13/02/2020 18:46 GMT+7

'Bảo tàng' Churu ở nhà thờ Ka Đơn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Chúng tôi tìm đến nhà thờ Ka Đơn vì nghe danh kiến trúc rất đặc biệt của khu nhà thờ. Nhưng bất ngờ, điều cuốn hút hơn cả là những sản phẩm gốm mộc và sưu tập hiện vật thể hiện sự toàn diện, sống động của văn hóa tộc người Churu.

Bảo tàng Churu ở nhà thờ Ka Đơn - Ảnh 1.

Một góc “bảo tàng” Churu tại nhà thờ Ka Đơn - Ảnh: THÁI LỘC

Dĩ nhiên, ngôi nhà thờ Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cần được chiêm ngưỡng trước tiên bởi lối kiến trúc đặc biệt: gỗ lợp ngói, không gian thoáng rộng, gần gũi, hiệu ứng ánh sáng tự nhiên theo từng thời điểm...

Khó có thể diễn tả cảm giác khi hòa mình vào mái nhà thờ nép mình dưới những tán thông này, và ắt có lý do đặc biệt, giới chuyên môn quốc tế mới chọn để vinh danh tại giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu năm 2011, và giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế năm 2016.

Bảo tàng Churu ở nhà thờ Ka Đơn - Ảnh 2.

Không gian lễ hội của người Churu - Ảnh: THÁI LỘC

Cơ duyên phục hồi nghề gốm cổ truyền

Đang thơ thẩn dưới mái nhà thờ, chúng tôi được một giáo dân mách nước và chỉ tay sang ngôi nhà dưới giàn hoa cạnh bên: "Anh nên sang xem gốm (của người) Churu, đặc biệt lắm".

Bước vào gian trưng bày gốm khá rộng, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những đồ gốm mộc (không men) làm theo mẫu mã của người Churu xưa. Đó là hệ thống đồ đựng, đồ nấu nướng và ăn uống cùng nhiều loại đồ dùng thường nhật lẫn thờ cúng...

Linh mục Trần Quốc Hưng Long, quản xứ giáo xứ Ka Đơn, vừa cầm, gõ lên nồi gốm vừa giới thiệu với chúng tôi: "Bạn có nghe tiếng khác lạ so với gốm các nơi khác không?". Đúng là tiếng gõ đặc biệt, vang vọng gần với đồ dùng kim loại hơn là bằng đất nung.

"Chất đất ở đây có lẽ nhờ những hạt lóng lánh này mà tiếng vang trở nên đặc biệt", vừa nói ông vừa chỉ vào nền gốm với những đám ánh bạc li ti rải đều trên thân nồi đất mỏng tang.

Cha Long cho biết khi chuẩn bị khánh thành nhà thờ mới (2014), người ta thấy trong nhà kho cũ khá nhiều vật dụng bằng gốm cũ xưa có hình dáng và hồn cốt đặc biệt.

Khi hỏi các giáo dân thì nhiều người bảo sản phẩm nghề truyền thống của làng Krăng-gọ, có nghĩa là "làng làm nồi" thuộc xã Próh, cách nhà thờ không xa lắm.

Lúc tìm đến làng, gần như không nhà nào còn đỏ lửa duy trì nghề làm gốm mộc không bàn xoay độc đáo này. Thế là nhà thờ bàn bạc với các người thợ còn giữ nghề việc phục hồi, từ nguồn đất, mẫu mã cho đến đầu ra cho sản phẩm...

Ngoài những mẫu truyền thống, họ cùng bàn những đồ dùng và vật phẩm trang trí mới. Nhà thờ dành một gian rộng để trưng bày và bán sản phẩm cho bà con. Nghề gốm cổ truyền của người Churu phục hồi và nối truyền từ đó.

Bảo tàng Churu ở nhà thờ Ka Đơn - Ảnh 3.

Bộ đồ hành nghề của thầy mo Jơr Long Ya Hăng - Ảnh: THÁI LỘC

Để người sau biết người xưa

Sự bất ngờ lên đến đặc biệt khi chúng tôi sang thăm phòng trưng bày văn hóa Churu bên sân nhà thờ.

Khu nhà rộng chừng 200m2 này được phân thành nhiều gian, mỗi gian trưng bày một bộ sưu tập hiện vật, từ vật dụng làm nông, săn bắt, trang sức - y phục, vật dụng sinh hoạt cho đến không gian lễ hội, các loại nhạc cụ và cả góc bếp của người Churu...

Có cả bộ đồ cúng của vị thầy mo cuối cùng trong cộng đồng Churu qua đời năm 2014. Tất cả đều được chú thích bằng tiếng Việt và tiếng Churu.

Có quá nhiều dụng cụ cổ xưa và độc đáo được trưng bày, rất nhiều thứ trong đó khiến mấy thanh niên Churu bản địa xem mà cứ trầm trồ về những hiện vật đã trôi vào dĩ vãng cộng đồng dân tộc mình, như cái cối xay lúa bằng đất, túi đựng cơm mà tiền nhân luôn mang theo làm đồng.

Bảo tàng Churu ở nhà thờ Ka Đơn - Ảnh 4.

Một góc “bảo tàng” Churu tại nhà thờ Ka Đơn - Ảnh: THÁI LỘC

Tại đây, họ cũng được tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc tổ tiên, đời sống và các phong tục trong quá khứ lẫn hiện tại.

Đến lễ mừng lúa mới của người Churu, nhà thờ đưa hiện vật gốc như chiêng, trống, phèng la, lục lạc, các loại kèn hay chày cối... ra để người dân tổ chức hành lễ và tụ tập hội hè, thực hành chính di sản của dân tộc mình.

"Văn hóa những dân tộc ít người như Churu rất dễ bị tổn thương, xóa nhòa; đó cũng chính là sự mất đi một phần lịch sử vùng miền. Những hiện vật được lưu giữ, trưng bày ở đây để người đời sau còn biết..." - linh mục Trần Quốc Hưng Long nói.

Cha Hung Long giới thiệu cái túi đựng cơm người Churu mang theo khi đi làm đồng - Ảnh: THÁI LỘC

Cha Hung Long giới thiệu cái túi đựng cơm người Churu mang theo khi đi làm đồng - Ảnh: THÁI LỘC

Linh mục Trần Quốc Hưng Long cho biết ý tưởng dựng nên nhà trưng bày đã được các vị linh mục quản xứ tiền nhiệm bắt đầu thực hiện từ hàng chục năm trước.

Các cha ý thức rất rõ chuyện văn hóa Churu bản địa sẽ bị phai nhạt; sợ các hiện vật thất lạc, mất mát nên đã cất công sưu tầm, lưu giữ lại.

Số lượng hiện vật sưu tầm được lưu kho lên đến hàng vạn. Hồ sơ từng hiện vật cũng được ghi chép đầy đủ.

Nhà thờ Ka Đơn - linh hồn Churu giữa rừng Lâm Viên Nhà thờ Ka Đơn - linh hồn Churu giữa rừng Lâm Viên

TTO - Không như những điểm du lịch văn hóa tâm linh khác nằm ở Đà Lạt, nhà thờ Ka Đơn khiêm tốn ẩn mình trong khu rừng thông nhỏ của thôn dân tộc vùng sâu Krăng Gọ 2, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên