Lực lượng Bộ đội biên phòng Nghệ An hỗ trợ ngư dân chằng chống tàu thuyền trú bão chiều 16-7. Nghệ An là địa phương được dự báo chịu nhiều tác động của cơn bão số 2 như mưa lớn, gió mạnh, sóng cao - Ảnh: DOÃN HÒA |
Thông tin vừa được ông Nguyễn Văn Hưởng, phó phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn - Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, cung cấp.
Ông Hưởng cho biết hiện bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Trong khoảng 6-12 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, duy trì tốc độ 20km/giờ.
Dự kiến bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hoá đến Hà Tĩnh khoảng từ 1-4h sáng ngày 17-7, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-11.
Tuổi Trẻ Online trao đổi thêm với ông Nguyễn Văn Hưởng về tình hình cơn bão này.
* Đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào đất liền nước ta trong năm nay, cơ quan khí tượng dự báo ra sao về mức độ nguy hiểm của bão số 2?
- Bão số 2 không phải là cơn bão quá mạnh, cường độ mạnh nhất được dự báo ở cấp 9-10. Tuy nhiên, đây là cơn bão rất nguy hiểm và khó lường.
Cơn bão này hình thành ngay trên Biển Đông và di chuyển tương đối nhanh. Thời gian hình thành từ áp thấp nhiệt đới và mạnh lên thành bão cũng rất nhanh. Chiều 15-7 mới hình thành bão nhưng cho đến sáng 16-7 đã di chuyển với tốc độ rất nhanh, tốc độ trung bình từ 15-20km/h.
Khu vực bão hình thành và di chuyển đều là những khu vực có mật độ tàu thuyền tương đối lớn, vì thế việc phòng chống gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, cơn bão này đổ bộ vào nước ta ở thời điểm miền Bắc đã có mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 12-7 tới nay. Lượng mưa mà bão số 2 gây ra cũng rất lớn, vì thế rất có khả năng gây ra một đợt lũ trên các sông suối nhỏ ở khu vực miền trung và trượt lở đất ở vùng núi phía Bắc.
* Hiện nay bão số 2 đang hướng vào các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh, ông có cảnh báo gì tới người dân khu vực và cả người dân ở khu vực vùng núi phía Bắc?
- Với một cơn bão thì luôn luôn có những hậu quả rất khó lường. Đầu tiên là tình trạng gió mạnh, nước biển dâng và sau bão là mưa gây ra lũ, trượt lở đất.
Chúng tôi đã cảnh báo gió mạnh suốt một dải từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, Quảng Trị với sức gió giật cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, thậm chí giật cấp 10-11.
Với sóng biển ở tâm bão cũng ở mức cao, từ 3-4m từ Thanh Hoá trở vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi bão vào sóng biển có thể cao tới 4m và hơn 4m, gây ra những tác động tàn phá ở khu vực ven biển.
Đặc biệt, khi bão đổ bộ vào sẽ có mưa lớn khu vực từ Thanh Hoá đến Nghệ An, Hà Tĩnh có thể mưa tới 200-300mm. Khu vực Nam đồng bằng vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cũng có mưa tới 200mm.
Chúng tôi cũng dự báo cơn bão này còn đi qua khu vực Trung Bộ và đi lên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Như chúng ta đã biết, tại khu vực miền núi phía Bắc trước đó đã có những đợt mưa rất lớn, nước còn tích lại rất nhiều, vì thế kèm theo những đợt mưa lớn tiếp theo sẽ là nguy cơ cao về lũ quét và trượt lở đất.
Và ngay cả các tỉnh, thành ở đồng bằng cũng cần lưu ý về tình hình úng ngập, nhất là Hà Nội.
Với người dân, tôi cho rằng điều đầu tiên cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo và cần phối hợp thực hiện các hướng dẫn của các Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương, hạn chế di chuyển trong khoảng thời gian dự kiến bão đổ bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận