23/07/2016 10:01 GMT+7

HS Hà Nội hỏi: Học ngành gì để em được bầu vào Quốc hội?

THANH HÀ - THU HẰNG - D.LIỄU - VĨNH HÀ - N.H.THANH - HOÀI NAM - PHƯƠNG NHI - CHÍ TUỆ - NGUYỄN KHÁNH
THANH HÀ - THU HẰNG - D.LIỄU - VĨNH HÀ - N.H.THANH - HOÀI NAM - PHƯƠNG NHI - CHÍ TUỆ - NGUYỄN KHÁNH

TTO - Sáng nay 23-7, Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH - CĐ do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức đã khai mạc tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngày hội kéo dài đến 17g chiều.

Các bạn học sinh xem tờ rơi, tìm hiểu các trường - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các bạn học sinh trao đổi về chỉ tiêu tuyển sinh và các khoa ngành của các trường ĐH - CĐ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tham dự lễ khai mạc có đại diện Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Bách khoa và các trường ĐH trong nhóm GX, ông Lê Khắc Hiệp - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - đại diện nhà tài trợ.

Hiện đã có rất đông thí sinh và phụ huynh có mặt tại các gian tư vấn để trực tiếp trao đổi với cán bộ tư vấn tuyển sinh của các trường. Sau khi diễn ra lễ khai mạc, thí sinh sẽ được tư vấn theo hai nhóm ngành. Các chuyên gia sẽ tham gia tư vấn tại ngày hội ở Hà Nội.

Dù nhà cách Đại học Bách khoa 12km nhưng em Đỗ Thị Phương Thảo (Văn Lang, Hà Đông) vẫn có mặt tại điểm tư vấn xét tuyển từ rất sớm.

Đợt thi THPT vừa rồi, Thảo đạt 20,5 điểm. Nguyện vọng của em là được xét vào khoa Quản trị kinh doanh ĐH Thương mại Hà Nội. Học 3 năm tiếng Pháp tại THPT chuyên Nguyễn Huệ Hà Đông, Thảo chọn trường này vì đây là một trong số ít trường tại Hà Nội có đào tạo song song tiếng Pháp.

Chia sẻ về lý do đến với chương trình tư vấn xét tuyển của Tuổi Trẻ, Thảo hào hứng nói: "Em đến đây từ 7g20. Em rất mong để được lắng nghe tư vấn của các thầy cô Trường ĐH Thương mại về nguyện vọng của mình. Mục tiêu của em là theo học tại đây và sau đó du học Pháp".

Thay mặt Bộ GD-ĐT, PGS Trần Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đã phát biểu khai mạc ngày hội.

Ông Tuấn khẳng định báo Tuổi Trẻ luôn là cơ quan truyền thông đi đầu trong các hoạt động tư vấn hướng nghiệp hỗ trợ thí sinh. Những hoạt động do báo tổ chức có quy mô rộng và chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của thí sinh, có sức lan tỏa rộng trong xã hội.

Ông Tuấn cũng lưu ý thí sinh những điểm mới trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc tham dự ngày hội và theo dõi các chương trình tư vấn của báo Tuổi Trẻ sẽ giúp thí sinh có đủ thông tin, được các chuyên gia từ các trường tư vấn, hướng dẫn để có quyết định phù hợp.

Cùng phát biểu khai mạc, ông Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết: Thấu hiểu băn khoăn của các bạn thí sinh trước quyết định quan trọng ảnh hưởng tương lai của mình, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup tổ chức ngày hội này. Đây là lần đầu tiên Ngày hội tư vấn xét tuyển được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Lê Thế Chữ nhấn mạnh: "Sau ngày hội, nếu các bạn thí sinh vẫn còn băn khoăn thì có thể truy cập vào trang web của báo Tuổi Trẻ tại địa chỉ tuoitre.vn. Đội ngũ phóng viên của báo sẽ kết nối thí sinh với các trường để có thông tin mới nhất".

Phụ huynh chất vấn “sát ván” ban tư vấn

Nhiều phụ huynh quan tâm nhiều tới các tổ hợp môn thi, số nguyện vọng xét tuyển, đặc biệt là nên chọn thế nào để cơ hội đỗ cao nhất.

Ông Nam Nhật Minh - phó trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh & công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - khẳng định với phương thức xét tuyển năm nay, thí sinh có thể đăng kí thi nhiều môn, và đăng kí xét tuyển theo nhiều tổ hợp khác nhau theo thông tin tuyển sinh của các trường.  Nhưng cần lưu ý, nên chọn tổ hợp môn nào có kết quả cao hơn thì cơ hội nhiều hơn.

“Một thí sinh có thể đăng kí hai tổ hợp môn thi khác nhau vào cùng một trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng kí tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng trong một đợt tuyển sinh”, ông Minh nói.

Chưa hài lòng với giải thích trên, một số phụ huynh đã chất vấn ngược lại đại diện của Bộ GD-ĐT khi cho rằng: “Bộ và các trường phải làm thế nào để tránh tình trạng “ảo”?  Nếu thí sinh nộp quá nhiều nguyện vọng thì làm thế nào kiểm soát được, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh?”

Ông Minh cho biết nếu thí sinh đăng kí trực tuyến thì thông tin sẽ nhập vào hệ thống dữ liệu và hệ thống này sẽ không cho phép thí sinh đăng kí quá nhiều nguyện vọng.

Những hồ sơ của thí sinh gửi theo đường bưu điện sẽ được cán bộ tuyển sinh các trường nhập dữ liệu vào hệ thống. Nếu nguyện vọng nào tới trước được nhập trước, nếu thí sinh nộp quá nguyện vọng cho phép thì nguyện vọng gửi đến sau sẽ không hợp lệ, không được nhập vào hệ thống quản lý trung tâm.

Không nên coi xét tuyển là “chơi chứng khoán”

Theo TS Vũ Viết Bình, trung tâm khảo thí ĐHQG HN, một số phụ huynh chia sẻ họ tìm kiếm phương án xét tuyển như “chơi chứng khoán”, tức là phải chọn một trường an toàn để “chắc chắn đỗ” nhưng vẫn chọn một nguyện vọng vào một  trường mà cả bố mẹ và con cùng yêu thích, nhưng không tự tin. Nếu được vào trường yêu thích thì rất vui nhưng lại không dám đặt đó là nguyện vọng số 1.

Nên dựa vào sở thích, hoài bão, năng lực và sở trường thực sự của học sinh để lựa chọn chứ không nên coi việc chọn phương án xét tuyển là việc “chơi chứng khoán”. Vì có thể may mắn con anh, chị đỗ vào một ngành nào đó, nhưng không phù hợp với năng lực và mong muốn thì đó không phải lựa chọn tốt.

Thầy Bình cho rằng việc định hướng nghề nghiệp đúng cho thí sinh là lý do ông và ban tư vấn ngồi tại ngày hội để tư vấn, chia sẻ,  chứ không phải mục đích là tư vấn cho phụ huynh “chơi chứng khoán”.

Làm tròn điểm thi như thế nào?

Đây là nhiều câu hỏi được gửi tới TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.

Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016 quy định điểm bài thi trắc nghiệm vẫn được tính trên thang điểm 10 nhưng được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Theo qui định này, hội đồng chấm thi sẽ phải lấy từ 0,01 đến 0,99 điểm đối với bài thi trắc nghiệm.

Nếu thí sinh được 4,99 điểm thi THPT Quốc gia 2016 cũng không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên. Trong trường hợp đạt từ 4,991 đến 4,994 sẽ được làm tròn thành 4,99 điểm. Chỉ từ 4,995 đến 4,999 thì mới được cộng tròn thành 5 điểm.

Chính vì vậy, đối với những môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể thấy điểm thi của mình lẻ đến hai chữ số thập phân hoặc lẻ ở những mức như 7,3 hay 9,6 hoặc 9,8 (chứ không tròn 7,5 hay 9,5 hoặc 9,75 như năm trước).

Đối với những môn thi tự luận, có thể thí sinh cũng có điểm thi lẻ. Đó là những trường hợp bài thi có kết quả chấm của ba cán bộ chấm thi lệch nhau. Trong trường hợp đó, điểm của bài thi là tổng điểm ba lần chấm chia ba. Tuy nhiên, số trường hợp này không nhiều. Kết quả cuối cùng cũng chỉ làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Ví dụ như bài thi được 6,257 sẽ làm tròn lên thành 6,26 điểm, còn nếu là 6,254 điểm sẽ làm tròn xuống thành 6,25 điểm, thay vì làm tròn thành 6,3 như trước đây.

Với cách làm tròn điểm như năm nay, sẽ có những thí sinh có điểm rất lẻ.

Thí sinh sẽ không được làm tròn điểm từng môn thi mà khi xét tuyển, cộng tổng điểm ba môn mới được làm tròn đến 0,25 điểm. Ví dụ thí sinh được 23,35 điểm sẽ được làm tròn thành 23,25. Nếu thí sinh được 17,55 hay 17,60 sẽ được làm tròn thành 17,5 điểm

Học ngành gì thì em có cơ hội được bầu vào Quốc hội?

TS Phạm Mạnh Hà, phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên VN, tư vấn: Các em học ngành công tác thanh niên của Học viện Thanh thiếu niên để làm cán bộ Đoàn các cấp. Các cán bộ Đoàn có cơ hội cao tham gia vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống chính trị các cấp. Mỗi kì bầu Quốc hội, cơ hội cho các đại biểu trẻ là cán bộ Đoàn cũng luôn được quan tâm.

Tuy nhiên, TS Phạm Mạnh Hà cũng nhấn mạnh dù làm ở ngành nào, nếu các bạn trẻ có tâm huyết, có ý thức và luôn nỗ lực trong học tập, rèn luyện thì các em đều có thể đóng góp cho đất nước theo cách khác nhau.

Giữ micro không muốn dời

Tại khu tư vấn nhóm ngành Kinh tế, nhiều phụ huynh đã giữ chặt mic không muốn trao lại cho người khác để giành quyền được hỏi.

Nếu như các thí sinh chỉ đặt một câu hỏi và lắng nghe phần trả lời thì nhiều phụ huynh hỏi liền 2-3 câu hỏi và thường chưa thỏa mãn với giải thích của các thầy, cô trong ban tư vấn.

Một số phụ huynh ngay khi chương trình tư vấn còn đang diễn ra đã sốt ruột lao lên sân khấu để gặp bằng được thầy mà mình cần hỏi. 

Thông cảm với nỗi sốt ruột, căng thẳng của các phụ huynh nên các thầy, cô cũng linh hoạt trả lời. 

Những chất vấn của các bậc phụ huynh tập trung chủ yếu vào phương án xét tuyển của các trường, cách để xác nhận việc trúng tuyển nhanh nhất, không kéo dài như năm trước. 

Có những câu hỏi, các thầy, cô trong ban tư vấn phải vất vả “chia sẻ” với nhau phần trả lời để thỏa mãn các chất vấn của phụ huynh.

Tuy vậy, không có tình trạng hỗn loạn, mà hầu hết các phụ huynh và thí sinh đều lắng nghe chăm chú các câu trả lời của ban tư vấn.

Nhóm GX chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016. Nhóm gồm 12 trường ĐH, học viện lớn ở phía Bắc: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ - địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ giao thông vận tải, Học viện Ngân hàng, ĐH Thăng Long, Học viện Chính sách và phát triển.

Nhóm GX đắt hàng câu hỏi

“Đăng kí xét tuyển vào GX có lợi thế nào so với đăng kí vào trường bên ngoài?”, “Nếu trượt nguyện vọng của ngành bên ngoài thì có thể được đăng kí tiếp vào GX không?”, “Thủ tục đăng kí vào GX như thế nào?”...

Tại khu vực tư vấn xét tuyển khối ngành Kinh tế, PGS Lê Thị Thu Thủy, phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, khẳng định do GX sử dụng hệ thống dữ liệu xét tuyển chung nên sẽ không có tình trạng “trúng tuyển ảo” như năm trước. Nên cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn, rút ngắn thời gian xét tuyển.

Các thầy, cô tư vấn là đại diện các trường trong nhóm GX cho biết GX có danh sách các nhóm ngành cụ thể mà các trường trong nhóm đều đào tạo, nhưng mỗi trường thì có đặc trưng khác nhau. Ví dụ cùng ngành công nghệ thông tin, các trường khối kinh tế và kỹ thuật trong nhóm cũng đào tạo, nhưng nội dụng đào tạo, yêu cầu đào tạo khác nhau. Thông tin này giúp thí sinh dễ dàng xác định hướng chọn ngành cho mình

Nhiều cơ hội đào tạo nước ngoài tại ngày hội tư vấn xét tuyển

Trong số 70 gian tư vấn tại ngày hội, các gian tư vấn đào tạo nước ngoài thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh. Các học sinh đến nghe tư vấn tại các gian hàng này đều muốn có cơ hội du học.

“Em thích nước Nhật, thích con người Nhật và cách đào tạo của họ. Em đến ngày hội để mong được tư vấn kỹ hơn, tìm hiểu cơ hội khi du học tại nước này”, em Phương Anh (Hà Nội) bày tỏ.

Tại gian hàng tư vấn của trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam, những giảng viên từ Nhật Bản đã đến Việt Nam tư vấn trực tiếp cho học sinh, phụ huynh.

Theo thông tin chia sẻ của bà Nguyễn Thị Yến, nhân viên tư vấn của trường, phương thức tuyển sinh của trường năm nay sẽ lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và phỏng vấn trực tiếp thí sinh.

“Năm nay sẽ ưu tiên các em thí sinh khối B, một số khối A. Khi học tại trường, sinh viên sẽ có cơ hội tham quan trường học tại Nhật Bản. Khi tham gia tư vấn trong ngày hội hôm nay, tôi mong muốn sẽ giới thiệu và tiếp xúc được với các học sinh, phụ huynh, mở ra cơ hội cho các bạn”, bà Yến cho hay.

Là người sẽ trực tiếp đào tạo, giảng dạy tại trường, ông Akihiko Kuriyama, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam, khẳng định: “Không một trường đại học nào sẽ chắc chắn đảm bảo được đầu ra cho sinh viên ngay sau khi mới ra trường, nhưng trường của tôi sẽ tạo được môi trường tốt nhất cho sinh viên, tạo cơ hội cho các bạn du học tại Nhật Bản. Nếu học tập tốt phía trường sẽ mở rộng cửa cho sinh viên làm việc tại Nhật”.

Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam - một trong những dự án hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản - vừa chính thức đi vào hoạt động tại khu đô thị Ecopark (Hà Nội).

Là trường ĐH tư thục đầu tiên của Nhật Bản tại Việt Nam, Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam do Học viện Y khoa Waseda và một số tổ chức, cá nhân khác của Nhật Bản đầu tư xây dựng tại Ecopark với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu USD, quy mô đào tạo 1.200 sinh viên/năm.

Với cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, giảng dạy theo chương trình đào tạo chuyên ngành y tế kỹ thuật cao của Nhật Bản, bà Mari Kusumi - chủ tịch Học viện Y khoa Waseda - cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc ở các bệnh viện lớn của VN và quốc tế, đủ tư cách dự thi chứng chỉ hành nghề quốc gia Nhật Bản để làm việc tại Nhật Bản, học nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Nhật Bản và các nước khác”.  

Bên cạnh đào tạo, Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam cũng dự định sẽ tổ chức và tham gia các hoạt động nghiên cứu, phổ biến các kỹ thuật y tế tiên tiến…    

Trường cho biết sẽ bắt đầu tuyển sinh, đào tạo trình độ ĐH lấy bằng cử nhân bốn năm đối với các chuyên ngành điều dưỡng, vật lý trị liệu và dụng cụ chỉnh hình chân tay giả từ tháng 9-2016.

Năm 2017, trường dự kiến mở thêm hai ngành hệ ĐH là xét nghiệm và kỹ thuật hình ảnh, ngành điều dưỡng hệ CĐ ba năm. Ngoài kiến thức chuyên ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sinh viên của trường cũng phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh và tiếng Nhật.

Không chỉ tuyển sinh sinh viên Việt Nam, trường có kế hoạch tiếp nhận sinh viên đến từ Nhật Bản, các nước ASEAN và các nước khác.

Cũng đến tham gia ngày hội tư vấn xét tuyển, trường quốc tế CHM dự định chỉ tiêu xét tuyển 420 học sinh và căn cứ vào chứng chỉ IELTS, đào tạo hệ cử nhân trong 3 năm.

“Nếu sinh viên nào còn kém tiếng Anh sẽ được trường đào tạo miễn phí, sau đó đi vào học chương trình chính. Ưu điểm của trường là có thời gian đào tạo rút ngắn, thí sinh có cơ hội vừa học, vừa làm, thực tập tại khách sạn 4 - 5 sao, đặc biệt sinh viên nào thực tập tốt tại các khách sạn sẽ được giữ lại trường học tập”, bà Đào Thị Thu Hà, nhân viên tại trường cho hay.

Bản thân có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy về nghệ thuật ẩm thực, ông Daniel Davyduke, giảng viên của trường chia sẻ: “Sau khi tham gia học tại trường, được học việc với các đầu bếp quốc tế về các kỹ năng cao cấp, sinh viên sẽ có nền móng vững chắc để làm việc tại bất kỳ đâu trên thế giới. Trong buổi học đầu tiên, tôi sẽ hỏi tất cả các học viên mong muốn điều gì, khi được biết mong muốn của từng người, tôi sẽ mang đến chính xác những điều họ mong muốn”.

Ông Daniel Davyduke, giảng viên giảng dạy về nghệ thuật ẩm thực của trường quốc tế CHM chia sẻ về kinh nghiệm truyền dạy cho sinh viên - Ảnh: Hoài Nam
Ông Daniel Davyduke, giảng viên giảng dạy về nghệ thuật ẩm thực của trường quốc tế CHM chia sẻ về kinh nghiệm truyền dạy cho sinh viên - Ảnh: Hoài Nam
Các bạn học sinh tập trung tại khu vực trường ĐH  Bách Khoa Hà Nội  để nghe tư vấn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các bạn học sinh tập trung tại khu vực Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để nghe tư vấn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một phụ huynh học sinh đến từ sớm để hỏi các thông tin liên quan đến tình hình xét tuyển tại trường ĐH Bách KHoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một phụ huynh học sinh đến từ sớm để hỏi các thông tin liên quan đến tình hình xét tuyển tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, phát biểu khai mạc ngày hội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - phát biểu khai mạc ngày hội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Thế Chữ - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh “Sau ngày hội nếu các bạn thí sinh còn băn khoăn thì có thể truy cập vào trang web của báo Tuổi Trẻ. Đội ngũ phóng viên báo Tuổi Trẻ sẽ kết nối thí sinh với các trường để có thông tin mới nhất” - Ảnh: Nguyễn Khánh
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nhấn mạnh: “Sau ngày hội nếu các bạn thí sinh còn băn khoăn thì có thể truy cập vào trang web của báo Tuổi Trẻ. Đội ngũ phóng viên báo Tuổi Trẻ sẽ kết nối thí sinh với các trường để có thông tin mới nhất” - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trần Anh Tuấn và ông Lê Thế Chữ tặng hoa cho các đơn vị hỗ trợ Ngày hội tư vấn, xét tuyển ĐH, CĐ 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trần Anh Tuấn và ông Lê Thế Chữ tặng hoa cho các đơn vị hỗ trợ Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH - CĐ 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đông đảo các thí sinh và các bậc phụ huynh đã đến tham dư ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2016 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đông đảo thí sinh và các bậc phụ huynh đã đến tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH - CĐ 2016 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các bạn sinh viên Viện liên kết Quốc tế ĐH FPT linh động di chuyển khắp khu vực tổ chức Ngày hội để sẵn sang hỗ trợ các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các bạn sinh viên Viện liên kết quốc tế ĐH FPT linh động di chuyển khắp khu vực tổ chức ngày hội để sẵn sàng hỗ trợ các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một tiết mục văn nghệ của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một tiết mục văn nghệ của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Đại diện các trường đại học, cao đẳng tư vấn trực tiếp cho thí sinh và người nhà - Ảnh: Chí Tuệ
Đại diện các trường đại học, cao đẳng tư vấn trực tiếp cho thí sinh và người nhà - Ảnh: Chí Tuệ

Đo huyết áp miễn phí

Nhiều gian tư vấn của các trường tại ngày hội tổ chức những hoạt động thú vị để thu hút các em học sinh.

Tại gian hàng của Trường ĐH Thành Tây, hoạt động đo huyết áp miễn phí đang thu hút rất đông phụ huynh, học sinh.

Chị Hoàng Thị Xuân Hương, giảng viên Khoa Điều dưỡng, Đại học Thành Tây, chia sẻ: "Đo huyết áp chính là một trong những thủ thuật mà điều dưỡng viên sau này đi thực tế tại bệnh viện sẽ làm rất là nhiều. Nếu em nào yêu thích nghề điều dưỡng thì nhìn thấy bọn mình mặc áo trắng, rồi bộ đo huyết áp thì hy vọng có thể kích thích lòng yêu nghề của các em, để các em có dũng cảm đăng ký vào nghề điều dưỡng vì nghề này thường rất vất vả.

Bọn mình không chỉ đo huyết áp cho các bạn trẻ vì các em thường không có vấn đề gì về tim mạch. Chủ yếu là cho các bậc phụ huynh đi kèm. Trước bọn mình đã làm một nghiên cứu tại cộng đồng thì thấy là tỉ lệ những người bị cao huyết áp không phát hiện ra bệnh của mình rất cao. Thế nên nhân cơ hội hôm nay thì khoa điều dưỡng mong rằng có thể giúp cho ai muốn kiểm tra huyết áp thì người ta có thể làm ở đây. Một phần nào đấy đây cũng là hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng".

Năm nay, khoa Điều dưỡng của trường Đại học Thành Tây xét tuyển theo 3 khối A, B và D với chỉ tiêu khoảng hơn 200 sinh viên.

Mọi năm trường đều lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Trường hợp những thí sinh thi tốt nghiệp từ năm trước có thể dựa theo điểm trung bình 3 môn học theo khối A, B và D, nghĩa là khảng 18 điểm xét theo học bạ.

Cũng trong gian hàng của Đại học Thành Tây, trò chơi "Đánh golf miễn phí" cũng thu hút sự chú ý của nhiều em học sinh với nhiều phần thưởng hấp dẫn.

THU HẰNG

 

Một thí sinh được tư vấn viên của trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam hướng dẫn tư vấn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một thí sinh được tư vấn viên của trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam hướng dẫn tư vấn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một phụ huynh đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một phụ huynh đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhiều thí sinh vui vẻ sau khi được giải đáp nhiều thắc mắc về việc xét tuyển ĐH, CĐ 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhiều thí sinh vui vẻ sau khi được giải đáp nhiều thắc mắc về việc xét tuyển ĐH, CĐ 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các thí sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia giáo dục tại gian tư vấn ĐH Bách Khoa HN - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các thí sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia giáo dục tại gian tư vấn ĐH Bách Khoa HN - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các chuyên gia giáo dục bật cười sau một câu hỏi thú vị từ một bạn thí sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các chuyên gia giáo dục bật cười sau một câu hỏi thú vị từ một bạn thí sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một thí sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia giáo dục liên quan đến nhóm ngành công nghệ thông tin - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một thí sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia giáo dục liên quan đến nhóm ngành công nghệ thông tin - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các thí sinh tìm hiểu thông tin tại trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các thí sinh tìm hiểu thông tin tại trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh
Hàng ngàn các bạn học sinh và phụ huynh đã đến tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Hàng ngàn các bạn học sinh và phụ huynh đã đến tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
PGS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trả lời câu hỏi của các các bạn thí sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
PGS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trả lời câu hỏi của các các bạn thí sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Giảng viên Nobuyoshi Koiwa của trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam đứng dưới nắng nóng trực tiếp tư vấn cho các bạn thí sinh - Ảnh: Hoài Nam
Giảng viên Nobuyoshi Koiwa của trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam đứng dưới nắng nóng trực tiếp tư vấn cho các bạn thí sinh - Ảnh: Hoài Nam
Rất nhiều bậc phụ huynh tập trung để đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn của Bộ GD- ĐT và các trường - Ảnh: Hoài Nam
Rất nhiều bậc phụ huynh tập trung để đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn của Bộ GD- ĐT và các trường - Ảnh: Hoài Nam
PGS. TS Trần Văn Nghĩa, phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD - ĐT đang tư vấn trực tiếp cho các bậc phụ huynh - Ảnh: Hoài Nam
PGS. TS Trần Văn Nghĩa, phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD - ĐT đang tư vấn trực tiếp cho các bậc phụ huynh - Ảnh: Hoài Nam
Các học sinh được giảng viên Đại học Ngoại thương tư vấn nhiệt tinh - Ảnh: HOÀI NAM
Các học sinh được giảng viên Đại học Ngoại thương tư vấn nhiệt tinh - Ảnh: HOÀI NAM
Rất đông học sinh quan tâm đến gian hàng của Đại học Ngoại thương - Ảnh: HOÀI NAM
Rất đông học sinh quan tâm đến gian hàng của Đại học Ngoại thương - Ảnh: HOÀI NAM
Không khí sôi nổi tại gian hàng của trường Đại học Công nghiệp - Ảnh: Hoài Nam
Không khí sôi nổi tại gian hàng của trường Đại học Công nghiệp - Ảnh: Hoài Nam

Chương trình tư vấn tạm kết thúc. Vào 1g30 chiều cùng ngày các khu tư vấn sẽ bắt đầu làm việc. Trong thời gian này, nhiều bậc phụ huynh và thí sinh đang nán lại các gian tư vấn của các trường để thu nhận thêm thông tin. Một số trường tham gia ngày hội cho biết đang phải đi in thêm tài liệu vì không lường được nhu cầu tìm hiểu của phụ huynh và thí sinh HN.

THANH HÀ - THU HẰNG - D.LIỄU - VĨNH HÀ - N.H.THANH - HOÀI NAM - PHƯƠNG NHI - CHÍ TUỆ - NGUYỄN KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên