09/02/2016 08:29 GMT+7

​Bầu cử sơ bộ New Hampshire tăng nhiệt

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire ngày 9-2 (ngày 10-2 giờ VN), các ứng cử viên tổng thống Mỹ đồng loạt công kích nhau dữ dội nhằm giành từng lá phiếu của cử tri.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders có ưu thế lớn trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ở New Hampshire - Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders có ưu thế lớn trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ở New Hampshire - Ảnh: Reuters
Nhiều khả năng tỷ phú Donald Trump sẽ giành chiến thắng trước các đối thủ Cộng hòa ở New Hampshire - Ảnh: Reuters
Nhiều khả năng tỷ phú Donald Trump sẽ giành chiến thắng trước các đối thủ Cộng hòa ở New Hampshire - Ảnh: Reuters

Theo AFP, giới quan sát nhận định chiến thắng ở New Hampshire hoặc vị trí thứ nhì với tỷ lệ ủng hộ cao sẽ tạo đà cho ứng cử viên tiến bước ở South Carolina và Nevada, các “chiến trường” kế tiếp. Ngược lại, kết quả tồi tệ tại New Hampshire có thể là phá vỡ giấc mơ Nhà Trắng của một số cá nhân.

Khảo sát của CNN/WMUR cho thấy về phía Đảng Dân chủ, 61% cử tri ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, trong khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton chỉ có 35%. Khảo sát của RealClearPolitics cũng cho kết quả 53,3-40,5% nghiêng về phía ông Sanders.

Bà Clinton giành chiến thắng sát sao tại Iowa, nhưng New Hampshire được đánh giá là “đại bản doanh” của ông Sanders. Để thu hẹp khoảng cách, trong vài ngày qua bà Clinton liên tục chỉ trích ông Sanders dữ dội.

Đấu đá dữ dội

Bà tố cáo ông Sanders cũng nhận 200.000 USD tiền quyên góp chính trị từ các công ty Phố Wall thông qua Ủy ban Tranh cử Thượng viện Dân chủ. Trước đó ông Sanders từng nhiều lần chỉ trích bà Clinton quá thân cận với Phố Wall, do đó có thể bị giới tài chính Mỹ thao túng.

Bà Clinton thừa nhận mình có nhận tiền quyên góp chính trị từ Phố Wall, nhưng nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần lên tiếng và nỗ lực chống lại các thế lực hùng mạnh trong nhiều năm qua. Tôi không chỉ nói. Tôi đã đệ trình các dự luật”.

Trước đó, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng tấn công quyết liệt ông Sanders khi mô tả ông bôi nhọ bà Clinton và sống trong ảo tưởng, không xứng đáng làm tổng thống. Phản ứng lại, đội ngũ tranh cử của ông Sanders tuyên bố bà Clinton vu oan cho ông.

Ở phía Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump vẫn đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 31%, Thượng nghị sĩ Marco Rubio bám theo sau với 17%, Thượng nghị sĩ Ted Cruz có 14%... Vấn đề là theo khảo sát của CNN, khoảng 30% cử tri New Hampshire chưa quyết định sẽ chọn ai.

Giới quan sát nhận định kết quả bầu cử yếu kém ở New Hampshire có thể sẽ đánh dấu chấm hết cho tham vọng của Thống đốc New Jersey Chris Christie, Thống đốc Ohio John Kasich và cựu Thống đốc Florida Jeb Bush. Mới đây ông Kasich cho biết có thể ông sẽ rút khỏi cuộc đua Nhà Trắng nếu thất bại nặng ở New Hampshire.

Trên Twitter, ông Bush tăng cường tấn công ông Trump. “Ông không chỉ là kẻ thất bại mà còn là kẻ dối trá và suốt ngày rên rỉ” - ông Bush viết. Đáp trả lại, ông Trump mô tả ông Bush đang “tuyệt vọng” và nhấn mạnh: “Điều cuối cùng mà nước Mỹ cần là một thằng cha Bush nữa”.

Các đối thủ cũng đồng loạt diễu cợt Thượng nghị sĩ Marco Rubi vì màn trình diễn tồi tệ trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Cộng hòa đêm 6-2. “Khi ánh đèn chiếu rọi, bạn tỏa sáng hoặc bị tan chảy. Chúng ta không thể chấp nhận một tổng thống bị tan chảy” - ông Christie công kích ông Rubio.

Trong khi đó, ông Bush đánh giá ông Rubio thiếu kinh nghiệm và sẽ là sự lựa chọn đầy mạo hiểm.

Thêm ứng cử viên hùng mạnh?

Một bất ngờ mới cũng đang diễn ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo AFP, mới đây cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, một tỷ phú truyền thông, tuyên bố đang xem xét tranh cử tổng thống. Ông khẳng định mình đang đánh giá mọi khả năng và nhấn mạnh: “Người dân Mỹ xứng đáng có sự lựa chọn tốt hơn (so với các ứng cử viên hiện tại)”.

Trước đó New York Times đưa tin ông Bloomberg đã yêu cầu các cố vấn lên kế hoạch tổ chức cuộc tranh cử tổng thống độc lập (không theo Đảng Dân chủ hay Cộng hòa). Theo kế hoạch này, ông sẽ chi khoảng 1 tỷ USD cho chiến dịch tranh cử. Ước tính tổng tài sản của ông Bloomberg lên đến 40 tỷ USD.

Các cố vấn tiết lộ ông Bloomberg lấy làm lo ngại với sự trỗi dậy của tỷ phú Donald Trump và lực lượng cánh hữu cực đoan trong Đảng Cộng hòa. Ông cũng không hài lòng với sự thể hiện của bà Clinton. Xét về sức mạnh tài chính, ông Bloomberg vượt xa tỷ phú Donald Trump, người có tổng tài sản khoảng 4,5 tỷ USD.

Ông Bloomberg được đánh giá là một chính trị gia thực tế. Ông từng theo Đảng Dân chủ, rồi chuyển sang Đảng Cộng hòa năm 2001 trước khi từ bỏ đảng này để trở thành chính trị gia độc lập vào năm 2007. Giới quan sát nhận định nếu ông Bloomberg tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Clinton và ông Sanders sẽ là những người thiệt hại nhiều nhất.

Bởi ông Bloomberg có quan điểm thiên tả về những vấn đề như kiểm soát súng đạn, phá thai hay môi trường, do đó sẽ thu hút nhiều cử tri Dân chủ. Trước thông tin trên, ông Sanders bắn viên đạn đầu tiên về phía ông Bloomberg: “Tôi nghĩ người dân Mỹ không muốn chứng kiến đất nước trở thành một chế độ quyền lực tập trung, nơi các tỷ phú kiểm soát hệ thống chính trị”.

Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg cũng muốn chạy đua vào Nhà Trắng - Ảnh: Reuters
Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg cũng muốn chạy đua vào Nhà Trắng - Ảnh: Reuters
HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên