26/06/2017 17:30 GMT+7

Bất an với chủ trương đấu thầu quyền khai thác taxi

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo dự thảo lần 4 Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Hà Nội của UBND TP. Hà Nội các doanh nghiệp taxi phải tham gia đấu thầu để được cung ứng dịch vụ taxi.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng đấu thầu quyền khai thác taxi, sử dụng trung tâm điều hành chung cho các hãng taxi là không hợp lý- Ảnh: TUẤN PHÙNG
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng đấu thầu quyền khai thác taxi, sử dụng trung tâm điều hành chung cho các hãng taxi là không hợp lý- Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải  Hà Nội cho rằng  việc đấu thầu là không phù hợp, gây bất an cho doanh nghiệp.

Trong văn bản vừa gửi Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tư pháp, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng một số nội dung dự thảo của Quy chế trên nếu đi vào thực tế sẽ tạo ra nhiều bất cập, rủi ro cho doanh nghiệp taxi hiện nay.

Cụ thể, dự thảo  quy định UBND TP. Hà Nội lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi theo hình thức đấu thầu; xe được phép khai thác, sử dụng có thời hạn 8 năm, tính từ năm sản xuất.

Sau thời gian 8 năm khai thác xe sẽ được mang đấu thầu; Với những xe chưa khai thác hết thời gian khai thác mà thay thế bằng xe mới thì chỉ được tính quyền khai thác các năm còn lại của xe trước đó.

Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng quy định đấu thầu  sai về mặt bản chất chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý địa phương và không đảm bảo tính khách quan, dễ nảy sinh tiêu cực.

Bởi vì, Sở Giao thông vận tải đang là cơ quan quản lý, theo dự thảo quy chế đã trở thành bên giao thầu (bên A) cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi  để biến các doanh nghiệp vận tải trở thành bên nhận thầu (bên B).

Điều này sai về mặt bản chất chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý địa phương là Sở  Giao thông vận tải  thực hiện quản lý vận tải theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng ô tô và theo thông tư liên quan của Bộ Giao thông vận tải.  

Việc Sở  Giao thông vận tải vừa là cơ quan quản lý vừa là bên giao thông sẽ không đảm bảo tính khách quan trong việc đấu thầu, dễ nảy sinh tiêu cực.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội dẫn chứng là Hà Nội  có chủ trương ngừng cấp phù hiệu taxi từ năm 2012. Thời điểm đó tổng số xe taxi đã được cấp phù hiệu TAXI HANOI là 17.400 xe.

Nhưng đến  tháng 6-2016 thì tổng số phù hiệu đã cấp là 19.141 chiếc.

Số lượng 1.741 phù hiệu TAXI HANOI tăng thêm đã được cấp cho đơn vị nào, căn cứ theo tiêu chuẩn nào đến nay các doanh nghiệp taxi vẫn chưa có bất cứ một thông tin công khai, minh bạch từ phía các cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc đấu thầu quyền khai thác dễ đẩy doanh nghiệp vào thế bị động, tước đi quyền tự chủ kinh doanh, đầu tư thay thế phương tiện.

Thay vì quyền được tự chủ kinh doanh thì các doanh nghiệp lại phải đấu thầu để mua lại quyền khai thác của chính chiếc xe mình vừa thanh lý. Việc này làm gia tăng chi phí và tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trúng thầu dễ tăng giá cước để bù đắp chi phí đấu thầu, cuối cùng khách hàng  phải gánh chịu khoản chi phí này.

Theo dự thảo, từ đầu năm 2019  các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội  sẽ bắt buộc phải tham gia, sử dụng Trung tâm điều hành chung của thành phố. Nếu không tham gia sẽ bị cắt tần số, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, thu hồi phù hiệu taxi để đem đấu thầu.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội  cho rằng việc sử dụng Trung tâm điều hành chung không làm chất lượng dịch vụ taxi của Hà Nội tốt hơn mà làm gia tăng bộ máy, con người, tăng gánh nặng ngân sách thành phố.

Cơ quan quản lý nhà nước đứng ra vận hành một Trung tâm điều hành kinh doanh chung cho tất cả các doanh nghiệp sẽ không gắn được giữa quyền lợi và trách nhiệm, tạo nên một mô hình mang dáng dấp hợp tác xã, bao cấp, trái với quy luật của kinh tế thị trường.

Việc này dễ tạo kẽ hở cho  nhân viên điều hành ăn dơ với doanh nghiệp, lái xe để điều chuyển các cuốc khách cho các doanh nghiệp, lái xe đã chi tiền thưởng cho họ tính trên số lượng cuốc khách điều chuyển…

Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng khách hàng lựa chọn dịch vụ taxi trên cơ sở chất lượng và giá của dịch vụ mà hãng taxi cung cấp. Chất lượng dịch vụ tạo nên thương hiệu của các hãng taxi.

Việc sử dụng Trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi thực chất là lấy đi giá trị thương hiệu từ các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều năm để san sẻ cho các doanh nghiệp mới, quản lý yếu kém, ít đầu tư.  

Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Giao thông vận tải chờ  Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng ô tô để làm cơ sở xây dựng cho Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Hà Nội, tránh tình trạng  Quy chế vừa ban hành đã không phù hợp với các quy định của nghị định mới.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên