09/05/2008 07:56 GMT+7

Bão Nargis tàn phá Myanmar: 100.000 người chết?

THỦY TÙNG
THỦY TÙNG

TT - Ngày 8-5, Myanmar đã điều chỉnh con số nạn nhân của bão Nargis lên gần 23.000 người chết và hơn 42.000 người mất tích. Một số hãng tin nước ngoài thì cho rằng số người chết có thể lên đến 100.000 người!

* Gần 50.000 nạn nhân bão Nargis vẫn "mất tích"

8loxa5Wg.jpgPhóng to
Vùng đồng bằng châu thổ Irrawaddy tan hoang, ngập trong nước
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhưng, bất kể con số nào đi nữa thì đây cũng là một đại thảm họa với người láng giềng Myanmar. Tại sao lại xảy ra câu chuyện quá đỗi đau lòng này?

Ngày 8-5, Myanmar điều chỉnh con số nạn nhân của trận bão Nargis lên 22.997 người và số mất tích lên 42.119 người. Ở vùng tâm bão Irrawaddy, các nhà báo của AP, AFP và Reuters vừa tìm tới để tìm hiểu thực tế đằng sau những con số.

Tường trình từ vùng tâm bão

DXlx6T9R.jpgPhóng to
Sơ đồ phân tích đường đi bất thường của bão Nargis

"Nhiều người sống sót đã đến nơi trong tình trạng nửa trần truồng, một số mặc quần áo mượn tạm của người chết", phóng sự của AP ghi lại. Bài báo viết: "Thành phố Labutta chuyên nghề buôn bán gạo của Myanmar - khu đất cao duy nhất trong một vùng nước ngập mênh mông - trở thành cột mốc hi vọng của hàng chục ngàn người đã sống qua cơn cuồng nộ của bão.

Những người sống sót tìm tới đó trên những chiếc thuyền gỗ ọp ẹp di chuyển lắt léo, cố gắng né xác trâu và cả thi thể những người láng giềng đang trôi trên mặt nước đen ngòm. Đó là hành trình đi từ nơi kinh hoàng về chỗ khốn khổ".

Kể từ cơn bão Nargis đánh vào Irrawaddy thứ bảy tuần trước, nơi này đã bị chặt đứt khỏi phần còn lại của thế giới. Bão thổi tung 12m nước vào vùng đất trũng trồng lúa và có hầu hết nhà cửa dựng bằng tre nứa này. Một người đàn ông 55 tuổi tên Phan Maung nói trong tiếng nức nở: "Tôi bám vô ngọn một cây dừa rất lâu đến khi thời tiết dịu lại. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho vợ con tôi". Nhiều người sống sót đã run lên khi kể lại chuyện của mình. Có người giận dữ, có người bị kích động. Chỉ một số ít cho biết tên.

"Tôi là người còn lại trong một gia đình 11 người. Cả làng tôi đã bị quét sạch" - một người từ làng Yay Way cho biết. Gần đó, một phụ nữ hơn 50 tuổi thuật lại, mắt trừng trừng: "Ban đầu gió thổi tới rồi sóng bắt đầu quật chúng tôi ngã nên chúng tôi phải bò lên tầng trên (của nhà). Tôi thấy nhiều người chết đuối và thi thể trôi khắp nơi".

Chỉ riêng vùng châu thổ có mật độ dân cư cao này đã có hơn 60.000 người chết hoặc mất tích. Những người còn sống sót ở Labutta cho biết họ không thấy lại khoảng 2/3 người làng. "Làng tôi có khoảng 1.000 người, nay số sống sót chỉ khoảng 300, tất cả nhà cửa bay hết rồi" - một cư dân Kwa Kwa Lay nói. Một trưởng làng cho hay ngôi làng đã chìm của ông chỉ còn khoảng 100/500 dân làng.

Thiếu thực phẩm, nước sạch và thuốc men ở Labutta, nhiều người tính kế uống dừa. Những chiếc thuyền lùng sục ở 51 thị trấn và làng mạc xung quanh lúc nào cũng chở về đầy người. Nhưng càng ngày càng ít thuyền đi, một phần vì hết dầu.

Trước khi bão đến, Labutta là một thành phố nhỏ với khoảng 209.000 dân. Trong cơn bão, nơi này cũng bị đánh tả tơi. Tháp phát thanh truyền hình bị đổ, phần chóp nhọn trên các tháp chùa vỡ ra, cửa sổ tan tác. Hàng đoàn người lang thang giữa những xác gia súc và thi thể người đã chuyển màu đen. Gạch nát chất đống trên đường, mái nhà bị thổi tốc.

Tại bờ đê chắn sóng, người dân tụ tập nhìn về chân trời chờ thuyền cứu hộ xuất hiện. "Tôi cố gắng giúp càng nhiều người càng tốt nhưng không đủ dầu để chở họ” - một chủ thuyền tên Maung Hyay nói. Thuyền của anh nằm dài vô dụng ở bến.

Irrawaddy là nơi cung cấp 50% tổng sản lượng thịt gia cầm và 40% tổng sản lượng thịt lợn của Myanmar nên FAO đánh giá cơn bão Nargis tàn phá cực kỳ nghiêm trọng nền ngư nghiệp và chăn nuôi nước này.

Xe cứu trợ chờ vào

oZCv3RTp.jpgPhóng to
Một cậu bé đứng trước ngôi nhà rách nát vừa được dựng lại ở thị xã Bogalay (Myanmar). Thị xã này hiện chưa nhận được sự cứu trợ nào
Nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia được Myanmar bật đèn xanh vào nước này cứu trợ nhưng nhiều quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết công tác thị thực gây trở ngại không ít. Theo AFP, ngày 7-5 êkip cứu trợ của UNICEF và World Vision mới đến được Labutta và mãi đầu giờ chiều mới có thể phân phối những viên thuốc làm sạch nước.

Ở Yangon, Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) bắt đầu phân phát hàng cứu trợ. Nhưng còn ba máy bay chất 38 tấn hàng cứu trợ khẩn cấp của WFP phải chờ ở đường băng Bangkok, Dhaka và Dubai. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cũng cho biết 22 tấn hàng đang kẹt lại trong các xe tải ở Thái Lan vì chính quyền chưa cho phép vượt biên giới.

Nhóm Thầy thuốc không biên giới vừa mang được lương thực và nhu yếu phẩm tới phàn nàn chính quyền xét cấp thị thực quá chậm. Sốt ruột trước tình trạng hàng cứu trợ dồn ứ mà không vào được Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Koucher gọi đây là "hiểm họa trong hiểm họa". Ông kêu gọi Liên Hiệp Quốc sử dụng điều khoản "trách nhiệm bảo vệ" công dân để gây áp lực buộc Myanmar mở rộng cửa.

Trong lúc này, đại biện lâm thời Sứ quán Mỹ tại Myanmar Shari Villarosa cho rằng số nạn nhân thiệt mạng trên thực tế có thể lên đến hơn 100.000 người, dựa vào thông tin từ một tổ chức quốc tế mà bà từ chối cho biết tên. Nhiều người cũng cho rằng con số hơn 42.119 người mất tích cầm bằng như đã chết.

3 nguyên nhân gây tử vong lớn:

3MpAmW4X.jpgPhóng to

Những con sóng biển cao 3,5m là một trong những nguyên nhân gây nên đại thảm họa

1. Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết chính những đợt sóng cao tới 3,5m do cơn bão gây ra đánh vào bờ biển Myanmar là thủ phạm chính cướp đi sinh mạng của phần lớn nạn nhân.

Đồng bằng châu thổ Irrawaddy nằm sát mực nước biển, trong khi phần lớn người dân địa phương sống trong những ngôi nhà làm bằng tre nứa, mái lợp tôn không đủ sức chịu đựng sức mạnh của sóng, gió, do đó dễ dàng bị sóng lớn quét sạch hoặc bị gió xô đổ. "Người dân không có chỗ nào để chạy trốn" - một chuyên gia cho biết.

2. Chính quyền Myanmar đã có sự chuẩn bị quá yếu kém trước khi cơn bão tiến vào đất liền. Reuters đưa tin hai ngày trước khi bão đổ bộ, IMD đã chuyển toàn bộ thông tin về đường đi, sức mạnh của bão cho chính quyền Myanmar. Đài truyền hình Myanmar đã phát sóng cảnh báo về cơn bão có sức gió gần 200km/giờ đi kèm với sóng cao 3,5m cho người dân. The Nation (Thái Lan) hôm qua cho biết: Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dẫn lời một đại diện của WMO tại Myanmar, cũng là một quan chức chính phủ Myanmar phụ trách Cục Khí tượng, cho biết đã phát đi cảnh báo bão. Nhưng WMO không thể xác nhận lời cảnh báo đã tới được dân chúng hay không.

3. Bão Nargis là cơn bão có tên đầu tiên trong mùa bão 2008 tại khu vực Bắc Ấn Độ Dương. Wikipedia dẫn nguồn Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết Nargis hình thành ngày 27-4 tại trung tâm vịnh Bengal, bắt đầu là một vùng áp thấp.

Vào ngày 28-4, vùng áp thấp này đã chuyển thành bão lốc khi nó di chuyển trên biển ở vị trí cách Chennai, Ấn Độ 550km. Sáng sớm 29-4, IMD cho biết Nargis đã mạnh lên, trở thành một cơn bão lốc cực mạnh và nguy hiểm. Thời điểm này, Trung tâm cảnh báo bão JTWC (thuộc lực lượng hải quân và không quân Mỹ, đặt tại Hawaii) ước tính Nargis có sức gió lên đến 160km/giờ. Ban đầu, các chuyên gia dự đoán bão sẽ đổ bộ vào Bangladesh hoặc đông nam Ấn Độ. Tuy nhiên sau đó nó bất ngờ đổi hướng sang phía đông và đến ngày 1-5 tiếp tục mạnh lên.

Bão Nargis tiếp tục mạnh dần lên khi phát triển một khu vực tâm bão có đường kính khoảng 19km. Ngày 2-5, JTWC cho biết bão Nargis đã có sức gió lên đến 215km/giờ khi tiến về bờ biển Myanmar. Bão đổ bộ vào đồng bằng châu thổ Irrawaddy với sức mạnh gần đạt đỉnh (215km/giờ).

HIẾU TRUNG

THỦY TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên