21/10/2018 09:54 GMT+7

Bạt núi lấy đất, để lại quang cảnh như bãi chiến trường

HỮU KHÁ - TẤN LỰC
HỮU KHÁ - TẤN LỰC

TTO - Hàng chục mỏ đất - đá ở núi Phước Tường (Đà Nẵng) được cấp cho doanh nghiệp khai thác. Nhưng sau khi phá núi lấy đất - đá, doanh nghiệp không phục hồi môi trường như cam kết khiến đồi núi tan hoang.

Bạt núi lấy đất, để lại quang cảnh như bãi chiến trường - Ảnh 1.

Mỏ đá khai thác nham nhở trên núi Phước Tường - Ảnh: TẤN LỰC

Hàng triệu mét khối đất để san lấp các công trình ở Đà Nẵng đều được khai thác tại các khu vực đồi núi huyện Hòa Vang. Tình trạng phá đồi núi lấy đất san lấp đến mức báo động, gây ô nhiễm khiến người dân vô cùng bức xúc, nhất là việc khai thác rầm rộ nhưng phục hồi môi trường lại theo kiểu... ầu ơ.

Núi đồi nham nhở

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, việc khai thác đất đã làm biến đổi cảnh quan, thay đổi địa hình tự nhiên núi Phước Tường. Một số mỏ sau khi phục hồi mặt bằng vẫn rất nham nhở, khối lượng san gạt mặt bằng còn lớn, cắt tầng không đúng quy định. Có 14/15 mỏ phục hồi môi trường không theo quy định.

Tại một mỏ trên đường dẫn vào sau lưng Bệnh viện Hòa Vang thuộc địa phận thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, những xe múc, xe tải hoạt động nhộn nhịp đục khoét một nửa quả đồi. Cả một ngọn đồi xanh tốt bây giờ chỉ còn những đống đất đá cao vút, khô khốc. 

Dưới chân đồi, xe tải, xe múc nhộn nhịp lấy vật liệu quanh những nhà máy nghiền đá dăm. Ở phía còn lại bên kia quả đồi đã khai thác trước đó là những dấu "cắn" khổng lồ trơ đất đá.

Điều đáng nói là khu vực phục hồi môi trường cạnh đó vô cùng tệ hại. Chủ mỏ san gạt mặt bằng với đá kích thước lớn và trồng rừng thay thế lên trên sơ sài. Có đến hai phần ba số cây keo lá tràm non mới trồng đã chết khô. Dù vậy, mỏ này còn khá hơn tình trạng của mỏ đá cũ ngay lối vào, chủ mỏ không san gạt mặt bằng, hiện trường để lại là một lòng hồ sâu hoắm.

Ông Tô Văn Hùng - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng - bức xúc nói về thực trạng nhiều chủ mỏ sau khi hết thời hạn khai thác đất đã trốn tránh trách nhiệm, không hoàn nguyên như cam kết: "Việc trồng cây, chăm sóc cây không đúng quy định nên tỉ lệ cây chết nhiều. Nhiều nơi trồng cây ngay trên lớp đất đá, không quan tâm đến bón phân, tưới nước theo quy định".

Theo ông Hùng, nguyên nhân của tình trạng này là việc xử lý thiếu quyết liệt dẫn tới các chủ mỏ chây ỳ. Một điều quan trọng nữa là kinh phí ký quỹ phục hồi môi trường các mỏ được cấp phép khai thác trước đây quá thấp, dẫn đến tình trạng chủ mỏ khi hết thời hạn khai thác đã trốn tránh trách nhiệm, "bỏ chạy".

Bạt núi lấy đất, để lại quang cảnh như bãi chiến trường - Ảnh 2.

Mỏ đá sau khai thác tại thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) là lòng hồ sâu hoắm - Ảnh: T.LỰC

Xử phạt nặng để răn đe

Tại hội thảo về quy hoạch của TP Đà Nẵng diễn ra mới đây, ông Vũ Quang Hùng - giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - nhìn nhận việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san nền tác động nghiêm trọng đến cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái ở các khu vực đồi núi. 

Vì vậy, theo ông Hùng, cần có giải pháp bảo vệ và làm giàu thiên nhiên cho các khu vực nông thôn và đồi núi, phải khắc phục và hoàn thổ các khu vực đã bị xâm hại.

Ông Đặng Thương - chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho biết việc hoàn thổ, phục hồi môi trường đang được tiến hành và trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện thuộc về Sở Tài nguyên và môi trường. Hiện trên địa bàn Hòa Vang có 4 mỏ đã hết hiệu lực giấy phép đến nay vẫn chưa hoàn thành việc lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

Ông Tô Văn Hùng cho biết qua giám sát, 4 mỏ này để lại mặt bằng nham nhở gây mất cảnh quan và có nguy cơ gây sạt lở, bồi lấp đất sản xuất của người dân. 

Ông Hùng kiến nghị chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, tăng cường giám sát đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phê duyệt và chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng. Trong đó chú trọng 8/15 mỏ chưa hoàn thành dứt điểm việc cải tạo theo đúng thời gian phê duyệt. Đề nghị áp dụng mức xử phạt cao nhất đối với các đơn vị chậm thực hiện, không thực hiện để tạo tính răn đe.

Điểm danh các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết

Qua giám sát thực tế, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhận thấy các nhóm mỏ phải tiếp tục thực hiện san gạt mặt bằng, cắt tầng, thực hiện trồng cây, lắp đặt biển báo, rào chắn còn có 8 mỏ gồm: mỏ đất đồi tại thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn) của Công ty TNHH du lịch và đầu tư xây dựng Sơn Hải, Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Thùy Dương, Công ty TNHH Phúc Đặng, Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Fococev, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ và xây dựng Thạch Toàn, Công ty TNHH Hoàng Khoa, Công ty cổ phần khai thác khoáng sản và xây dựng Miền Nam tại Đà Nẵng.

Nhóm mỏ phải tiếp tục trồng cây, trồng cây bổ sung, chăm sóc cây để phục hồi môi trường theo đề án phê duyệt gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hải Yến, Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Thùy Dương, Công ty cổ phần Công trình đô thị Đà Nẵng, Công ty TNHH Minh Tân.

Ngoài ra, có 4 mỏ không chấp hành việc lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, UBND TP Đà Nẵng giao huyện Hòa Vang chọn nhà thầu tiến hành cải tạo phục hồi môi trường.

Để xảy ra tai nạn chết người, chủ mỏ đá giấu nhẹm Để xảy ra tai nạn chết người, chủ mỏ đá giấu nhẹm

TTO - Để xảy ra tai nạn chết người nhưng chủ mỏ đá ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) không báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết để xử lý.

HỮU KHÁ - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên