26/08/2019 08:51 GMT+7

Bảo vệ môi trường: Bớt nói, hãy hành động

ANDREW CARMICHAEL  (Nười Úc) - HỒNG VÂN ghi
ANDREW CARMICHAEL (Nười Úc) - HỒNG VÂN ghi

TTO - Tôi tham gia phong trào bảo vệ môi trường ở Úc từ những năm 1970-1980, khi còn là một thanh niên. Chúng tôi vận động bảo vệ rừng ở Úc khỏi những hệ lụy từ ngành công nghiệp làm bột giấy và nhiều vấn đề khác.

Bảo vệ môi trường:  Bớt nói,  hãy hành động - Ảnh 1.

Quốc lộ 91 đã sụp nửa mặt đường còn lại với chiều dài 35m và ăn sâu vào bờ gần 4m - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cho đến nay, sau gần một đời tham gia cũng như quan tâm đến các vấn đề môi trường, tôi thấy rằng ý thức của người dân trong cộng đồng tôi sinh sống đã tăng lên nhưng vẫn thiếu những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường tốt và có hiệu quả hơn.

Có một khoảng cách lớn giữa những gì chúng ta biết là tốt hoặc không tốt cho môi trường và những gì chúng ta thực sự hành động. Chẳng hạn, chúng ta biết canh tác hữu cơ tốt cho đất và hệ sinh thái nhưng chúng ta vẫn lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong sản xuất trồng trọt vì chúng ta phụ thuộc vào nó quá lâu. Chúng ta biết thiên nhiên tốt cho tâm trí và sức khỏe con người nhưng vẫn tìm cách lấn chiếm, phá rừng, làm suy thoái rừng vì nhiều mục đích.

Người nghèo thì nói họ cần kinh tế, miếng ăn, thu nhập trước khi nghĩ đến môi trường. Người giàu thì luôn có đội ngũ chuyên gia vận động chính sách, truyền thông để thuyết phục các chính trị gia rằng môi trường cần phải hi sinh để tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế.

Tôi sống ở Nha Trang 13 năm qua và thấy rằng thành phố đã phát triển theo hướng xây dựng nhiều công trình, nhà cửa hơn. Thiên nhiên dần lùi bước trước con người. Bãi biển nhiều người hơn nhưng ngư dân địa phương đi thuyền thúng đánh bắt hải sản gần bờ mỗi ngày lại câu được ít cá mực hơn.

Rõ ràng Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng có những vấn đề chỉ tồi tệ hơn theo thời gian nếu chúng ta khoanh tay ngồi nhìn như nước biển dâng kết hợp sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. 

Thiệt hại kinh tế này khiến người dân phải gánh chịu. Nếu không ngăn chặn tình trạng khai thác cát cũng như có các vấn đề thích ứng với tình trạng mất phù sa do hệ thống đập thủy điện trên dòng sông Mekong từ Trung Quốc trở xuống, tình hình của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là thảm họa.

Bảo vệ môi trường:  Bớt nói,  hãy hành động - Ảnh 2.

Sạt lở ở một bờ biển ở miền Trung - Ảnh: TTO

Tuy nhiên với nhiều người, ngày không lành của tương lai này dường như chỉ là một lời hù dọa xa vời. Thậm chí nếu có, chi phí của thảm họa bị chia cho nhiều người gánh chịu và như thế chúng ta không biết tổng chi phí thực sự của một thảm họa thiên nhiên. Tôi mong muốn nhìn thấy nhiều hành động thực tiễn hơn cho môi trường.

Tuyên truyền là tốt nhưng chúng ta cần quyết tâm và quyết liệt hơn trong hành động. Kêu gọi và đoàn kết với mọi người để bảo vệ môi trường không phải là câu chuyện của những kẻ "lập dị".

Ông ROB LOCK (người New Zealand):

Giáo dục và tuyên truyền giúp thay đổi ý thức người dân

Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đẹp và giàu tài nguyên nhưng chúng đang bị phá hoại bởi sự lười biếng, bất cẩn của một bộ phận người dân và sự thiếu hụt cơ sở vật chất.

phong nha

Một góc bên trong động Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh: TTO

Mặc dù du lịch là một trong những ngành công nghiệp chính của Việt Nam, hiện chỉ có 11% khách du lịch quay lại lần thứ hai, trong khi đó tại Thái Lan có đến 30% số khách quay trở lại. Phần lớn khách du lịch than phiền về rác thải trên biển và các cảnh quan đẹp. Việc giữ cho môi trường sạch sẽ giúp khách quay trở lại đất nước các bạn.

Thêm vào đó, thiên nhiên Việt Nam cần phải được bảo vệ để các thế hệ sau còn được chứng kiến vẻ đẹp của đất nước này. Các bạn hãy tránh phạm phải sai lầm giống Malaysia, nước này đã cho phép nhà ở và công nghiệp phát triển quá mức gây ô nhiễm toàn bộ sông ngòi và phá hủy vô số cảnh quan thiên nhiên.

Tôi nghĩ rằng người Việt ngày càng có ý thức bảo vệ thiên nhiên, nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, giáo dục, cũng như nơi sinh sống của từng nhóm người. Những người trẻ sinh sống ở thành phố lớn được giáo dục tốt, thường có ý thức tốt hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, một số người lớn tuổi ở Việt Nam vẫn còn thiếu ý thức và từ chối thay đổi. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn dễ thấy ở Malaysia, Indonesia hay Philippines.

Giáo dục và tuyên truyền là hai yếu tố quan trọng để nâng cao ý thức người dân. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần siết chặt luật pháp. Điều này đặc biệt hiệu quả ở Singapore. Singapore sạch vì luật pháp bảo vệ môi trường của họ nghiêm ngặt chứ không phải vì người dân ở sạch quá mức. Tôi nghĩ nếu mỗi người dân trong số 90 triệu người Việt thể hiện tình yêu đất nước bằng cách dọn rác, Việt Nam sẽ sạch hơn bây giờ rất nhiều. HÀ MY ghi

Ông TONY SHEPHERD (người Úc):

Dạy trẻ em bảo vệ môi trường

Theo quan điểm của tôi, mọi người cần phải có "lương tâm" trong việc bảo vệ hành tinh cũng như tôn trọng tất cả các loài sinh sống trên hành tinh này. Điều đó rất quan trọng, là trách nhiệm lớn nhất của chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có duy nhất một hành tinh để sống.

Con người dường như cũng là những "kẻ thuê nhà" tồi tệ nhất khi cứ chặt cây phá rừng để xây nhà, giải phóng mặt bằng... Quá trình đó hủy hoại môi trường sống của nhiều loài động vật và thực vật, khiến động vật bản địa tuyệt chủng, côn trùng chết đi... và cứ thế luẩn quẩn những hệ lụy.

pha rung 2

Nhiều cánh rừng nguyên sinh ở miền Trung đã bị đốn hạ không thương tiếc. - Ảnh: TTO

Thành thật mà nói, tôi thấy dường như người ta không mấy bận tâm đến chuyện bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện chỉ có ở Việt Nam. Tình trạng môi trường bị phá hoại cũng xảy ra ở Úc, nhân danh sự phát triển và tạo ra công ăn việc làm cho người dân.

Trong đời mình, tôi chứng kiến cảnh loài koala bản địa gần như tuyệt chủng do việc xây dựng các vùng ngoại ô mới và giải phóng mặt bằng mà không có sự quản lý đất đai hợp lý.

Sẽ khó để có thể thay đổi tư duy của 90 triệu con người, đặc biệt là những người có thái độ ích kỷ đối với môi trường. Tuy nhiên, nếu muốn thay đổi thì tôi nghĩ nơi tốt nhất để bắt đầu là trong trường học, hãy dạy những đứa trẻ về môi trường. Ngoài ra, quy định chặt chẽ hơn, những hình phạt đánh vào túi tiền cũng sẽ có tác dụng răn đe, chứ không phải cứ làm sai rồi xin lỗi là xong.

NGỌC ĐÔNG ghi

Xôn xao quanh chuyện Xôn xao quanh chuyện '30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm'

TTO - Trước ý kiến cho rằng thả hoa đăng xuống biển gây ô nhiễm môi trường và làm mất giá trị Phật giáo, thượng tọa Thích Tục Khang - trưởng ban tổ chức đại lễ Vu Lan tại Cát Bà - cho rằng những ý kiến đó chưa phản ánh hết sự việc diễn ra.

ANDREW CARMICHAEL (Nười Úc) - HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên