10/11/2022 18:30 GMT+7

Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản vì thế hệ mai sau

T.D.V - CHÍ TUỆ
T.D.V - CHÍ TUỆ

Để bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, nhận thức từ cơ sở, địa phương là rất quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục thì mới tạo được nền tảng vững chắc, vì thể hệ mai sau.

Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản vì thế hệ mai sau - Ảnh 1.

Lễ phát động Cuộc thi vẽ tranh “Bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau” - Ảnh: C. TUỆ

Chiều 10-11, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Lễ phát động cuộc thi vẽ tranh Bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau.

Tổng cục Thủy sản chú trọng tăng diện tích bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản

Phát biểu tại lễ phát động, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản là gốc rễ của nhiều vấn đề đã được nói nhiều trong thời gian quan như nguồn lợi bị suy giảm, môi trường bị suy thoái, đời sống bà con ở ven biển ít được quan tâm...

Ý thức được việc này, thực hiện Nghị quyết Trung ương 36 về Kinh tế biển, chiến lược thủy sản và quy hoạch ngành đang được Tổng cục Thủy sản triển khai. Đặc biệt, ngành thủy sản đang xây dựng đề án tăng diện tích bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản lên 6% vào năm 2030.

"Chúng tôi ý thức được rằng, các nơi bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nơi bãi đẻ, con non sinh sống, có hệ sinh thái rất đặc thù, bên cạnh bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi để tàu ở ngoài khơi có cá để đánh bắt, các khu bảo tồn kết hợp với du lịch nông thôn sẽ giúp cho đời sống bà con ngày một tốt hơn" - ông Luân nói.

Theo ông Luân, Tổng cục Thủy sản đang phối hợp cùng tổ chức phi Chính phủ phát triển một số khu vực bảo tồn đồng quản lý.

Như ở Bình Thuận, có 4 xã đồng quản lý bảo vệ sò lông rất thành công, lúc đầu tổ chức thả neo để chống tàu đánh cá vào, bà con tự mua giống sò thả xuống và đến nay việc khai thác sò lông ở đây rất bền vững.

Hay như ở Nha Trang (Khánh Hòa) có 4 xã tham gia đồng quản lý để bảo vệ rặng san hô... Đây mà những mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng cũng tạo ra sinh kế cho bà con.

"Để bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, nhận thức từ cơ sở, địa phương là rất quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục thì mới tạo được nền tảng vững chắc, vì thể hệ mai sau.

Có ý kiến cho rằng cần phải cấm đánh bắt, khai thác, nhưng nếu từ Bộ làm xuống thì không thể làm được, chỉ khi nào người dân thấy được việc cấm này là vì lợi ích của người dân thì việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới bền vững.

Do đó, chúng ta cần phải tiếp cận từ người dân, từ tổ cộng đồng quản lý ở địa phương để người dân bảo người dân, người dân tự tổ chức công việc của mình, nếu bà con chưa hiểu thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ việc hướng dẫn, giải thích" - ông Luân chia sẻ.

Tuyên truyền việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản thông qua hình thức vẽ tranh

Theo Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thủy sản phong phú, nhiều hệ sinh thái biển quan trọng phân bố dọc theo chiều dài bờ biển và xung quanh các hòn đảo.

Tuy nhiên, trước sức ép của việc gia tăng dân số, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao, sự gia tăng áp lực khai thác thủy sản ngày càng lớn, hoạt động du lịch tại các vùng biển ngày càng nhiều... dẫn đến các hệ sinh thái biển bị tác động tiêu cực, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Vì vậy, cuộc thi vẽ tranh với chủ đề Bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau nhằm thu hút sự quan tâm và tăng cường hiểu biết, trách nhiệm của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Ông Lê Hữu Tuấn Anh, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, đại diện Ban Tổ chức cuộc thi, các bài dự thi dựa trên chủ đề chính như hoạt động thường diễn ra ở khu bảo tồn biển; hoạt động cần thiết để góp phần bảo vệ, xây dựng khu bảo tồn biển bền vững; những hành động nên và không nên làm ở khu bảo tồn biển; các hoạt động bảo vệ rùa biển, bảo vệ thú biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Hoặc các nhóm chủ đề như giải pháp, ý tưởng để góp phần xây dựng khu bảo tồn biển bền vững; các hoạt động bảo vệ, tái tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đặc biệt là các loài rùa biển, thú biển; những ước mơ, hành động cần thiết để có các khu bảo tồn biển phát triển bền vững, các loài nguy cấp, quý, hiếm được tái tạo phát triển…

"Đây là năm đầu tiên Tổng cục Thủy sản tổ chức truyền thông về công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản thông qua hình thức vẽ tranh không chỉ áp dụng đối với các học sinh, thiếu nhi mà có cả sự tham gia của toàn xã hội, mọi người dân ở trong và ngoài nước góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về bảo tồn và bảo vệ.

Tác phẩm dự thi được thể hiện qua hai hình thức là vẽ bằng tay hoặc tác phẩm kỹ thuật số, đồ họa vi tính" - ông Lê Hữu Tuấn Anh nói và cho biết thời gian nhận bài dự thi từ nay đến 9-12-2022.

Hải sản cạn kiệt dần: ‘Bảo tồn để đảm bảo sinh kế cho ngư dân’ Hải sản cạn kiệt dần: ‘Bảo tồn để đảm bảo sinh kế cho ngư dân’

TTO - Nguồn lợi hải sản nước ta đang bị suy giảm với tốc độ nhanh trong 5 năm qua, thậm chí một số vùng biển, sự suy giảm đã đến mức báo động. Do đó, cần phải bảo tồn để khai thác bền vững.

T.D.V - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên