Tiếng Việt khó học nên tới giờ tôi chỉ nói được lõm bõm vài từ và từ tôi phát âm chuẩn nhất có lẽ là “bánh mì”.
Phóng to |
Đi du lịch cũng là một sở thích của tôi ở VN. Tôi thường rong ruổi khắp phố phường trên chiếc môtô cũ mua lại từ một người bạn. Việc lái xe ở VN thú vị nhưng cũng khá căng thẳng, luôn đòi hỏi tôi phải tập trung cao độ. Cuối tuần trước có dịp đến vùng đất hoang sơ Phú Quốc, tôi phải thừa nhận phong cảnh ở đây rất đẹp. Chỉ tiếc là tôi phát hiện vẻ đẹp dung dị đó đang bị ảnh hưởng lớn từ những công trình đang xây dựng.
Gần đây, trong một lần tham gia hội chợ ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, tôi vô tình đi ngang qua một gian hàng và rất ấn tượng với những sản phẩm làm bằng tay xinh xắn và có hương thơm thảo dược dễ chịu.
Khi tìm hiểu, tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết đó là sản phẩm làm bằng tay của những bạn trẻ khuyết tật tại doanh nghiệp xã hội Thiên Tâm (tên đầy đủ là Công ty TNHH thương mại sản xuất dịch vụ Thiên Tâm, trụ sở tại Q.Bình Thạnh). Tôi mua một vài sản phẩm như gối giày (gối cho vào giày khi không mang để khử mùi), khẩu trang thảo dược để dùng và rất thích thú với công dụng của nó. Từng có kinh nghiệm làm việc trong một tổ chức người khuyết tật tại Đức, tôi quyết định ghé thăm doanh nghiệp trên.
Theo bà Trần Thị Trung Thuận, giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất dịch vụ Thiên Tâm, doanh nghiệp có 50% nhân viên là người khuyết tật trở lên sẽ được ưu đãi thuế. Doanh nghiệp của bà Thuận có năm lao động bình thường và sáu lao động khuyết tật, đủ tiêu chuẩn được giảm thuế, nhưng bà vẫn muốn đóng thuế như bình thường để giúp lao động khuyết tật cảm nhận được sự bình đẳng trọn vẹn trong công việc. Theo trang web của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP.VN), hiện nay ở VN có khoảng 29 doanh nghiệp xã hội tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. |
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp xã hội tại VN, theo tôi, là điều bất ngờ đồng thời là một tín hiệu tốt. Ở Đức, mô hình này khá phổ biến và được chính phủ, người dân ủng hộ nhiệt tình bởi tính nhân văn của nó. Tôi thích mô hình này bởi đây không phải là nơi mở ra để xin tiền tài trợ, mà là nơi đấu tranh cho sự bình đẳng của các bạn khuyết tật. Tôi đồng ý với cô Thuận, chủ doanh nghiệp xã hội trên, ở quan điểm: “Người khuyết tật chỉ khuyết tật khi họ không có cơ hội đóng góp cho xã hội”.
Đối với những phận đời kém may mắn, người dân quê hương tôi tôn trọng họ và ngược lại họ cũng thẳng thắn trong việc nhìn nhận khiếm khuyết không may mắc phải của mình. Có thể do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông nên nhiều bạn trẻ khuyết tật ở VN nói chung vẫn còn khá rụt rè mỗi khi có ai đề cập tới. Tôi mong các bạn tự tin, nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn vì đó là cách tốt nhất để gầy dựng niềm tin ở bản thân. Không có sự tự tin sẽ rất khó để có được một cuộc sống bình thường.
Nhà nước Đức cũng có những khoản hỗ trợ tài chính nhất định cho người khuyết tật và những doanh nghiệp xã hội được ưu đãi như miễn thuế... Tôi mong những doanh nghiệp xã hội ở VN cũng sẽ có những hỗ trợ tương tự để họ có cơ hội cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp bình thường khác.
Bên cạnh đó, theo tôi, điều tốt nhất xã hội chúng ta nên làm là tránh kỳ thị người khuyết tật. Mọi người đều bình đẳng và có quyền đóng góp công sức cho cộng đồng. Hãy tạo cơ hội làm việc và hòa nhập cho người khuyết tật. Làm được như vậy thì thế giới của chúng ta sẽ tươi sáng hơn nhiều bởi sẽ chẳng còn ai là người khuyết tật.
Luật người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Nghị định 28/2012 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật người khuyết tật đã được ban hành, nhưng hiện nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định. Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hiện TP vẫn đang áp dụng nghị định 67/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, người khuyết tật nặng (người không có khả năng lao động, không có khả năng tự phục vụ) được nhận trợ cấp 240.000 đồng/ tháng. Ngoài ra, đối tượng này còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT và hỗ trợ mai táng phí khi mất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận