Ngày 19-11, tại trụ sở Hội Nhà báo TP.HCM đã diễn ra lễ trao giải thưởng giải Báo chí vì sự nghiệp phát triển giáo dục TP.HCM lần 1, năm 2023.
18 tác phẩm của 33 tác giả tại các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình đã được trao giải. Trong đó, tác phẩm đoạt giải nhất là "TP.HCM qua 20 năm xây trường, mở lớp" của nhóm các nhà báo Lê Quang Huy - Nguyễn Tấn Thu Tâm, báo Sài Gòn Giải Phóng.
Hai giải nhì thuộc về nhà báo Trần Ngọc Quý của báo Tuổi Trẻ với tuyến bài "Thiếu giáo viên" và nhóm các nhà báo Huế Xuân, Huy Lân của báo Người Lao Động, bài "Mập mờ tuyển sinh liên thông cao đẳng, đại học".
5 giải ba được trao cho các tác phẩm của các nhà báo thuộc các báo: Tuổi Trẻ, tạp chí Giáo Dục TP.HCM, báo Phụ Nữ TP.HCM; Đài truyền hình TP.HCM; Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM.
10 giải khuyến khích được trao cho các nhà báo thuộc các báo: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM, tạp chí Giáo Dục TP.HCM, báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Ban chuyên đề Công an TP.HCM, báo Chính Phủ, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Tấn Phong - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - cho biết ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 80 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi có chất lượng đồng đều và đều thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tâm huyết của các nhà báo đối với ngành giáo dục TP.HCM và cả nước.
Việc chọn được 18 tác phẩm của 33 tác giả xuất sắc đoạt giải đã thể hiện sự làm việc công tâm, sâu sát của ban giám khảo trong cái nhìn đa chiều, toàn diện của các nhà báo về mọi mặt đời sống giáo dục, vì sự nghiệp phát triển giáo dục TP.HCM và cả nước.
Các tác phẩm dự thi thể hiện hiệu ứng xã hội tốt về phát triển giáo dục
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm, nhà báo Nguyễn Thanh Tú - tổng biên tập tạp chí Giáo Dục TP.HCM, phó ban tổ chức - nói nhiều tác phẩm trong các tác phẩm dự thi rất xuất sắc, tạo được hiệu ứng xã hội tốt, mang lại cảm xúc chân thực, suy nghĩ tích cực cho bạn đọc về người thầy, về những hoạt động sáng tạo của ngành giáo dục thành phố.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm góp tiếng nói phản biện, định hướng cho xây dựng, phát triển của ngành giáo dục thành phố, nước nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận