Đường đi của bão Noru - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Chiều nay 24-9, bão cách đảo Luzon khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13h chiều mai 25-9, bão ở trên vùng bờ biển phía Đông đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15.
Sau đó bão giảm nhẹ cường độ và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và đi vào Biển Đông. Đến chiều ngày 26-9, bão ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14.
Khi vào Biển Đông, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, có xu hướng mạnh thêm. Đến chiều 27-9, bão ở cách Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão, dự báo trong những ngày tới khu vực Biển Đông có mưa và biển động mạnh. Ngư dân, tàu thuyền đang hoạt động trên biển cần theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo và tìm nơi trú tránh an toàn.
Hiện nay các vùng trên cả nước đang có mưa to đến rất to. Hôm nay, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
Khu vực Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 70mm.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão Noru
Ngày 24-9, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành văn bản số 963 /PCTT-QLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó bão Noru chuẩn bị đi vào Biển Đông.
Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện việc tổ chức kiểm tra các tuyến đê biển, đê cửa sông; triển khai phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ; kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt các công trình trực diện biển và có giải pháp đảm bảo an toàn.
UBND các tỉnh, thành phố sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều, đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
TTXVN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận