05/05/2007 22:30 GMT+7

"Bảo tàng" của một tử tù Côn Đảo

NGÔ MINH
NGÔ MINH

TTCT - Lê Quang Vịnh là người tử tù nổi tiếng những năm chống Mỹ. Anh bị tòa án chế độ Sài Gòn kết án tử hình tháng 8-1962, rồi đày ra Côn Đảo 14 năm liền. Một nhà lưu niệm Lê Quang Vịnh vừa được xây dựng ở Kim Long (Huế).

8xL1PHqr.jpgPhóng to
TTCT - Lê Quang Vịnh là người tử tù nổi tiếng những năm chống Mỹ. Anh bị tòa án chế độ Sài Gòn kết án tử hình tháng 8-1962, rồi đày ra Côn Đảo 14 năm liền. Một nhà lưu niệm Lê Quang Vịnh vừa được xây dựng ở Kim Long (Huế).

Hóa ra từ sau ngày nghỉ hưu (năm 2003), thôi chức trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, anh Vịnh cùng vợ về sống ở quê cha đất tổ. Được TP Huế cấp một miếng đất, lại được bà con bạn bè hỗ trợ, vợ chồng anh xây một căn nhà ở làng Xuân Hòa, xã Hương Long, phường Kim Long - quê nội anh. Lê Quang là một tộc họ lớn, lâu đời ở làng Xuân Hòa này.

Lê Quang Vịnh dành toàn bộ tầng trệt khu nhà và vườn làm nhà lưu niệm cho riêng mình để nhớ những năm tháng bị đọa đày ở Côn Đảo. Vì với anh, Côn Đảo còn là người thầy, người mẹ, người yêu của mình! Trên tấm biển khắc tên những người chủ chốt trong quá trình thiết kế xây dựng nhà lưu niệm có tên vợ anh - chị Trần Thị Kim Khánh - và hai người con anh: Lê Quang Hạnh Phúc, nữ kiến trúc sư ở TP.HCM, tác giả thiết kế công trình, và Lê Quang Tự Do, tác giả thiết kế phần bảo tàng.

cJFpkAUJ.jpgPhóng to
Lê Quang Vịnh và một góc nhà lưu niệm của chính anh
Được khai trương từ tháng 9-2006, nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật đặc biệt, chẳng hạn chiếc còng chân tử tù do chính Bảo tàng Côn Đảo tặng. Chiếc còng ấy đã gắn bó với anh suốt 14 năm lao tù. Một chiếc giỏ mây của người bạn tù tặng mẹ anh khi bà cụ được phép ra Côn Đảo thăm con trong sáu giờ mùa hè năm 1971. Trên quai giỏ, người bạn tù khắc hai chữ Côn Đảo nửa đỏ nửa xanh và gắn một hạt nhựa màu vàng (tượng trưng màu cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam) như một lời hứa với mẹ các con sẽ vẫn bền gan chiến đấu trong lao tù. Rồi những bức thư anh gửi mẹ và ngược lại, cùng những bức thư da diết khổ đau của người yêu anh từ Sài Gòn gửi ra Côn Đảo. Một bức tranh thêu của người bạn tù tên Mười Còm, thêu giấu giếm hình ảnh Bác Hồ, đang thực hiện dở dang thì giải phóng; sau đó tác giả cặm cụi thêu tiếp để tặng anh. Huyện ủy Côn Đảo tặng anh một chiếc gậy đầu rồng làm bằng gỗ găng chỉ có ở rừng Côn Đảo...

Gian trưng bày còn có những tờ báo trong và ngoài nước có bài viết về Lê Quang Vịnh từ sau khi anh bị kết án tử hình đến hôm nay. Rồi những cuốn sách, những bản nhạc anh viết và những ca khúc, những bài thơ được nhiều tác giả sáng tác tặng riêng anh. Rồi những hình ảnh trong bộ phim tài liệu Hòn đảo địa ngục do các đạo diễn Heynovsky và Scheumann của Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) thực hiện vào tháng 8-1975 với anh là nhân vật chính. Có cả bức tranh Đồng chí Vịnh tử tù của nữ họa sĩ người Nga Valeria Simirnova in trên bìa báo Smiena (Thế Giới Trẻ) năm 1978 vẽ gương mặt anh Vịnh tươi cười, viền quanh là dáng một thiếu nữ Huế mặc áo dài màu hồng, cầm chiếc nón bài thơ hát mừng chiến thắng mô phỏng dáng hình đất nước VN. Bức tranh trên được tạc thành phù điêu đặt ngoài vườn.

Trên tường phòng trưng bày còn có bức ảnh chân dung 11 người thuộc “tiểu đội” HSSV Sài Gòn bị kết án tù với Lê Quang Vịnh trong phiên tòa lịch sử năm ấy: Lê Hồng Tư, Huỳnh Văn Chính... Nhắc lại tên những bạn tù cũ, anh Vịnh bỗng trầm ngâm: “Anh Huỳnh Văn Chính đã không còn nữa. Anh Chính cùng tuổi Bính Tý (1936) với mình, cũng chịu đựng 14 năm tù hà khắc. Hôm đầu tháng 12-2006, anh Chính ra thăm lại Côn Đảo sau 31 năm được tự do. Nhìn lại những hình ảnh thân thuộc với đời tử tù trong suốt bao nhiêu năm, anh đã xúc động quá, bị nhồi máu cơ tim, không cứu chữa kịp...”.

Trong cái “bảo tàng” tử tù Côn Đảo nho nhỏ này còn có những bức tượng bán thân anh Lê Quang Vịnh, tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Thái Quảng, giáo viên khoa điêu khắc Trường đại học Nghệ thuật Huế, cùng những phù điêu bằng đá granit đen khắc những bài thơ, bản nhạc Lê Quang Vịnh sáng tác trong chuồng cọp năm xưa...

Nhà lưu niệm Lê Quang Vịnh gần chùa Thiên Mụ, vườn An Hiên, ngay trong khu du lịch nhà vườn Phú Mộng nổi tiếng ở Kim Long là một điểm đến mới của du lịch Huế.

NGÔ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên