27/11/2006 06:07 GMT+7

"Bảo vệ luận án" dưới cờ

PHI LONG
PHI LONG

TT - Chuyện xảy ra ở Trường THCS Võ Thị Sáu (Bạc Liêu) từ hơn 10 năm nay, trở thành niềm hãnh diện của nhiều học sinh khi nói về trường mình.

6vFaLBKc.jpgPhóng to
Một buổi “bảo vệ luận án” dưới cờ của Trường THCS Võ Thị Sáu (TX Bạc Liêu) - Ảnh: PHI LONG
TT - Chuyện xảy ra ở Trường THCS Võ Thị Sáu (Bạc Liêu) từ hơn 10 năm nay, trở thành niềm hãnh diện của nhiều học sinh khi nói về trường mình.

Niềm vui khi đứng dưới cờ

Gần cuối học kỳ I, học sinh (HS) Trường THCS Võ Thị Sáu lại rục rịch với các bài viết về những sáng kiến học tập “made in... chính mình” để bảo vệ dưới cờ. Cô Ngô Mỹ Huổi (tổng phụ trách Đội Trường THCS Võ Thị Sáu) cho biết: “Đó là những bài viết về các phương pháp học tập của môn học mình có thành tích tốt để tham gia phong trào viết “Sáng kiến kinh nghiệm”; được tổ chức hằng năm dành cho năm môn học là toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh”.

Bài viết là những kinh nghiệm học tập cụ thể như: làm sao để học từ vựng tiếng Anh nhanh thuộc, cách chuẩn bị tư liệu để có một bài văn hay, cách giải một bài toán nhanh... Những bài “luận án” khi hoàn thành sẽ được các thầy cô bộ môn duyệt trước khi tiến hành “bảo vệ”. Chỉ tính riêng khâu này đã có nhiều bài bị rơi rụng và những bài thật sự có chất lượng mới vượt qua cửa ải này.

Người đưa ra sáng kiến là thầy hiệu trưởng Lâm Văn Tỷ (lúc đó còn làm tổng phụ trách Đội). Thầy Tỷ tâm sự: “Trước đây, một buổi chào cờ kéo dài khoảng 45 phút, mà nói thật phần lớn thời gian dùng để... rầy la học trò. Có buổi chào cờ trở nên nặng nề, HS không hứng thú. Tôi chợt nghĩ phải làm sao cải tiến để tiết sinh hoạt dưới cờ trở thành một buổi sinh hoạt thật hấp dẫn và thu hút”. Từ ý nghĩ đó, thầy Tỷ đã đề xuất phát động phong trào viết sáng kiến học tập ở hai khối lớp cuối cấp là 8 và 9.

“Sau khi vượt qua vòng 1, những tác giả có khả năng thuyết trình mới được chọn để bảo vệ đề tài trong những buổi chào cờ. Thầy cô thường phải tập luyện cho học trò mình những kỹ năng cần thiết khi nói chuyện trước đông người để diễn giả có thể tự tin trình bày tất cả những điều mình suy nghĩ” - cô Huổi cho biết thêm.

Buổi “bảo vệ luận án” được ưu ái chiếm đến 2/3 thời gian của buổi chào cờ. Trong đó người bảo vệ có 15 phút trình bày phương pháp học tập của mình và 15 phút còn lại dành cho tranh luận. Diễn giả học trò “bị” bạn bè bên dưới đưa ra hàng loạt câu hỏi chất vấn như: đó có phải là phương pháp tốt nhất? Cách học đó có hợp với mình không?... Và để tránh tình trạng diễn giả... “bí” ở những câu hỏi quá hóc búa, nhà trường bố trí hẳn một giáo viên bộ môn làm cố vấn ngay tại buổi thuyết trình.

Những bài học hay

Gặp chúng tôi khi vừa đoạt giải nhì trong phong trào viết “Sáng kiến kinh nghiệm” năm nay, bạn Trương Ngọc Quyên phấn khởi: “Từ năm lớp 6, trong những buổi chào cờ em chú ý cách thuyết trình cũng như những phương pháp học tập hay của các anh chị khối trên”. Đến năm nay khi đã đủ tuổi dự thi, Quyên tự tin tham gia viết phương pháp học tốt môn văn.

Trong bài viết của mình, Quyên nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có một cuốn sổ tay trong việc học môn văn. Khi đọc sách báo hay vô tình tìm được một tư liệu cần ghi ngay vào để những lúc rảnh rỗi lấy ra đọc lại. “Vừa rồi trong lúc làm bài văn cần một câu danh ngôn để trích dẫn, em nhớ ngay đến một câu đã được ghi trong cuốn sổ tay ấy và được cô khen đó” - Quyên nói với vẻ khá tự hào.

Quách Huỳnh Khánh Linh (lớp 9) nhận xét: trong môn hóa, HS thường khó khăn trong việc nhớ định nghĩa và tính chất đặc trưng của các chất. Để khắc phục tình trạng này, Khánh Linh đã đưa ra giải pháp: cần tập trung quan sát kỹ trong những buổi thực hành vì “trăm nghe không bằng một thấy”. Nếu thực hành trong lớp vẫn chưa đủ đô thì tranh thủ những lúc rảnh vào phòng thí nghiệm của trường thực hành thêm. Còn Lư Nhất Khánh (lớp 9) lại “đối phó” với môn vật lý bằng cách tự hệ thống các công thức theo bốn phân môn của môn vật lý (cơ, điện, nhiệt, quang) để học... mọi lúc mọi nơi.

Thầy Tỷ cho biết: “Nhờ những buổi chào cờ đặc biệt này, chất lượng học tập của HS đã được cải thiện rõ rệt”. Còn bạn Lê Thanh Trúc thì cho rằng: “Những buổi thuyết trình dưới cờ ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm học tập còn là cơ hội rèn luyện khả năng nói chuyện trước đông người”.

Thật vui khi đa số học trò Trường Võ Thị Sáu đã háo hức chờ đến những tiết học thật sự dưới cờ như thế đấy.

PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên