyết định tất cả bởi ở đây đã có danh sách cử tri và mỗi người đi bầu đều phải trình giấy tờ tùy thân nên khó có chuyện bầu nhiều lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận