Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo luật theo hướng bao quát nhiều hành vi của tội buôn bán người. “Bên cạnh việc chuyển giao, tiếp nhận người để mua bán, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể thì các mục đích vô nhân đạo khác còn được hiểu là cưỡng bức người khác đi ăn xin, làm vật thí nghiệm... cũng phát sinh trong thực tế” - bà Thu Ba nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị nghiên cứu bổ sung các hành vi như đẻ thuê, tự nguyện bán dâm vào nhóm tội này. “Vừa rồi chúng ta phát hiện nhiều trường hợp đẻ thuê, đây là hành vi rất mới. Ngoài những người bị cưỡng bức đẻ thuê, còn có những người tự nguyện đẻ thuê. Vì vậy, nhiều người đẻ thuê vừa là nạn nhân vừa là tội phạm, phải coi là tội mua bán trẻ em vì những đứa trẻ sinh ra từ đẻ thuê chưa chắc đã được làm con nuôi, mà có thể bị sử dụng vào mục đích khác. Trường hợp những cô gái tự nguyện đi bán dâm cũng vậy, phải có những xử lý thích đáng chứ không thể chỉ nhận sự trợ giúp của Nhà nước” - ông Xuân phân tích.
Về trách nhiệm của Nhà nước, dự luật quy định UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận nạn nhân và hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân và thông báo ngay với phòng lao động - thương binh và xã hội. Trong thời hạn chậm nhất là ba ngày kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, phòng lao động - thương binh và xã hội thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân.
Một số ý kiến cho rằng cần phải cụ thể hóa việc xử lý vi phạm các hành vi mua bán người vào luật này. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các chế tài đã được thể hiện trong Bộ luật hình sự và nhiều văn bản pháp luật khác. Quốc hội sẽ quyết định việc thông qua dự luật này vào ngày 29-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận