02/01/2024 09:00 GMT+7

Bất ngờ với tranh khỏa thân của Nguyễn Ngọc Thọ

Xem triển lãm 75 bức tranh của cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ đang bày tại phòng tranh 16 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhiều người phải bất ngờ về một cá tính sáng tạo mạnh mẽ, một tài năng ẩn giấu.

Khỏa thân trên biển, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ  - Ảnh: T.ĐIỂU

Khỏa thân trên biển, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngoại trừ học trò và những người thân cận thì đã kính tài, trọng lao động nghệ thuật say mê của ông từ lâu.

Hơn 70 bức tranh chủ yếu là sơn mài (thể loại ghi dấu ấn mạnh nhất của Nguyễn Ngọc Thọ) chọn ra trong bộ sưu tập của gia đình nhà sưu tập Đào Danh Hưng - Trần Cường, tuy mới chỉ là một góc nhỏ trong gia tài sáng tác khá đồ sộ của Nguyễn Ngọc Thọ nhưng cũng đủ khiến người xem phải bất ngờ vì một tài năng mà họ còn ít được biết tới.

Sinh thời, vốn là một nghệ sĩ rất cá tính trong sáng tạo nhưng lại khiêm nhường giữa cuộc đời, ông chỉ lẳng lặng làm việc mà không tổ chức một triển lãm cá nhân nào.

5 năm sau khi mất công chúng rộng rãi mới được chiêm ngưỡng một phần gia tài hội họa của ông qua triển lãm đầu tiên và giờ là triển lãm thứ hai.

Thiếu nữ Hà Nội, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Thiếu nữ Hà Nội, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngây ngất với những phụ nữ Hà Nội của Nguyễn Ngọc Thọ

Lần này nhà sưu tập Trần Cường chọn giới thiệu tới người yêu mỹ thuật những bức vẽ phụ nữ khỏa thân vô cùng tinh tế và đầy rung cảm, những chân dung thiếu nữ Hà Nội tuyệt đẹp ở dung mạo lẫn khí chất, và những bức vẽ con giống rất thú vị.

Nếu như những bức sơn mài vẽ dê, ngựa, hổ, gà đầy màu sắc tươi sáng của Nguyễn Ngọc Thọ, với những nét bút như trẻ thơ của một bậc thầy, phần nào gợi nhớ tới những bức vẽ con giống của Nguyễn Tư Nghiêm, thì những bức vẽ phụ nữ của cố họa sĩ rất riêng biệt ở cái tình cảm trong từng nét vẽ và phối màu ngây ngất.

Những cô gái trong tranh của ông hút hồn người bởi những vùng tóc đen miên man, ánh mắt to tròn ngơ ngác, khuôn mặt dịu hiền và trong ngần, thân mình gợi cảm không phô trương.

Ông chưng cất vẻ đẹp thiếu nữ Hà Nội của một thời nay có lẽ đã không còn. Người nghệ sĩ ấy có thể tạc lên những vẻ đẹp bất tử trong thầm lặng dằng dặc đời người.

Cả cuộc đời của người nghệ sĩ tài năng, cũng là một người thầy nghiêm cẩn, tận tụy ở trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp này đã chỉ lặng lẽ dâng hiến và cuồng nhiệt sáng tạo.

Khỏa thân 3, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Khỏa thân 3, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Bùng nổ và giản dị

Nguyễn Ngọc Thọ là họa sĩ thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau lứa họa sĩ mỹ thuật Đông Dương và họa sĩ khóa kháng chiến, là lứa họa sĩ khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại.

Như một tất yếu không thể khác của thế hệ mình, ở giai đoạn đầu ông vẽ nhiều tranh, ký họa công nhân trong nhà máy, công trường, hầm mỏ, trên nông trường…

Nhưng khác nhiều người cùng thế hệ, ông rất nhanh chóng bứt ra khỏi một lối duy nhất ấy, thử nghiệm với hội họa ấn tượng, biểu hiện, trừu tượng.

Trong triển lãm, những bức vẽ dê, ngựa, gà và bức Cơn lốc cho thấy rõ những thử nghiệm táo bạo về bút pháp, phong cách của Nguyễn Ngọc Thọ.

Bức trừu tượng Cơn lốc, sơn dầu của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Bức trừu tượng Cơn lốc, sơn dầu của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong khi đó ở tranh phụ nữ ông hầu như không quan tâm tới phong cách, chỉ một lòng vẽ sao cho ra được cái hồn nhân vật. Và ông đã đạt được mục tiêu ấy một cách xuất sắc.

Trong nghệ thuật, nói cho cùng thì mọi sáng tạo, đổi mới, tìm tòi thử nghiệm… cũng chỉ là để làm rung cảm con người.

Nếu nghệ sĩ có thể làm lay động công chúng theo một cách thật giản dị, đó chẳng phải là cách hay nhất?

Trong nhiều mảng đề tài, Nguyễn Ngọc Thọ đã chọn lối ấy để đi thẳng vào trái tim người xem.

Hai mẹ con dê, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Hai mẹ con dê, sơn mài của Nguyễn Ngọc Thọ - Ảnh: T.ĐIỂU

Tranh quý điện Cần Chánh cần về đúng chỗTranh quý điện Cần Chánh cần về đúng chỗ

Về vụ tranh quý từng treo ở điện Cần Chánh được phát hiện trong trường đại học nhưng không đủ điều kiện bảo vệ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng bảo vật cần được về lại đúng chỗ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên