22/04/2007 03:43 GMT+7

Bầu cử tổng thống Pháp và cá ngựa

  DANH ĐỨC
  DANH ĐỨC

TT - Trên khắp nước Pháp, nhan nhản những quán trưng bảng “PMU”(hãng ghi cá ngựa) để cho bàn dân thiên hạ ghé vào ghi độ. PMU khoe rằng cá ngựa là “đam mê và một trong những biểu tượng của nước Pháp”!

Cũng có lý nếu biết rằng cái định chế chuyên tổ chức cá ngựa đã 116 năm tuổi này còn lâu đời hơn cả đệ tứ, đệ ngũ Cộng hòa Pháp gộp lại. Đại chúng đến nỗi có cả một độ đua mang tên “giải thưởng của tổng thống Cộng hòa”.

05yv3V39.jpgPhóng touekMk0go.jpg
Kết quả thăm dò mới nhất đã đưa bà Segolène Royal trở thành đối thủ đáng gờm của ông Nicolas Sarkozy - Ảnh : AFP

Cũng như trước mỗi trận đua ngựa luôn có bàn độ, trước mỗi cuộc bầu tổng thống cũng có bàn... bầu. Dựa trên kết quả thăm dò dư luận CSA cuối cùng, 24 giờ trước khi bầu cử thì thấy thứ tự như sau: 1/ Sarkozy (26,5%), 2/ Royal (25,5%), 3/ Le Pen (16,5%), 4/ Bayrou (16%). Thực hư ra sao, rạng sáng thứ hai (giờ VN) sẽ rõ. Có những khả năng “ngựa về” khác và ở mỗi trường hợp một ý nghĩa khác.

1. Nếu kết quả về đúng thứ tự trên, sự phân cực cánh hữu, cánh tả vẫn còn đó với ông Sarkozy và bà Royal ở hai vị trí nhất, nhì lọt vào vòng hai. Song kết quả này sẽ phản ánh một chuyển biến mới của xã hội Pháp: vị trí của người phụ nữ thăng hoa trong xã hội.

2. Thế nhưng, khái niệm cánh tả ở đây sẽ vẫn chỉ là Đảng Xã hội “một mình một ngựa”, chứ không bao hàm khái niệm liên minh cánh tả (với Đảng Cộng sản Pháp). Liên minh này đã chỉ diễn ra chóng vánh vào đầu nhiệm kỳ 1 của ông Mitterrand (năm 1981-1982) với hai ghế bộ trưởng, rồi chia tay. Khi đó ứng cử viên của Đảng Cộng sản Pháp còn giành được 15,34% số phiếu, chứ theo như kết quả năm 2002, chỉ 3,37% số phiếu, thì vô phương đòi chia ghế!

3. Nếu ông Bayrou cùng về nhất, nhì với ông Sarkozy, thì đây sẽ là một đột phá ra khỏi phân cực cánh hữu/ cánh tả cố hữu với chiêu bài “đứng giữa” của ông Bayrou. Thế nhưng, “đứng giữa” là gì ở một xã hội đã từng “chia đôi”?

4. Nếu ông Le Pen về nhất nhì thì đó sẽ là một nước Pháp “đóng cửa” khi mà ông Le Pen là “thái sư phụ” ông Sarkozy về cái món “phân biệt đối xử”. Càng đáng ngại nếu nhớ rằng ông Le Pen năm nay đã thọ... 79 tuổi, còn hơn cả tổng thống mãn nhiệm J.Chirac. Một khi cả hai ông này cùng lọt vào vòng hai thì xã hội Pháp mấy năm nay đang điên đảo vì bạo lực sẽ đi vào nền nếp trật tự bảo thủ bằng bàn tay sắt (bọc nhung với ông Sarkozy) hay không bọc nhung (với ông Le Pen) hay sẽ bùng nổ vì những phản ứng chống lại “bàn tay sắt” đó?

Cho dù kết quả như thế nào, vấn đề vẫn còn đó: làm sao giải quyết sớm và tốt các bài toán nội bộ của Pháp để còn tập trung cho hai thách thức: hợp nhất châu Âu và toàn cầu hóa. Trong thách đố đó, rõ ràng lá phiếu ngày hôm nay, chủ nhật 22-4-2007,chính là quyết định đối với cử tri Pháp. Cũng may là hệ thống bầu cử ở Pháp không như ở Mỹ hay nơi khác khi mà lá phiếu các cử tri - công dân mới là then chốt, chứ không phải lá phiếu của các “đại cử tri”, mà chẳng ai biết mặt mũi là ai, song lại quyết định được ra hay không ra ứng cử, thắng cử hay thất cử, như trường hợp ông Al Gore đã tức tưởi thua ông Bush năm nào. Bằng không, cử tri Pháp ra PMU ghi cá ngựa còn hay hơn!

  DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên