Đội tuyển bóng đá nữ Đức vô địch World Cup 2003 tại Mỹ, giải đấu đáng lẽ đã diễn ra ở Trung Quốc - Ảnh: FIFA
Trong quá khứ, những đợt dịch như SARS, Ebola, cúm A/H1N1 đều gây ra những thiệt hại nặng nề khi có số ca nhiễm và tử vong đều rất cao. Ngoài ra, sự lây lan nhanh chóng của những căn bệnh này ít nhiều đều khiến thể thao thế giới không ít lần điêu đứng.
Dịch SARS (2003)
World Cup bóng đá nữ 2003 diễn ra tại Mỹ - Ảnh: TL
Đầu năm 2003, dịch SARS bùng nổ và Trung Quốc là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Điều đó khiến những sự kiện thể thao dự kiến tổ chức ở quốc gia này bị hủy hoặc dời địa điểm.
Sự kiện đáng chú ý nhất năm đó là vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2003 được lên kế hoạch tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 9-2003. Tuy nhiên, trước tình hình dịch SARS không có dấu hiệu giảm, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vào tháng 5 đã phải quyết định dời địa điểm tổ chức sang Mỹ.
Thay vào đó, Trung Quốc sẽ được đặt cách đăng cai Vòng chung kết World Cup bóng đá nữ tiếp theo diễn ra vào năm 2007.
Cùng năm 2003, Giải vô địch thế giới môn khúc côn cầu trên băng nữ tại Trung Quốc cũng buộc phải hủy.
Cúm A/H1N1 (2009)
Giải đua xe A1GP từng bị hủy vào năm 2009 do dịch cúm A/H1N1 - Ảnh: RM
Năm 2009, dịch cúm A/H1N1 bùng phát. Một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất là Mexico. Vào tháng 4 năm đó, đất nước này đã buộc phải tổ chức các trận đấu ở Giải vô địch quốc gia trên sân không khán giả.
Giải vô địch bóng đá U17 khu vực CONCACAF tổ chức tại Mexico cũng buộc phải hủy dù đã thi đấu xong vòng bảng và chuẩn bị đá vòng bán kết.
Bốn đội vượt qua vòng bảng là Costa Rica, Honduras, Mexico và Mỹ đều đã giành được quyền dự World Cup U17 2009, nên việc hủy giải chỉ khiến nó không có nhà vô địch.
Giải đua xe A1GP Mexico cũng bị hủy. Trong khi đó tại Mỹ, Giải lặn FINA Grand Prix cũng chịu ảnh hưởng khi hai đội lặn của Trung Quốc và Malaysia xin rút lui vì lo sợ ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1.
Dịch Ebola (2013-2016)
Tuyển Bờ Biển Ngà ăn mừng chức vô địch CAN Cup 2015 - Ảnh: GETTY IMAGES
Trong quãng thời gian từ năm 2013 đến 2016, các quốc gia châu Phi hứng chịu đợt dịch do virus Ebola gây ra. Cao điểm đợt dịch diễn ra vào năm 2014, khi số ca nhiễm và tử vong tăng phi mã.
Điều này khiến nước chủ nhà của Cúp các quốc gia châu Phi (CAN Cup) 2015 là Morocco phải lo ngại. Vào tháng 11-2014, Morocco tuyên bố rút quyền đăng cai chỉ 2 tháng trước khi giải đấu khởi tranh.
Trước tình hình gấp rút, Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) đã phải nhờ tới Guinea Xích Đạo, nước đồng chủ nhà của kỳ CAN Cup 2012.
Bằng mọi cách, Guinea Xích Đạo vẫn có thể tổ chức giải đấu dù điều kiện không thật sự tốt nhất. Một số cầu thủ than phiền một số khách sạn bị ngập nước hoặc đường dây điện gây nguy hiểm. Nhưng dù sao, đó cũng đã là nỗ lực phi thường của Guinea Xích Đạo.
Dịch COVID-19 (2020)
Olympic Tokyo 2020 đã chính thức bị hoãn vì COVID-19 - Ảnh: AFP
Cho đến nay, có lẽ chưa có một đợt dịch nào lại khiến thể thao thế giới chịu ảnh hưởng nhiều như dịch COVID-19.
Hiện tại, hầu hết các Giải bóng đá vô địch quốc gia châu Âu đã phải tạm hoãn, trong đó có 5 giải đấu hàng đầu là Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức), Serie A (Ý) và Ligue 1 (Pháp). Ngoài ra, hai giải đấu của châu lục là Champions League và Europa League cũng đang trong tình trạng "chưa biết ngày trở lại".
Ở đấu trường quốc tế, hai giải đấu đáng được chờ đợi là Euro 2020 và Copa America 2020 đều đã được dời sang năm 2021.
Ngoài bóng đá, nhiều sự kiện thể thao khác cũng bị ảnh hưởng mà mới đây nhất là việc hoãn Olympic 2020. Quyết định chỉ mới được đưa ra vào tối 24-3.
Nước Mỹ hiện tại cũng đã hoãn vô thời hạn tất cả giải đấu thể thao, trong đó có NBA (bóng rổ), MLS (bóng đá), MLB (bóng chày),…
Ở môn quần vợt, hai hiệp hội quần vợt ATP và WTA cũng đã cho hoãn toàn bộ hệ thống giải đấu trong một thời gian để chờ tình hình dịch COVID-19. Nhiều môn khác như quyền anh, cầu lông, đua xe F1,… đều chịu ảnh hưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận