Vợ chồng kiểm soát quá chặt tiền của nhau có thể bị phạt 1 triệu đồng
Phóng to |
Không dễ chứng minh “lỗi”
Nên quy định các hành vi cụ thể Tôi thấy một số quy định trong dự thảo nghị định của Bộ Công an không khả thi và vi phạm vào đời sống riêng tư của gia đình, nhất là điểm đóng góp tài chính, đập phá tài sản riêng của mình để gây áp lực và cố ý làm hư hỏng tài sản riêng. Ví dụ như ai chứng minh được hành vi bắt vợ hoặc chồng đóng góp vượt quá khả năng tài chính, làm sao xác định cụ thể được khả năng tài chính của họ là bao nhiêu? Thiết nghĩ dự thảo nên quy định các hành vi cụ thể mà có thể xem xét xử lý được, như việc gây thương tích mà chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể phạt tiền, chứ không nên đưa ra các hành vi chung chung, khó chứng minh. Luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Trong dự thảo, hành vi bạo hành về kinh tế sẽ bị phạt tiền 500.000-2 triệu đồng, bao gồm: không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng, kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung nhằm tạo sự phụ thuộc về tài chính, buộc đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ... Theo tôi, việc ban hành quy định xử phạt này là không khả thi, khó đi vào cuộc sống.
Người làm ra tiền, là trụ cột trong gia đình nhưng đối xử bất công, xúc phạm các thành viên khác là hành vi cần lên án. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp người dân nhờ chính quyền can thiệp thì không ai giải quyết, gọi công an phường, xã thì họ cho rằng đó là việc riêng của gia đình, không can thiệp.
Phạt tiền đối với vợ hay chồng có hành vi sai nhiều lúc tác dụng ngược, chẳng những không làm người bị phạt thay đổi hành vi mà còn có thể làm tăng thêm bất hòa trong gia đình. Do đó nên có biện pháp thích hợp hơn để người làm sai ý thức được lỗi của mình và tự nguyện có trách nhiệm với gia đình là tốt nhất.
Pháp luật hôn nhân và gia đình quy định: tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất, vì thế phạt vợ hay chồng cũng là từ túi tiền gia đình mà ra, như vậy “nạn nhân” cũng bị thiệt hại theo. Hơn nữa, để chứng minh được lỗi này cũng không dễ, ai chứng minh điều này?
Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP. HCM)
Mục đích thì tốt nhưng...
Dự thảo nghị định là một cách cụ thể hóa và nhằm mục đích hướng dẫn việc thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình. Mục đích của nghị định thì tốt, nhưng theo tôi, khó có tính khả thi.
Trong gia đình, quan hệ giữa vợ chồng hay cha mẹ và con cái chẳng mấy ai lại nghĩ đến chuyện xác định thế nào là sử dụng tài sản chung vào mục đích “chính đáng” hay “không chính đáng”. Thêm nữa, trong gia đình Việt Nam từ xưa đến nay các tài sản chung (nhà, đồ dùng sinh hoạt, phương tiện đi lại...) vẫn được các thành viên cùng sử dụng.
Với nhiều gia đình, thu nhập của vợ chồng đều là tài sản chung và phần lớn người giữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình là phụ nữ. Trong khi 90% thủ phạm gây bạo lực gia đình là nam giới, chỉ có 10% nữ giới bạo lực chồng. Việc kiểm soát tiền nhằm gây sức ép “thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính” (vợ kiểm soát tiền chồng hoặc ngược lại) thật hiếm xảy ra. Với một số gia đình do điều kiện cụ thể, chia ra “tiền của anh, tiền của em, tiền của chúng ta” thì lại là chuyện khác.
Tương tự, việc “buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ” cũng rất hiếm khi xảy ra. Điều này chỉ có thể có ở mối quan hệ chủ và thợ, hay ở các băng đảng, kẻ xấu bóc lột lao động trẻ em. Trong gia đình nước ta hiện nay, việc đưa ra quy định này không thích hợp về văn hóa gia đình Việt Nam cũng như ít có tính thực tiễn.
Một khi gia đình có xung đột, bạo lực có thể vẫn xảy ra chuyện “đá thúng, đụng nia” và cao hơn nữa là đập phá đồ đạc trong nhà (bát đĩa, bàn ghế...). Đó là hành vi diễn ra lúc “cả giận mất khôn”, sẽ vô cùng khó và không có chứng cứ để xác định đó là hành vi “nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình”. Còn khi gia đình “cơm dẻo, canh ngọt” có ai lại “cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên gia đình hoặc tài sản chung của gia đình”? Nếu có, người đó có vấn đề về thần kinh, cần được đưa đi kiểm tra và điều trị.
Năm 2010, chúng tôi có nghiên cứu về việc thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình, và nhận thấy việc xử phạt kinh tế đối với nhiều gia đình ở các vùng nông thôn là khó khả thi. Người dân vi phạm Luật phòng chống bạo lực gia đình thường không có tiền nộp phạt.
Vì vậy nghị định cần tính đến tính khả thi để cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp. Đừng nên chỉ soạn thảo cho có mà thiếu tính khả thi.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh
Chưa gắn với thực tế
Trước hết, việc Bộ Công an quan tâm và ban hành nghị định về xử phạt hành vi bạo lực kinh tế trong gia đình là một biểu hiện tiến bộ của luật pháp, song các điều khoản cụ thể của nghị định lại chưa gắn với thực tế vì các lý do sau:
- Các nạn nhân của dạng bạo lực này sẽ không muốn tố cáo người gây ra các hành vi này (trừ trường hợp đang ly thân hoặc ly dị), vì nếu bị phạt tiền sẽ ảnh hưởng đến quỹ chung của gia đình vì hầu hết gia đình Việt Nam là có kinh tế chung.
- Để xác định các hành vi này là rất khó. Thí dụ: hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng; vậy nếu người có hành vi này là bố, mẹ cấm con sử dụng tài sản chung vào mục đích của riêng con dù chính đáng nhưng nguồn tài sản này còn phải chi cho nhiều việc cũng chính đáng thì sao? Bố/mẹ có trách nhiệm phải điều tiết thu chi của gia đình. Cũng như vậy, vợ hoặc chồng là những người có trách nhiệm điều tiết thu chi nhưng một người lại muốn mua xe máy mà khả năng quỹ chung chưa cho phép? Ở đây chúng ta nên phân biệt là tài sản do người đó kiếm được nhưng bị người khác ngăn cấm sử dụng thì mới cần lên án, còn tài sản chung cần có sự thỏa thuận của các thành viên có đóng góp trực tiếp thì họ sẽ được quyền có ý kiến trong việc sử dụng tài sản làm gì/cho ai?
- Việc kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính; Buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ; Đập phá tài sản riêng của mình nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình; Cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên gia đình hoặc tài sản chung của gia đình. Đây là những hành vi cần lên án song tùy từng mức độ nặng nhẹ, chúng ta có thể xử phạt bằng hình thức buộc đương sự phải lao động công ích thì tốt hơn, có ý nghĩa giáo dục và hiệu quả hơn là phạt tiền. Họ có thể phải làm bản kiểm điểm trước các thành viên gia đình có sự giám sát của các thành viên gia đình trong việc không tái phát. Cần bảo đảm cho các thành viên tố giác không bị trả thù bằng các hình thức, nếu có thì có thể xử phạt nặng hơn đưa ra cộng đồng phê bình.
GS.TSLÊ THỊ QUÝ (viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển)
Một số mức phạt đối với các hành vi bạo lực gia đình 1. Phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi: - Không cho thành viên gia đình đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình hoặc tiếp cận với thông tin đại chúng hằng ngày. - Ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. - Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi: - Không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng. - Kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính. - Buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ. - Buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục. - Buộc vợ hoặc chồng của người có hành vi bạo lực sống chung một nhà hoặc ngủ chung phòng với người tình của người có hành vi bạo lực. - Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục. - Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng. - Có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn. 3. Phạt tiền từ 1-1,5 triệu đồng đối với hành vi: - Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân. - Ép buộc thành viên gia đình thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. - Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. - Ép buộc thành viên gia đình phải xem, nghe, đọc những văn hóa phẩm đồi trụy, kinh dị. - Cưỡng ép thành viên gia đình lột bỏ quần áo trước mặt người khác hoặc nơi công cộng. (Nguồn: dự thảo nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình) M.Quang |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận